Hà Nội

Phim tài liệu Việt ghi thêm dấu ấn

07-11-2016 09:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Phim tài liệu Việt lại vừa ghi danh tại đấu trường quốc tế khi Đường tới trường (Đài truyền hình Việt Nam sản xuất) được ban giám khảo giải thưởng Hiệp hội phát thanh, truyền hình châu Á - Thái Bình Dương

Phim tài liệu Việt lại vừa ghi danh tại đấu trường quốc tế khi Đường tới trường (Đài truyền hình Việt Nam sản xuất) được ban giám khảo giải thưởng Hiệp hội phát thanh, truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU Prizes) trao giải đặc biệt. Giải thưởng này cho thấy giới làm phim tài liệu Việt đã vượt qua những khó khăn để đem đến cho khán giả những tác phẩm chất lượng, giàu tính nhân văn nhất.

Dấu ấn năm tháng...

Thực tế cho thấy phim tài liệu Việt hiện nay có những khó khăn nhất định, trong đó có nguồn nhân lực cộng với thu nhập thấp nên ít người thực sự đam mê với mảng phim tài liệu. Phim tài liệu cũng ít được chiếu thương mại và chủ yếu làm dưới hình thức tuyên truyền, đồng thời công nghệ làm phim của chúng ta còn hạn chế so với những nền điện ảnh tiên tiến... Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể, phim tài liệu Việt đã có nhiều tác phẩm giành giải cao, tạo tiếng vang trên đấu trường quốc tế.

Điển hình là phim tài liệu Đường dây lên sông Đà do nghệ sĩ Lê Mạnh Thích kiêm tác giả kịch bản, đạo diễn và quay phim. Đường dây lên sông Đà làm theo cách rất mới lạ, suốt bộ phim không hề có lời bình, thậm chí không có một câu thoại nào nhưng người xem vẫn bị cuốn hút và thật sự rung cảm với những gì trên màn ảnh. Chỉ vẻn vẹn 10 phút nhưng bộ phim như một bản anh hùng ca hàm xúc và ấn tượng về cuộc sống lao động của những người công nhân kéo, lắp đường dây trên công trường thủy điện sông Đà. Đường dây lên sông Đà sau đó đã thành công trong và nước ngoài với giải Bông Sen vàng và giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6, đặc biệt phim đoạt giải Bồ Câu vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Laixich (CHDC Đức cũ) danh giá.

phim tai lieuMột cảnh trong phim Đường tới trường.

Đó còn là bộ phim tài liệu Chị Năm khùng (đạo diễn Lại Văn Sinh) đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương năm 2000. Phim là câu chuyện cảm động về chị Đặng Thị Kim Hồng - nữ Anh hùng Lao động giàu lòng yêu nước và nặng tình yêu thương đồng đội, trong chiến tranh, có lần địch ném bom trúng đơn vị chị Hồng khiến chị bị liệt 2 tay, 2 chân. Đất nước thống nhất, chị rời phố thị trở về chiến khu xưa, tự luyện tập và điều kỳ diệu, chị Hồng đã dần hồi phục, chiến thắng bệnh tật và sau đó chị Hồng dành mọi tâm huyết cho việc đi tìm hài cốt và quy tập mộ liệt sĩ, kỷ vật của đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường.

Bên cạnh đó, tạo tiếng vang trong khoảng thời gian gần đây chính là phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm). Phim khắc họa lại nếp sống, số phận của những con người chuyển giới ở đoàn ca nhạc hội chợ vùng quê, được dàn dựng theo phong cách phim tài liệu trực tiếp, kéo dài trong thời gian 5 năm (2009 - 2014). Thời điểm mới ra mắt, bộ phim này phá đổ mọi kỷ lục phát hành phim tài liệu ở Việt Nam khi trụ hạng tại phòng chiếu trong nước thời gian dài, thậm chí do nhu cầu của khán giả, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được mở rộng lịch chiếu tại nhiều cụm rạp trên toàn quốc. Phim đoạt giải thưởng tại Liên hoan phim Chopshot Festival (Indonesia), đề cử chính thức Phim đầu tay quốc tế xuất sắc nhất Liên hoan Điện ảnh Hiện thực Paris, công chiếu nhiều suất tại Mỹ...

Và trái ngọt của Đường tới trường

Nối dài mạch nguồn thành công của phim tài liệu Việt tại đấu trường quốc tế, Đường tới trường của Đài truyền hình Việt Nam đã vượt qua hàng trăm tác phẩm cùng thể loại để nhận Giải đặc biệt của Ban Giám khảo ABU Prizes 2016 - giải thưởng danh giá nhằm tôn vinh các chương trình xuất sắc trong lĩnh vực truyền hình và phát thanh của Hiệp hội phát thanh, truyền hình châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà chuyên môn nhận định, việc Đường tới trường được vinh danh tại một giải thưởng lớn như ABU Prizes không chỉ là niềm vinh dự đối với đoàn làm phim này mà còn là động lực để các tác giả, các nhà làm phim trong nước tiếp tục cố gắng và khẳng định mình tại đấu trường thế giới.

Phim tài liệu này đã chạm vào trái tim, cảm xúc của khán giả khi kể về hành trình đến trường gian khó của các em nhỏ, học sinh dân tộc miền núi Việt Nam đã đi qua gần 30km đường rừng và đồi núi là những cung đường đầy thách thức, hiểm nguy đến tính mạng của các em. Dù khó khăn vất vả, nguy hiểm trực chờ, nhưng tinh thần lạc quan vẫn ngời sáng và rạng rỡ trên gương mặt của các em nhỏ. Bộ phim truyền tải thông điệp: để tìm đến được kiến thức, những con chữ; các em nhỏ luôn đầy ắp đam mê, khát vọng và đầy nghị lực nhằm hiện thực hóa ước mơ trở thành giáo viên, bác sĩ...


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn