Phim tài liệu vượt khó ra rạp

14-08-2019 13:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mặc dù được nhận định khó có cơ hội ra rạp, tuy nhiên phim tài liệu Việt gần đây đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi nhiều tác phẩm được chiếu rạp tạo được tiếng vang.

Với sự chân thật, nhân văn, xúc động lòng người..., nhiều phim tài liệu đã dần thay đổi nhận thức khán giả về dòng phim này.

Nhiều “vật cản” ra rạp

Theo giới làm nghề, không như phim điện ảnh, dòng phim tài liệu với những đặc trưng riêng rất khó để ra rạp chiếu thương mại. Đạo diễn Phạm Thu Hằng cho rằng, khán giả nước nhà lâu nay vẫn đang bị đóng đinh với ý nghĩ, phim tài liệu khô khan, thiếu hấp dẫn nên việc họ bỏ tiền ra mua vé là một thách thức không hề nhỏ.

Trong khi đó, NSND Đào Trọng Khánh phân tích, phim tài liệu Việt chưa thực sự hấp dẫn người xem, thiếu tư tưởng, sự đột phá mới mẻ. Lứa đạo diễn làm phim chất lượng và chuyên nghiệp hiện nay không nhiều. Còn những phim có tính chất nghệ thuật, đạt giải nhưng khoác mác tuyên truyền nên khó ra rạp thương mại. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, phim tài liệu Việt chưa có nhiều cơ hội chiếu rạp vì chưa nhận được sự đầu tư về kinh phí so với yêu cầu. Bởi vậy, người làm phim đều là những người trẻ, họ tìm mọi cách để kêu gọi tài trợ và dốc sức làm chỉ vì đam mê.

Từ đầu tháng 8, Những cánh én đầu tiên - phim tài liệu lịch sử Việt Nam lần đầu tiên chiếu rạp.

Từ đầu tháng 8, Những cánh én đầu tiên - phim tài liệu lịch sử Việt Nam lần đầu tiên chiếu rạp.

Một thực tế không thể phủ nhận, phim tài liệu nếu chiếu rạp khó có thể đạt doanh thu nếu so với phim điện ảnh và nhiều sản phẩm giải trí khác. Chính vì thế, nhà đầu tư lẫn đơn vị phát hành phim tài liệu, trong thời buổi “tiền tươi thóc thật” nên chẳng mấy người mặn mà với dòng phim này. Dù điện ảnh Việt hằng năm có nhiều phim tài liệu được sản xuất nhưng chủ yếu để đi thi, chiếu trên truyền hình theo sự kiện theo kiểu tuyên truyền, còn việc ra rạp như một giấc mơ xa xỉ. Bên cạnh đó, hiện nay, hầu như các đạo diễn phim tài liệu chỉ làm phim theo đơn đặt hàng, nội dung chủ yếu xoay quanh về truyền thống dân tộc, quê hương đất nước... chứ chưa mạnh dạn khai thác vào những vấn đề “nóng”, góc cạnh về cuộc sống như tham nhũng, giới tính... được dư luận quan tâm.

Có thể dễ dàng nhận thấy, số lượng phim tài liệu Việt phát hành qua hệ thống rạp chiếu vẫn đếm trên đầu ngón tay. Là “anh cả” của phim tài liệu nước nhà, tuy nhiên Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, dù sở hữu đến hàng nghìn phim tài liệu, sau một khoảng thời gian dài bao cấp sản xuất và phát hành, hầu hết phim chỉ đến với khán giả qua hình thức chiếu bóng lưu động và các kênh truyền hình. Lý do thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là câu chuyện kinh phí và doanh thu.

Những luồng gió mát

Những khó khăn, trở ngại nói trên không đồng nghĩa với việc phim tài liệu Việt bị bỏ rơi và không có tác phẩm tạo được tiếng vang đối với khán giả những năm gần đây. Trên thực tế, nhiều phim tài liệu đã ra rạp và để lại nhiều hiệu ứng tích cực bởi những đề tài có sức lan tỏa lớn, tạo được độ rung trong xã hội. Trong số này phải kể đến phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm), Lửa Thiện Nhân (đạo diễn Đặng Hồng Giang), Hai đứa trẻ (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư), Mẹ ơi con đã về (đạo diễn Minh Đức), Chuyện ngày hôm qua (đạo diễn Đặng Linh - Hồng Thăng), Đi tìm Phong (đạo diễn Trần Phương Thảo, Swann Dubus)... Các phim tài liệu này ra rạp và hầu hết các buổi công chiếu đều kín khán giả, thậm chí nhiều phim rơi vào tình trạng “cháy vé”. Đặc biệt, một số phim tài liệu còn giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế uy tín và được trình chiếu tại nước ngoài như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.

Ngoài ra, bộ phim tài liệu Lửa Thiện Nhân ghi lại cuộc đời của “chú lính chì” Thiện Nhân, cậu bé từng bị bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng và bị kiến cắn đến mức hoại tử bộ phận sinh dục và một cái chân đã thu hút mọi người vì nó không chỉ là một câu chuyện cảm động mà còn tràn đầy cảm hứng, giúp khán giả có thêm được niềm tin vào cuộc sống cũng như những điều tốt ở đời. Bộ phim tài liệu này sau đó còn được công chiếu ở nhiều trường học ở nước ta, qua đó truyền cảm hứng và niềm tin, đức tính vươn lên qua nhân vật Thiện Nhân tới các em học sinh.

Mới đây, phim tài liệu lịch sử Việt Nam lần đầu tiên ra rạp, đó là phim Những cánh én đầu tiên của Xưởng phim Én Bạc và Trường đại học Duy Tân thực hiện. Bộ phim tài liệu này nhận được sự quan tâm của khán giả bởi ê-kíp thực hiện đã chắt lọc từng sự kiện, khung hình để tái hiện một cách rõ nét nhất những thời khắc oanh liệt của những người anh hùng trong những trận đánh lịch sử đầu tiên ở cầu Hàm Rồng tháng 4/1965. Xem 60 phút của Những cánh én đầu tiên đã gợi ký ức về chiến thắng trận đầu lẫy lừng ngày 4/4/1965 tại cầu Hàm Rồng giữa lực lượng Không quân Việt Nam với lực lượng Không quân và Không quân Hải quân Mỹ. Để mỗi lần lật lại từng trang sử, mỗi khán giả sẽ không ngừng bồi hồi, xúc động, điểm tô thêm trang sử hào hùng để giúp thế hệ trẻ niềm tự hào, mãi mãi trân trọng những phút giây thiêng liêng của dân tộc.

Nhìn từ thực tiễn, đạo diễn Lê Hồng Chương đánh giá, phim tài liệu ở Việt Nam hiện nay rất cập nhật, cho thấy sự nhanh nhạy của các đạo diễn trong việc đeo bám sự kiện, nhân vật. Tuy nhiên, nếu được tư nhân hóa và có thêm rạp chiếu riêng cho phim tài liệu thì khán giả sẽ có nhiều bộ phim đáng xem, chất lượng hơn nữa.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn