Phim sitcom Việt: từ Nhật ký Vàng Anh đến Căn hộ số 69

19-07-2014 13:13 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Êkip sản xuất Căn hộ số 69 – bộ phim sitcom “made in Việt Nam” đã không phát hành tập thứ hai như kế hoạch vào ngày 11/7

Êkip sản xuất Căn hộ số 69 – bộ phim sitcom “made in Việt Nam” đã không phát hành tập thứ hai như kế hoạch vào ngày 11/7. Những lùm xùm xung quanh bộ phim dán mác “18 ” đang khiến nhiều người đặt câu hỏi, phim sitcom Việt (phim hài tình huống) đang đứng ở đâu và con đường mà các nhà làm phim lựa chọn đã đúng định hướng? Hài hước, cảnh nóng và đề cập đến những vấn đề nhạy cảm... chưa đủ để tạo nên diện mạo đầy đủ cho thể loại phim sitcom Việt Nam.

Quy tụ nhiều hotboy, hotgirl nhưng do không có nhiều tình huống thực sự hấp dẫn nên “5Sonline” (hiện đang phát sóng trên VTV6) cũng không thu hút được đông đảo khán giả trẻ.

1. Nếu đã xem trọn vẹn những cảnh quay trong tập 1 bộ phim Căn hộ số 69 (nhà sản xuất Nam Cito) thì có lẽ cảm nhận chung nhất là “nhạt” và “lãng xẹt”, mà nói như cư dân mạng hiện nay là rất “đắng lòng”. Theo quảng cáo thì Căn hộ số 69 đề cập thẳng thắn, trực diện đến những vấn đề về tình yêu, tình dục, những cung bậc tình cảm, tâm lý, sinh lý của những thanh niên thành thị ở độ tuổi trưởng thành. Với thời lượng chưa đầy 30 phút nhưng nhiều cảnh quay trong Căn hộ số 69 bị đánh giá là hơi “quá đà” dung tục và phản cảm. Bộ phim khiến người ta liên tưởng đến những bộ phim giáo dục giới tính kiểu như “Sex is zero – Tình dục là chuyện nhỏ” của Hàn Quốc.

Mặc dù mới phát sóng được một tập nhưng “Căn hộ số 69” đã bị đánh giá là dung tục vì có quá nhiều cảnh nóng.

2. Nếu để ý một chút, có thể thấy rằng, phim sitcom Việt Nam đang có xu hướng khai thác những yếu tố giới tính, nhạy cảm để tạo nên tiếng cười hài hước trong phim. Một vài năm về trước, phim sitcom Việt Nam thường tập trung khai thác những câu chuyện trong giới trẻ và đối tượng hướng đến cũng là giới trẻ. Nhật ký Vàng Anh được coi là bộ phim đầu tiên thuộc thể loại sitcom của Việt Nam và một thời gây “sốt” trong cộng đồng tuổi teen. Câu chuyện về tình bạn, tình yêu rất ngây thơ, trong sáng, có tính giáo dục cao đã mang đến món ăn tinh thần mới trong bối cảnh phim giành cho giới trẻ đang bước vào thời kỳ khủng hoảng. Ưu điểm nổi bật của Nhật ký Vàng Anh cũng như dòng phim sitcom là cách kể chuyện ngắn gọn, mạch lạc, “tính vấn đề” rõ ràng. Do vừa sản xuất, vừa phát sóng nên những tập phim của Nhật ký Vàng Anh khá cập nhật, phản ánh kịp thời tâm tư, suy nghĩ, trào lưu của giới trẻ. Sau scandal của Vàng Anh Hoàng Thùy Linh, Nhật ký Vàng Anh dừng phát sóng khi phần 2 vẫn còn đang dang dở. Sau Nhật ký Vàng Anh, dòng phim sitcom khai thác câu chuyện về giới trẻ học đường tiếp tục có Bộ tứ 10A8. Nếu Nhật ký Vàng Anh hướng đến câu chuyện mang tính giáo dục cao thì Bộ tứ 10A8 lại thiên về sự hài hước và giải trí. Mặc dù được đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, bối cảnh phim nhưng do “trùng màu” và trước cái bóng quá lớn của Nhật ký Vàng Anh nên Bộ tứ 10A8 cũng nhanh chóng bị “khai tử”.

Mảng đề tài giới trẻ ngoài xã hội được Những phóng viên vui nhộn, Cửa sổ thủy tinh, 5S online, Tiệm bánh hoàng tử bé tập trung khai thác. Thành công nhất là Những phóng viên vui nhộn với nhiều tình huống oái oăm nhưng hài hước và hấp dẫn của nhóm cộng tác viên tòa soạn báo Xì tin. Tuy nhiên, càng về sau, bộ phim càng nhạt và kém duyên. Những phóng viên vui nhộn, Cửa sổ thủy tinh, 5S online, Tiệm bánh hoàng tử bé không thu hút được đông đảo khán giả có lẽ vì mảng đề tài bị trùng lặp, tình huống phim không có gì mới lạ, hấp dẫn. Bên cạnh đó, diễn viên chủ yếu của dòng phim này là những diễn viên không chuyên nên diễn xuất còn gượng gạo, khô cứng lại xuất hiện ở quá nhiều phim khiến dòng phim sitcom Việt dành cho giới trẻ thiếu sự đa dạng.

Sau mảng đề tài về lứa tuổi học đường, phim sitcom Việt chuyển hướng sang khai thác dòng phim gia đình. Đây là dòng phim mà nhiều đài truyền hình các nước đã thu được thành công vang dội. Yếu tố hài hước từ những xung đột, mâu thuẫn, tình huống bất ngờ giữa các thành viên trong gia đình đã tạo nên những tiếng cười sảng khoái. Lẵng hoa tình yêu, Gia đình là số 1 phiên bản Việt cũng tạo được dấu ấn nhất định trong lòng khán giả nhưng vẫn còn khoảng cách xa nếu so sánh với phiên bản gốc. Lẵng hoa tình yêu, Gia đình là số 1 đều kể câu chuyện xảy ra trong những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống. Các tình huống trong phim xuất phát từ mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình - những người có cá tính mạnh mẽ, đôi khi khác thường. Tuy nhiên, những tình huống trong phim khai thác chưa “tới”.

Căn hộ số 69 và My best gay friend là đại diện cho tiếng nói của những người làm phim sitcom “thế hệ mới”. Sở dĩ gọi là những người làm phim “thế hệ mới” vì sản phẩm họ làm ra không phát hành theo kiểu “truyền thống” mà thông qua mạng internet. Hai bộ phim này tìm tiếng cười qua những vấn đề nhạy cảm là giới tính và tình dục. Nếu Căn hộ số 69 đề cập đến mối tình tay ba với nhiều cảnh nóng thì My best gay friend kể về cuộc sống của ba bạn trẻ đồng tính sống chung tại một căn hộ ở TP. Hồ Chí Minh. Đây được coi là hài kịch tình huống đầu tiên ở Việt Nam. Ba nhân vật có thân phận và tính cách khác nhau là Khoa (sinh viên bị gia đình bắt học cách sống tự lập) tìm đến thuê chung nhà với Hân (chàng trai làm nghề bán bún ngoài chợ) và Nhật (chàng trai có quá khứ bí ẩn). Cũng giống như Căn hộ số 69, My best gay friend nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến thẳng thắn đánh giá, My best gay friend cổ xúy cho lối sống không lành mạnh.

3. Phim sitcom Việt có thể chia làm hai dòng chính, thứ nhất là dòng phim mua format từ nước ngoài và được sản xuất dưới “định dạng” phiên bản Việt. Đây là dòng phim chủ yếu, phổ biến ở nước ta hiện nay. Hạn chế của “dạng” này là khả năng Việt hóa kịch bản ngoại và cái bóng quá lớn từ sự thành công của phiên bản gốc. Thứ hai là dòng phim “Việt 100%”, nghĩa là từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên đều do Việt Nam sản xuất. Hạn chế của “dạng” này là khả năng khai thác đề tài và cách kể chuyện của người Việt thường bị “kể lể”, yếu tố sáng tạo, bất ngờ, tạo tình huống kịch tính không cao. Theo đánh giá chung của nhiều khán giả thì phim sitcom Việt Nam vẫn đang ở mức độ “tìm tòi, thử nghiệm, học hỏi” là chính. “Sạn” lớn nhất trong phim sitcom Việt là các tình tiết trong phim vô lý, thiếu logic, thiếu hấp dẫn. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện thường ngày nhưng lại không được xử lý một cách hợp lý và hài hước, nhiều tình tiết gây cười gượng ép. Thiếu kịch bản hay vẫn là vấn đề cốt lõi hiện nay.

Có lẽ phim sitcom Việt Nam cần thêm thời gian để hoàn thiện và tạo lập vị trí của mình trong dòng chảy nghệ thuật nước nhà. Nói gì thì nói, nếu không có sự đầu tư cẩn trọng và nghiêm túc thì phim sitcom cũng như nhiều loại hình phim khác cũng chỉ mãi dậm chân tại chỗ mà thôi...

Phạm Mạnh Tường

 


Ý kiến của bạn