Với khán giả yêu điện ảnh trên toàn cầu, nhiều phim tài liệu về ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của làng nhạc thế giới đã để lại nhiều dấu ấn khó quên. Có thể kể đến bộ phim tài liệu Amy đầy cảm động và chân thực, phản ánh đời sống ngắn ngủi nhưng rực rỡ của ngôi sao dòng nhạc R&B Amy Winehouse. Bằng những thước phim gia đình tự quay và các đoạn clip cá nhân, tác phẩm tái hiện chặng đường của Amy từ thời niên thiếu bồng bột cho đến thành công của cô trong sự nghiệp nghệ thuật. Hoặc phim về Quincy Jones - nhà sáng tác và sản xuất âm nhạc nhiều thành tựu để đời nhất mọi thời đại, đưa người xem đi từ những ngày đầu đầy thăng trầm của ông dưới danh nghĩa tay chơi kèn trumpet đến nhà sản xuất cho Thriller – album bứt phá các bảng xếp hạng của Michael Jackson...
Màu cỏ úa - phim tài liệu âm nhạc về nhạc sĩ Trần Tiến vừa ra rạp.
So với thế giới, phim tài liệu chiếu rạp về ca sĩ, nhạc sĩ tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, dòng phim này ở nước ta gần đây bắt đầu được giới làm nghề quan tâm và thực hiện. Vừa qua, phim tài liệu Màu cỏ úa của nữ đạo diễn trẻ Lan Nguyên đã ra mắt khán giả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sau đó được đem chiếu rạp từ ngày 4/12. Bộ phim tài liệu này được thực hiện trong 5 năm qua các tỉnh thành như Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng, Vũng Tàu...
Những suất chiếu sớm vừa qua, 80 phút của Màu cỏ úa đã hút khán giả khi khắc họa chân dung của nhạc sĩ Trần Tiến từ khi là người lính trẻ đam mê ca hát tới người nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng ở cái tuổi thất thập thật đời, thật lãng tử, hóm hỉnh. Bên cạnh những khoảng lặng điềm đạm, sâu sắc là sự thông minh, tinh quái, bỗ bã thật lạ, dễ gần của nhạc sĩ Trần Tiến qua cách nói chuyện, dùng từ, biểu cảm đầy thú vị... Lấy tông màu trắng đen hoài cổ làm chủ đạo, bộ phim tài liệu âm nhạc này còn chất chứa những khung hình đầy kỷ niệm, những tâm sự hào sảng, phóng khoáng của tác giả ca khúc Tạm biệt chim én về chủ đề du ca, về Hà Nội, chiến tranh và biển - những yếu tố mà theo đạo diễn Lan Nguyên đã ảnh hưởng đến cuộc đời cũng như âm nhạc của ông.
Trước đó, giữa năm 2020, phim tài liệu Sky Tour Movie ghi lại chuyến lưu diễn được Sơn Tùng M-TP thực hiện vào năm 2019, từng lập kỷ lục doanh thu hơn 5 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày đầu công chiếu. Tới đầu tháng 9/2020, Sky Tour Movie chính thức được phát trên nền tảng phim và các chương trình truyền hình trực tuyến quốc tế có bản quyền Netflix. Sky Tour Movie được chào đón bởi đã khắc họa hành trình đầy cảm xúc của Sơn Tùng M-TP, một trong những ca sĩ trẻ nổi bật nhất của âm nhạc Việt đương đại. Thông qua những thước phim đáng nhớ, bộ phim ghi lại hành trình khổ luyện để tạo nên những phút giây tỏa sáng trên sân khấu của nam ca sĩ có các bản hit như Nơi này có anh, Chúng ta không thuộc về nhau...
Khán giả cũng đã rơi nước mắt và cảm xúc nghẹn ngào khi được gặp lại ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập - thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường đã qua đời vì bạo bệnh, xuất hiện trên màn ảnh trong phim tài liệu Chuyện ngày hôm qua. Với 75 phút, Chuyện ngày hôm qua kể về hành trình hơn 20 năm sống trọn với đam mê của ban nhạc Bức Tường, từ khi họ còn là những chàng trai giàu nhiệt huyết cho đến khi trở thành những người đàn ông trưởng thành đầy bản lĩnh. Trên hành trình ấy, họ đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố; hợp - tan, mâu thuẫn nội bộ; những áp lực của cuộc sống gia đình và đời sống showbiz. Nhưng vượt qua tất cả, Bức Tường đã khẳng định vị thế hàng đầu của một ban nhạc rock bằng việc sáng tạo nên những ca khúc giàu chất nhân văn, mang tính thẩm mỹ cao và tạo được hiệu ứng mạnh mẽ đối với đông đảo các tầng lớp khán giả.
Nhiều ý kiến nhận định, khi thị trường điện ảnh đang ngày càng có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu của công chúng, phim tài liệu cũng dần bứt phá khỏi cách làm theo lối mòn bằng những bộ phim tươi mới, mang sắc thái và hơi thở thời đại. Một số phim tài liệu âm nhạc kể trên đã, đang ra rạp là minh chứng khi cho thấy diện mạo khác lạ về cách thức thể hiện, giúp người xem cảm nhận phim tài liệu hoàn toàn không khô cứng mà tạo được những cảm xúc, hút người xem từ đầu đến cuối.