Chuyện của ngày hôm qua (đạo diễn Ðặng Linh) - bộ phim tài liệu nói về quá trình hoạt động của cố nhạc sĩ Trần Lập và ban nhạc đình đám một thời - Bức Tường đã chính thức dừng chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia sau 9 ngày ra rạp. Mặc dù đã tan rã nhưng Bức Tường vẫn là ban nhạc có lượng fan trung thành rất lớn. Tuy nhiên, bấy nhiêu thôi không đủ để Chuyện của ngày hôm qua tạo nên cơn sốt vé tại rạp chiếu. Xem ra, con đường để phim tài liệu đến với công chúng vẫn còn nhiều gian nan.
Kỳ vọng và thất vọng
Với nhiều khán giả, ban nhạc Bức Tường và cố nhạc sĩ Trần Lập cùng những bài hát của nhóm như Bông hồng thủy tinh, Đường đến ngày vinh quang, Tâm hồn của đá, Người đàn bà hóa đá, Mắt đen, Trở về, Rock xuyên màn đêm... luôn có một chỗ đứng trang trọng trong trái tim họ. Điều này có thể minh chứng, liveshow Hẹn gặp lại tưởng nhớ một năm ngày mất của Trần Lập chật kín khán giả. Cũng ra rạp vào thời điểm này nhưng Chuyện của ngày hôm qua lại không có được sự quan tâm của nhiều khán giả Việt. Dù khán giả vẫn yêu thích Bức Tường, vẫn hát những ca khúc của nhóm mỗi ngày nhưng việc đến rạp xem phim tài liệu lại là một câu chuyện khác.
Chuyện của ngày hôm qua kể lại hành trình 20 năm của ban nhạc rock do Trần Lập là thủ lĩnh.
Chuyện của ngày hôm qua được Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lựa chọn để mở đầu kế hoạch tìm lại “thời kỳ hoàng kim” của phim tài liệu. Bộ phim có thời lượng 80 phút, kể lại cuộc hành trình hơn 20 năm đầy những thăng trầm, biến cố của ban nhạc rock được yêu thích hàng đầu Việt Nam - Bức Tường. Bộ phim được nữ đạo diễn Đặng Linh kể một cách đơn giản nhưng hiệu quả cùng nhiều “bí mật” của ban nhạc lần đầu tiên được “bật mí”. Nhiều khán giả đã khóc khi xem những thước phim chân thực, xúc động về Trần Lập và những thành viên trong ban nhạc. Trước khi ra rạp, Chuyện của ngày hôm qua được kỳ vọng sẽ ít nhiều “làm nên chuyện” nhưng có lẽ mọi việc không đơn giản như vậy.
Một bộ phim tài liệu rất được kỳ vọng của đạo diễn Đặng Hồng Giang là Đáng sống cũng rơi vào tình trạng tương tự khi ra rạp năm 2016. Được giới chuyên môn đánh giá là bộ phim đáng xem vì những câu chuyện giàu tính nhân văn nhưng lượng khán giả đến rạp lại rất èo uột. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được xác định là đơn vị phát hành “không mặn mà”, xếp lịch chiếu phim “làm khó” khán giả. Đạo diễn Đặng Hồng Giang cũng nỗ lực đưa “đứa con tinh thần” của mình đến nhiều rạp chiếu khác, đến các trường học, các tỉnh thành nhưng cũng không đạt được kết quả như mong muốn.
Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía
Tính đến thời điểm này, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) ra mắt khán giả Việt cuối năm 2014 vẫn là bộ phim tài liệu ra rạp thành công nhất. Bộ phim đã kể câu chuyện chân thực, xúc động, giàu tính nhân văn về đoàn hát của những người thuộc giới tính thứ ba mang tên Bích Phụng. “Địa bàn” hoạt động của đoàn hát là những hội chợ tại khu vực Nam Trung Bộ. Bộ phim đã mang đến góc nhìn mới về thế giới thứ ba thông qua những nhân vật như Trưởng đoàn Bích Phụng, chủ gian hàng đồ chơi bắn súng Mỹ Hằng... cùng rất nhiều tình huống thực tế đã xảy ra trong cuộc hành trình rong ruổi của họ đến nhiều vùng đất khác nhau. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã phá đổ mọi kỷ lục phát hành phim tài liệu ở Việt Nam. Lần đầu tiên ở Việt Nam, một bộ phim tài liệu gây nên tình trạng “sốt” vé. Bộ phim này cũng đoạt giải “Spiecial Mention” tại Liên hoan phim tài liệu Đông Nam Á Chopshots và đạt bằng khen trong hạng mục phim tài liệu của Giải thưởng Cánh diều vàng 2013.
Sự thành công của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã nhen lên kỳ vọng về sự “hồi sinh” của dòng phim tài liệu. Cứ có phim hay thì chắc chắn sẽ được khán giả đón nhận. Nhận định này được “tiếp lửa” bằng bộ phim tài liệu Lửa Thiện Nhân (đạo diễn Đặng Hồng Giang) ra rạp sau đó. Được chiếu lần đầu tiên ở rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) và rạp Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Lửa Thiện Nhân nhận được sự quan tâm rất lớn của giới truyền thông cũng như khán giả. Sức nóng của phim đã khiến nhà phát hành Platinum Cineplex đưa vào chiếu tại 5 hệ thống rạp trên toàn quốc.
Theo thống kê, trong 3 năm qua, chỉ có 4 bộ phim tài liệu ra rạp. Trong đó, tỷ lệ thành công là 50/50. Yếu tố thành công ở đây là nói đến hiệu ứng về mặt truyền thông cũng như sự đón nhận của khán giả. Còn xét về mặt doanh thu thì đa phần đều chưa có lãi. Đường đến với khán giả của dòng phim tài liệu vẫn còn nhiều gian nan. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là phim tài liệu không dễ xem và chúng ta chưa có được một lượng khán giả trung thành nhất định với phim tài liệu. Với phần đông khán giả, phim tài liệu vẫn được coi là dòng phim kém hấp dẫn, khó tiếp cận. Chính vì vậy, trước hết, cần phải thay đổi suy nghĩ, quan niệm của khán giả về phim tài liệu và xây dựng lớp khán giả trung thành. Theo nhiều nhà làm phim, phim tài liệu là cái gốc của điện ảnh và để mang điện ảnh đi “đọ” với xứ người thì phim tài liệu mới là niềm hy vọng, tiềm năng lớn.
Trong bối cảnh hiện nay, phim tài liệu cần đến sự hỗ trợ của các nhà phát hành phim trong nước. Xét về mặt doanh thu, phim tài liệu chắc chắn khó mang lại doanh thu lớn như phim điện ảnh nhưng phim tài liệu cần sự chung tay, góp sức, sự “ưu ái” của các nhà phát hành để phim có con đường thuận lợi hơn đến với khán giả. Bên cạnh đó, khâu quảng bá phim tài liệu cũng cần được chú trọng hơn nữa. Thực tế cho thấy, phim tài liệu gần sát đến ngày ra rạp mới tổ chức truyền thông nên sự quảng bá phim rất hạn chế. Cuối cùng, yếu tố quan trọng và cốt lõi nhất để phim tài liệu thu hút khán giả vẫn là chất lượng phim. Những bộ phim có đề tài mới lạ, hấp dẫn, chân thực, giàu tính nhân văn chắc chắn sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.