Phim Tết, ngoại áp đảo nội

15-02-2011 09:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

Không biết từ bao giờ, người nông dân Việt phải “trông trời, trông đất, trông mây” để cắm cây mạ xuống đồng, mong đến mùa có được hạt thóc. Thế mà điện ảnh Việt đã và đang trên đường phát triển và hội nhập lại cũng học theo cách làm của mấy bác nông dân thì biết đến bao giờ phim mới bớt “sến” cho khán giả nhờ.

Không biết từ bao giờ, người nông dân Việt phải “trông trời, trông đất, trông mây” để cắm cây mạ xuống đồng, mong đến mùa có được hạt thóc. Thế mà điện ảnh Việt đã và đang trên đường phát triển và hội nhập lại cũng học theo cách làm của mấy bác nông dân thì biết đến bao giờ phim mới bớt “sến” cho khán giả nhờ.

Từ phim nội…

Những bộ phim chiếu trong dịp Tết Tân Mão vừa rồi được kỳ vọng nhất là Cô dâu đại chiến (ĐD Victor Vũ), Thiên sứ 99 (ĐD Nguyễn Minh Cao) và Bóng ma học đường (ĐD Lê Bảo Trung).

Theo sự đánh giá của giới chuyên môn thì cả ba phim này đều chỉ là thể loại “cận điện ảnh”, bởi lẽ hầu hết khán giả đều có chung một nhận xét là các phim trên không vượt ra ngoài công thức: Phim Tết = chân dài hài hước. Thậm chí có người còn nhận xét một cách tỉ mỉ hơn rằng phim Tết nào chẳng thế: hotgirl, hotboy cười nhạt như canh thiếu muối. Khái niệm “cận điện ảnh” trong vài năm trở lại đây đã được nhiều người dùng chỉ loại phim chủ yếu được làm để “cù” người xem, nhưng khán giả có cười hay không lại là chuyện không hề đơn giản chút nào. Còn chất lượng nội dung và nghệ thuật dường như chẳng mấy nhà phim nào quan tâm. Họ cho rằng mọi người lao động vất vả suốt cả năm với bao suy tư, trăn trở, lo toan, năm hết Tết đến là thời điểm người ta cần cái cười để quên đi những gì đã làm được và chưa làm được trong năm. Cứ theo cái lý ấy 3 “đại gia” là hãng Phước Sang, Thiên Ngân và BHD Tết nào cũng thi nhau “cù” khán giả.

Theo giới chuyên môn, Bóng ma học đường và Thiên sứ 99 là hai phim thể hiện rõ nhất khuynh hướng “cận điện ảnh” theo cả nghĩa nội dung chất lượng phim và thủ pháp công nghệ được sử dụng mang tính tiên phong (3D) để làm phim. Tuy nhiên, Bóng ma học đường là phim lần đầu sử dụng kỹ thuật 3D nên vì quá chú tâm đến công nghệ mới mà dường như các nhà làm phim đã bỏ qua ngôn ngữ điện ảnh, cái khu biệt giữa điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác.

Xét về khía cạnh ngôn ngữ điện ảnh thì Cô dâu đại chiến đã xử lý các tình huống thông minh, gần gũi với người xem và gây được những tiếng cười cũng “tử tế” hơn, không bắt người xem “bị” cười như hai phim trên. Còn xét về diễn xuất thì cách diễn của Huy Khánh, Lê Khánh, Ngọc Diệp, Ngân Khánh... trong nhiều cảnh đã tạo được bất ngờ và hứng thú cho người xem. Phần lớn các vai diễn trong hai phim Bóng ma học đường và Thiên sứ 99, ngoài yếu tố chân dài ra, người xem không thể nào phân biệt được đâu là kịch, truyền hình hay điện ảnh.

Cảnh trong phim Thiên sứ 99.

… Đến phim Hollywood

Trong dịp Tết Tân Mão vừa qua, ba bộ phim từ kinh đô điện ảnh thế giới đã kịp có mặt ở Việt Nam để phục vụ khán giả. The Green Hornet là phim thuộc thể loại hành động duy nhất được trình chiếu trong Tết vừa qua. Nhiều người cho rằng, thực sự The Green Hornet đã gây được một cơn sốt tại Việt Nam, đã nhận được lời khen từ các nhà phê bình điện ảnh sau khi ra mắt. Với những khán giả ưa chuộng dòng phim hành động với nhiều kỹ xảo thì đây quả là sự lựa chọn không đến nỗi uổng phí thời gian trong những ngày Tết vừa qua.

Tangled là phim hoạt hình 3D của Walt Disney đã ra mắt tại Mỹ từ cuối tháng 11/2010 nhưng mãi đến dịp Tết Tân Mão vừa qua, khán giả Việt mới có cơ hội được thưởng thức. Bộ phim được sản xuất dựa vào câu chuyện cổ tích nổi tiếng của anh em nhà Grim. Hãng Walt Disney đã bỏ ra 260 triệu USD để thực hiện Tangled. Mang phong cách nhạc kịch kinh điển, phim đưa khán giả đắm chìm vào thế giới cổ tích huyền diệu với hoàng tử, công chúa, mụ phù thủy và cả những loài động vật ngộ nghĩnh, đáng yêu đặc trưng của Disney. Hiệu ứng 3D tuyệt đẹp của phim cũng sẽ khiến nhiều khán giả phải trầm trồ khen ngợi. Tangled đã đạt được gần 400 triệu USD doanh thu phòng vé trên toàn cầu. 

Là phần tiếp nối của Meet The Parents (2000) và Meet The Fockers (2004), Little Fockers đã mang tới những tiếng cười "rất Mỹ” cho khán giả Việt.

Tuy 3 bộ phim Tết Việt thu được 47 tỷ đồng trong tuần Tết vừa qua  nhưng rõ ràng là với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, các nhà làm phim nội Việt đang từng ngày, từng giờ bị phơi áo ngay trên sân nhà. Bây giờ khán giả có điều kiện hơn nên họ cũng có quyền hơn trong việc đòi hỏi những tác phẩm điện ảnh đáng “đồng tiền bát gạo” mà họ bỏ ra, đừng để khán giả đến rạp xem chỉ vì tò mò… Đấy là lời cảnh báo vừa ngọt ngào, vừa sâu sắc đối với các nhà điện ảnh Việt, nếu không muốn để khán giả quay lưng lại với phim nội.      

Thiên Hương


Ý kiến của bạn