Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, các nhà sản xuất Việt lại tung ra hàng loạt phim để phục vụ khán giả. Nhưng tính đến thời điểm này, những thông tin về các bộ phim sẽ ra rạp trong mùa phim Tết 2017 vẫn “kín như bưng”. Điều này khiến công chúng không khỏi nghi ngại, chẳng nhẽ không ai còn mặn mà với món ăn tinh thần dịp cuối năm?
Nhìn lại một mùa ảm đạm
Để “đọc vị” được mùa phim Tết 2017, chúng ta cần nhìn lại chặng đường nửa đầu năm 2016, dù có đến hàng chục bộ phim được ra mắt ở nhiều thể loại khác nhau nhưng chưa tác phẩm nào để lại ấn tượng sâu sắc với giới chuyên môn và khán giả. Một số phim được đánh giá cao nhưng chưa thành công tại phòng vé, và ngược lại. Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, mức độ cạnh tranh của thị trường phim Tết đang ngày càng khốc liệt. Vì mức độ cạnh tranh khốc liệt nên doanh thu của nhiều bộ phim đã không được như mong đợi dù đầu tư rất hoành tráng và khâu truyền thông cũng rất tốt.
Đã đến lúc cần cởi bỏ “chiếc áo” phim Tết nhàm chán để khoác lên mình một “chiếc áo” mới và hướng đến một mục tiêu xa hơn.
Giới chuyên môn nhận định, việc ra nhiều phim với công thức giống nhau vào cùng một thời điểm đã khiến cho thị trường phim Tết trở nên bão hòa. Trong khi đó, các nhà sản xuất Việt cũng chưa đủ tầm và chưa đủ lực để có thể sản xuất được những bộ phim “bom tấn” đúng nghĩa, hòng cạnh tranh với các bộ phim nước ngoài trên rạp chiếu. Vì lẽ đó mà doanh thu cứ giảm dần còn khán giả lại dịch chuyển sang xu hướng xem phim nước ngoài thay cho các phim Việt chưa có nhiều đột phá.
Với quan niệm đón Tết vui vẻ, cười thả phanh nên không ai bảo ai, các nhà làm phim đều bắt tay vào làm phim hài. Thể loại này đã trở thành “đặc sản” không thể thiếu trong mùa phim chiếu Tết. Nhà nhà làm phim hài, người người đóng hài... khiến cho mảng phim hài trở nên nhàm và nhạt. Từ chỗ yêu và thích tiếng cười, nhiều khán giả đâm ra “ngán” hài. “Thực đơn” phim Tết vì thế mà cũng ngày càng nghèo nàn và đơn điệu bởi tiếng cười lấn át những thứ cảm xúc khác.
“Mâm cỗ” nghèo nàn nhất có lẽ là dịp Tết 2016, trong số 5 phim được chiếu trong dịp Tết thì có đến 4 phim thuộc thể loại hài. Những phim như Lộc phát, Tía tui là cao thủ, Siêu trộm,... dù các đạo diễn đã cố tình chọn đề tài và thể loại hài hành động để thể hiện nhưng màu sắc hài vẫn... “đóng khung”, không có gì đặc sắc. Ngay cả Yêu là phải xài chiêu cũng không phải là một dự án thật sự nổi trội. Lần đầu tiên tham gia thị trường phim Tết, đạo diễn Lê Bảo Trung kể câu chuyện về cuộc đua bất đắc dĩ của anh chàng Lộc và gã sát thủ tên Cát. Phim có sự tham gia của Bình Minh, Đinh Ngọc Diệp, Hiếu Hiền... Tuy có yếu tố hành động nhưng đây cũng chỉ là bộ phim hài quen thuộc của ngày Tết. Theo lời Lê Bảo Trung, phim đơn giản chỉ là một góc nhìn hài hước, dễ thương của anh về tình yêu phản ánh qua ngôn ngữ điện ảnh, mang tiếng cười cho khán giả trong ngày Tết. Nhưng với dàn diễn viên hài như Thu Trang, Đại Nghĩa, La Thành, Tiến Luật..., cùng với kịch bản theo mô-tuýp cũ, phim đã rơi vào tình trạng “hài nhảm” như biết bao phim khác. Nhìn lại bức tranh phim Tết ảm đạm của năm ngoái, khán giả thắc mắc: Đến bao giờ phim Tết hoặc khán giả phim Tết mới thoát khỏi thói quen “cười cho xong”?
Cởi bỏ “chiếc áo” phim Tết
Cùng với sự giảm sút về số lượng phim, sự im ắng về thông tin quảng bá là sự co cụm về thể loại. Nếu các nhà sản xuất vẫn cứ tiếp tục lối làm phim hài như hiện nay thì chắc chắn sẽ “thua” ngay trên “sân nhà” bởi khán giả đã không còn mặn mà với những phim hài theo mô-tuýp quen thuộc. Đã đến lúc các nhà sản xuất phim cần thay đổi tư duy về cách làm phim Tết bởi rõ ràng thị trường này vẫn đang rất tiềm năng.
Tết là dịp để vui vẻ, giải trí nên hãng phim nào cũng đặt mục tiêu dù là phim gì thì cũng phải “bổ mắt” và “cười sái miệng”. Nhưng chính mục tiêu này đã khiến phim Tết trở nên nhàm và nhạt. Hậu quả là chẳng còn mấy ai mong đợi phim Tết nữa. Đây cũng là một ví dụ điển hình về thói quen “nghĩ ngắn” và cách làm việc theo kiểu “mùa vụ” của số đông các nhà làm phim Việt hiện nay. Nếu chịu nhìn sâu và xa hơn, những bộ phim Tết cũng có thể quyết định cục diện của điện ảnh Việt cùng xu hướng điện ảnh trong năm. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc người trong giới cần cởi bỏ chiếc áo phim Tết nhàm chán để khoác lên mình một chiếc áo mới và hướng đến một mục tiêu xa hơn: nâng cao chất lượng và hiệu quả của các sản phẩm điện ảnh made in Vietnam.
Câu hỏi đặt ra lúc này là: Điện ảnh Việt đang cần điều gì? Kịch bản hay, đạo diễn tài giỏi, diễn viên xuất sắc hay chiêu PR hiệu quả...? Nhưng sau tất cả, chúng ta cần một tư duy mới trong cách làm phim. Xã hội ngày càng văn minh, nhu cầu thưởng thức văn hóa càng cao, việc phát triển những phương tiện nghe nhìn, đặc biệt là các kênh phim ảnh cũng ngày càng nhiều. Việc đổi mới tư duy, xây dựng thành một ngành công nghệ làm phim điện ảnh hiện đại, chuyên nghiệp, chất lượng nội dung, nghệ thuật cao là điều nên làm ngay từ bây giờ.