Phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể: Nhiều cái mới nhưng chưa tới...

26-08-2016 07:51 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Với tâm lý tò mò xem một câu chuyện cổ tích Việt được khai thác như thế nào trên màn ảnh, cũng như tìm hiểu nguyên do vì sao bộ phim lại dính lùm xùm...

Với tâm lý tò mò xem một câu chuyện cổ tích Việt được khai thác như thế nào trên màn ảnh, cũng như tìm hiểu nguyên do vì sao bộ phim lại dính lùm xùm với công ty phát hành sở hữu 40% cụm rạp trên toàn quốc, tôi đã đến rạp, mua vé xem phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể. Đây là một bộ phim đáng xem và có nhiều chuyện để nói xung quanh bộ phim này.

Điểm sáng trong bối cảnh “khát” phim hay

Ngay từ khi chưa ra rạp, Tấm Cám - Chuyện chưa kể đã gây được sự chú ý của công chúng. Điều này xuất phát từ nhiều lý do: bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích quen thuộc của Việt Nam, do người đẹp tài năng Ngô Thanh Vân đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên đang “hot” hàng đầu showbiz Việt, công nghệ PR bài bản... và một lý do không thể không nhắc đến là phim Việt đang “khủng hoảng phim hay”. Nếu cuối năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) và Em là bà nội của anh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) được đánh giá khá cao về chất lượng, khuấy đảo các phòng vé thì phim Việt ra rạp những tháng đầu năm 2016 khá “im hơi lặng tiếng”. Chính vì vậy, Tấm Cám - Chuyện chưa kể được chờ đợi sẽ là điểm sáng hiếm hoi của phim Việt trong năm nay.

Thái tử Hiếu Long và Tấm do Issac và Hạ Vi thủ vai.

Đánh giá khách quan thì Tấm Cám - Chuyện chưa kể là một bộ phim đáng xem và có nhiều điều để xem dù không quá xuất sắc hay gây ấn tượng mạnh mẽ. Điểm cộng của phim chính là cảnh quay đẹp, vừa hoành tráng, vừa lãng mạn. Hình ảnh Việt Nam hùng vĩ, nên thơ được thể hiện rất thành công trong phim. Bên cạnh đó, kỹ xảo điện ảnh cũng được khai thác, sử dụng mạnh mẽ không thua là bao so với những gì thường thấy trong phim Hollywood.

Dàn diễn viên ngôi sao là một điểm đáng quan tâm của phim. Ca sĩ Issac vào vai thái tử Hiếu Long khá tốt. Gương mặt đẹp, phù hợp với phim cổ trang, cộng với diễn xuất tự nhiên, biểu cảm, thần thái, đài từ tốt, Thái tử Hiếu Long nhận được nhiều tình cảm của khán giả. Diễn xuất của Ninh Dương Lan Ngọc (vai cô Cám) có duyên và có nghề. Sự cay nghiệt, độc ác, chua ngoa của mẹ ghẻ được Ngô Thanh Vân thể hiện tròn vai, dù đôi chỗ hơi cường điệu. NSƯT Hữu Châu vào vai Thừa tướng Tào Hắc khá “ngọt”. Sự thâm độc, nham hiểm của một nhân vật phản diện được khắc họa rõ nét qua tạo hình, lời nói nhân vật, tuy nhiên, sức mạnh thực sự bên trong Tào Hắc chưa rõ nét.

Tuyến nhân vật phụ như ông Bụt (NSƯT Thành Lộc), bà lão (NSND Ngọc Giàu), thái giám Thuận Nô (Jun Phạm)... với những câu nói dí dỏm, hài hước là điểm nhấn đáng chú ý của Tấm Cám - Chuyện chưa kể. Chính những nhân vật này là sợi dây kết nối các nhân vật chính, mang đến tiếng cười cho khán giả, khiến Tấm Cám - Chuyện chưa kể trở nên mềm mại, hấp dẫn hơn.

Một điều thực sự đáng tiếc là diễn xuất của cô Tấm (do Hạ Vi thủ vai) thiếu thuyết phục. Nhiều người có chung nhận định rằng, diễn xuất của Hạ Vi bị “đơ” và vai này nếu do Ninh Dương Lan Ngọc đóng sẽ sinh động hơn. Về ngoại hình, từ nhan sắc đến vóc dáng, Hạ Vi rất phù hợp với nhân vật hiền lành như cô Tấm. Điều đáng nói là cách diễn tả cảm xúc, biểu đạt trên gương mặt của Hạ Vi thiếu sinh động và sự nhập vai cần thiết. Đoạn Tấm vào cung tham gia lễ hội do Thái tử tổ chức, cô vừa đi, vừa ngó nhìn xung quanh trong một chặng đường dài khiến khán giả bật cười. “Ấn tượng” nhất là gương mặt “không cảm xúc” của cô được quay cận cảnh khi ngã từ trên cây cau xuống. Nhân vật Tấm được xây dựng khá mờ nhạt trong phim và có lẽ, vai diễn cô Tấm là tấm áo quá rộng cho một diễn viên lần đầu chạm ngõ điện ảnh như Hạ Vi.

Chưa qua được “vết xe đổ”

Nhiều khán giả cho rằng, đạo diễn Ngô Thanh Vân đã “tham” khi đưa vào Tấm Cám - Chuyện chưa kể quá nhiều thứ. Tấm Cám - Chuyện chưa kể là một “nồi lẩu thập cẩm” các thể loại phim từ hành động, giả tưởng, dã sử, lãng mạn, hài hước... cái gì cũng có, nhưng rốt cuộc, cái gì cũng chưa tới tầm. Khán giả có thể giật mình nhưng chưa đến mức sợ hãi, khán giả cũng có thể cười, có thể buồn nhưng không thể khóc, có thể thấy tình yêu nhưng không cảm nhận được lòng chung thủy, có thể thấy hình ảnh người anh hùng xả thân vì nghĩa lớn nhưng chưa thấy sự anh minh, trí tuệ của nhân vật này... Thông điệp từ bộ phim, cái đọng lại trong lòng khán giả nhàn nhạt, khó định nghĩa.

Một điểm yếu mang tính “cố hữu” trong điện ảnh Việt là kịch bản và Tấm Cám - Chuyện chưa kể cũng chưa vượt qua được “vết xe đổ” này. Tấm Cám - Chuyện chưa kể có nhiều cái mới, vượt ra ngoài khuôn khổ của câu chuyện cổ tích Tấm Cám. Thay vì câu chuyện xoay quanh cô Tấm, nhân vật trung tâm của bộ phim là Thái tử Hiếu Long với nhiều trọng trách nặng nề, trong đó có cả việc đấu tranh gìn giữ giang sơn đất nước. Vì đảm nhận nhiều vai nên vai nào Thái tử Hiếu Long cũng không được khắc họa rõ nét. Tình yêu, sự chung thủy của anh với cô Tấm hay sự thông minh, nhanh nhạy của một anh hùng dân tộc đều khá mờ nhạt. “Lỗi” này do kịch bản chứ không phải do diễn xuất của diễn viên.

Những tình tiết được coi là “hồn cốt” của truyện Tấm Cám dù được đưa vào phim nhưng bị “cắt xén”, giản lược quá nhiều. Trong khi đó, những tình tiết mới thêm vào lại làm chưa tới. Những tình tiết ở phần cuối của phim bị đánh giá là thiếu logic, thậm chí có phần phi lý. Đáng tiếc nhất là tình tiết Thái tử Hiếu Long nuốt viên ngọc và biến thành quái thú để chiến đấu với Thừa tướng Tào Hắc cũng vốn là một quái thú. Quái thú (do Thái tử biến thành) chiến thắng và nhờ giọt nước mắt của cô Tấm mới có thể biến lại thành người. Đây là sự “vượt giới hạn” đáng tiếc của bộ phim, khiến Tấm Cám - Chuyện chưa kể đánh mất đi chất cổ tích Việt, thay vào đó là kiểu làm phim Hollywood, thậm chí là mang màu sắc của phim hoạt hình Người đẹp và quái thú.

Nói gì thì nói, Tấm Cám - Chuyện chưa kể cũng đáng xem và động viên trong tình hình “khát” phim hay hiện nay. Tuy nhiên, hãy coi đó là một điểm sáng đáng trân trọng, đừng khoác lên nó trọng trách nặng nề danh xưng phim “bom tấn” của điện ảnh Việt...


Phạm Giang Thiên
Ý kiến của bạn