Hà Nội

Phim tài liệu Việt Nam tự tin trên sân chơi quốc tế

29-11-2021 07:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không như phim truyền hình, phim truyện điện ảnh; dòng phim tài liệu kén người xem và rất hiếm tác phẩm chiếu thương mại.

NSND Công Lý ‘qua đời’: Bức xúc thôi chưa đủNSND Công Lý ‘qua đời’: Bức xúc thôi chưa đủ

SKĐS - Thông tin NSND Công Lý “qua đời” vừa lan truyền trên mạng xã hội đã khiến nhiều khán giả mến mộ Bắc Đẩu của Táo quân không khỏi hoang mang.

Bù lại, phim tài liệu Việt có nhiều tác phẩm chất lượng, gây được tiếng vang khi đem tới những câu chuyện giàu cảm xúc, phản ánh hiện thực đời sống, lan tỏa cái đẹp, lên án cái xấu... Không ít phim tài liệu Việt đã tỏa sáng ở những sân chơi quốc tế. Nhưng đằng sau sự thăng hoa cũng có một vài khoảng lặng.

Phim tài liệu, những tín hiệu vui

Nữ đạo diễn sinh năm 1991 Hà Lệ Diễm đoạt giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" và giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam 2021. Những đứa trẻ trong sương là tác phẩm do Hà Lệ Diễm đạo diễn và đem lại vinh quang cho cô gái trẻ 30 tuổi ở sân chơi quốc tế kể trên.

Phim tài liệu, khoảng lặng sau những thăng hoa - Ảnh 2.

Những đứa trẻ trong sương, phim tài liệu của Hà Lệ Diễm vừa nhận cú đúp giải thưởng tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam 2021.

Những đứa trẻ trong sương (92 phút) kể về cuộc sống của Di, một bé gái 12 tuổi người Mông sống tại Sa Pa. Từ nhân vật Di và những mối quan hệ xung quanh em, Hà Lệ Diễm đã kể một câu chuyện về cuộc đụng độ giữa phong tục cổ xưa và giá trị hiện đại, tại một nơi mà trẻ em sinh ra từ một nền văn hóa truyền thống cũng được tiếp cận với thế giới bên ngoài. Bộ phim phản ánh những hậu quả đáng tiếc của hủ tục, cả nguy cơ bắt cóc, buôn bán người.

Niềm vui tiếp nối, bộ phim tài liệu Mùa xuân vĩnh cửu (tựa tiếng Anh: The Eternal Springtime) của đạo diễn Việt Vũ vừa chiến thắng giải Grand Prix Documentary Short tại LHP Quốc tế Cork lần thứ 66 tổ chức ở Ireland. Giải thưởng ở sự kiện này mở ra cơ hội Mùa xuân vĩnh cửu nhận đề cử cho "Phim tài liệu ngắn xuất sắc" giải Oscar 2022 danh giá. Đây thật sự là một tin vui cho phim tài liệu Việt bởi giấc mơ Oscar đối với điện ảnh ở ta từ lâu vẫn luôn bỏng cháy.

Nhà sản xuất hé lộ nội dung Mùa xuân vĩnh cửu (thời lượng 26 phút): "bộ phim lột tả những khoảnh khắc trong hiện tại mong manh của một quốc gia Đông Nam Á giàu lịch sử đang chuyển mình trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Sau cùng, đây là một bộ phim truyền tải những hy vọng mong manh về tương lai". NSND Đào Bá Sơn nhận định: "Với nét riêng biệt trong cách thể hiện, phim sẽ mang lại những nét đẹp về văn hóa, du lịch và tình hữu nghị đoàn kết với các nước.

Phim tài liệu, khoảng lặng sau những thăng hoa - Ảnh 3.

Cảnh trong phim tài liệu Mùa xuân vĩnh cửu của đạo diễn Việt Vũ.

Ngoài hai tác phẩm kể trên, phim tài liệu Việt đã, đang có không ít những tác phẩm chất lượng. Nhiều phim tài liệu do các nhà làm phim trong nước để lại ấn tượng với khán giả có: Chuyện tử tế, Hà Nội trong mắt ai, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Ranh giới, Chuyện những người lính già, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Ông tây nước mắm, Lửa Thiện Nhân, Chông chênh, Chư Tan Kra, Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam, Đường về, Hai đứa trẻ, Chuyện ngày hôm qua, Giấc mơ là công nhân., Đoạn trường vinh hoa,

Không nói đâu xa, trong dịch COVID-19, nhiều phim tài liệu đã ra đời và chạm vào cảm xúc khán giả. Đó là Chuyện ở thành phố thức (3 tập) lần lượt kể câu chuyện của lực lượng chống dịch làm việc trong đêm, câu chuyện thở của bệnh nhân nhiễm COVID-19 và việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. Dã chiến, Ngày vềHậu phương là câu chuyện về những số phận ở Bệnh viện dã chiến số 6. Cuộc chiến không giới hạn, Cùng nhau vượt qua đại dịch, Lựa chọn của tôi... mang đến góc nhìn đa chiều về cuộc sống mùa dịch với những hiểm nguy, nhọc nhằn và cả sự sẻ chia ấm áp.

Phim tài liệu, khoảng lặng sau những thăng hoa - Ảnh 4.

Phim tài liệu Ranh giới của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư gần đây về một lát cắt trong cuộc chiến với COVID-19 khiến khán giả xúc động.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, người có loạt phim tài liệu gây tiếng vang thời gian qua và gần đây nhất là Ranh giới, cho rằng, phim tài liệu hiện nay đã đến gần khán giả hơn, nội dung phong phú, thời lượng của phim đa dạng hơn, khung giờ phát sóng trên các kênh truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông khác cũng được mở rộng hơn. Tạ Quỳnh Tư cho biết thêm, nhiều bộ phim có cách làm mới lạ độc đáo, học hỏi và áp dụng cách làm phim quốc tế, đồng thời có những bộ phim chọn hình thức không lời bình để truyền tải tư tưởng chủ đề thông qua hiện thực đời sống nhân vật.

Có cùng nhận định, đạo diễn Đoàn Hồng Lê chia sẻ, so với cách đây 10 năm, nhờ internet, phim tài liệu Việt Nam ngày càng tiếp cận với cách làm phim của thế giới. Đáng mừng là ngoài các hãng phim Nhà nước được đầu tư từ ngân sách, đã xuất hiện một thế hệ các nhà làm phim độc lập với cách làm phim mới mẻ, không nặng về tuyên truyền, tôn trọng hiện thực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người xem. Có những phim đã được phát hành ở nước ngoài, có phim phát hành tại các cụm rạp lớn trong nước, có khán giả riêng.

Để lan tỏa, phát triển mạnh mẽ hơn

Mặc dù có rất nhiều bộ phim tài liệu chất lượng, các nhà làm phim phần nào đã làm tốt vai trò là những người "chép sử bằng hình ảnh", dấn thân vào những đề tài nóng, những vấn đề mang tính thời đại nhưng phim tài liệu cũng cần có những bệ phóng.

Phim tài liệu, khoảng lặng sau những thăng hoa - Ảnh 5.

Phim tài liệu Lửa Thiện Nhân về bé Thiện Nhân được ví như “chú lính chì dũng cảm” đã từng chạm đến trái tim khán giả.

Thực tế dễ nhận thấy nhất, chưa có nhiều phim tài liệu trong nước được chiếu thương mại ngoài rạp như phim điện ảnh. Vài năm trở lại đây mới xuất hiện một số phim tài liệu chiếu rạp gây chú ý với người xem như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đoạn trường vinh hoa, Chuyện ngày hôm qua… Còn lại, hầu hết các phim tài liệu được phát sóng trên các kênh truyền hình, tại những sự kiện phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Theo đạo diễn Trần Phương Thảo, phim tài liệu không được ra rạp là thiệt thòi cho cả nghệ sĩ và khán giả. Tuy nhiên muốn ra rạp thì phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, còn dựa vào cung - cầu thì sẽ đi vào ngõ cụt bởi vừa mất tiền thuê rạp, lại bị xếp vào khung giờ xấu để nhường "giờ vàng" cho các bom tấn điện ảnh, càng trở nên thách thức đối các nhà làm phim vốn đã phải tự mình lo mọi thứ.

Từ sự thành công khi đem Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ra rạp, nhà phát hành Hồng Ánh cho rằng, khi khán giả ra rạp trả một phí nhất định (dù cao hay thấp) để thưởng thức bộ phim là biểu hiện sự trân trọng của khán giả đối với những người sáng tác, người làm nghề. Hồng Ánh coi đây là bước ngoặt với những bộ phim tài liệu, chứ không phải khán giả chỉ ra rạp với những bộ phim giải trí.

Phim tài liệu, khoảng lặng sau những thăng hoa - Ảnh 6.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là phim tài liệu nghệ thuật hiếm hoi khi ra rạp đã tạo nên cơn sốt vé.

NSƯT - đạo diễn Trịnh Quang Tùng (Phó TGĐ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) chia sẻ, ngoài tính thời sự tạo sức hút và sức nóng cho tác phẩm, phim tài liệu rất cần sự phân tích, bàn luận, trăn trở về một vấn đề mà nó đã, đang diễn ra một cách có chủ định của tác giả, trên cơ sở sự hiểu biết, trách nhiệm và những triết lý của đạo diễn thông qua câu chuyện, vấn đề đang đề cập. Làm được như vậy thì sức sống của phim tài liệu sẽ còn mãi và góp phần quan trọng vào sự thay đổi nhận thức của con người.

Đạo diễn, NSƯT Lý Quang Trung lại cho rằng, để có những phim tài liệu hay, hấp dẫn rất cần đầu tư bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ làm phim trẻ. Chúng ta cần phát hiện và tìm kiếm những người tài năng, có đam mê với phim tài liệu và tạo cơ hội, khuyến khích họ đến với nghề.

Hoa hậu Đỗ Thị Hà báo tin vui ở Miss World 2021Hoa hậu Đỗ Thị Hà báo tin vui ở Miss World 2021

SKĐS - Nhiều người hâm mộ đang hướng về Đỗ Thị Hà, Hoa hậu Việt Nam 2020 đã có mặt ở Puerto Rico để dự cuộc thi nhan sắc Miss World 2021 danh giá.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn