Điện ảnh châu Âu và Mỹ vài năm gần đây ghi nhận sự xuất hiện trường phái sáng tác mới: phim cực ngắn gây ấn tượng mạnh. Cho dù hình thức thể hiện đơn giản, bối cảnh đời thường, nhưng nhờ kịch bản giàu chất nhân văn, nên các tác phẩm điện ảnh trường phái mới thu hút ngày càng đông đảo người hâm mộ. Xin giới thiệu 2 thí dụ điển hình.
1. Father and son (Bố và con)
Xem phim ngắn Rumani về mối quan hệ con trai đã trưởng thành với bố, nhiều người không thể cầm nước mắt.
Tác phẩm hoàn thành năm 2012 theo đơn đặt hàng của Tổng Công ty viễn thông Cosmote, phục vụ cuộc vận động xã hội quan tâm chăm sóc người cao tuổi mang tên “Time to Listen” (Hãy dành thời gian lắng nghe). Mở đầu phim, đạo diễn giới thiệu góc vườn nhỏ. Thời gian cuối giờ sáng hoặc đầu giờ chiều. Dưới tán lá xanh, cụ ông râu tóc bạc trắng quãng ngoài 70 tuổi ngồi ngả lưng vào chiếc ghế băng ghép bằng nhiều thanh gỗ có thành dựa bên cạnh con trai chừng 30 tuổi. Người đàn ông cao tuổi mặc chiếc áo sơ mi màu trắng, áo len cộc tay màu ghi, quần Âu màu lông chuột, gương mặt trầm ngâm đặt hai tay lên cuốn sổ có gáy, bìa da nhiều mảng đã bong tróc; nam thanh niên trẻ tuổi - áo màu ghi sáng, quần bò, chăm chú đọc báo. Giây lát từ tán lá xanh xập xòe buông xuống con bướm vàng. Côn trùng hồn nhiên vỗ cánh, lướt qua hai bàn tay cụ ông đang đặt trên bìa cuốn sổ. Cụ cất tiếng hỏi:
- Con gì thế?
- Con bướm.
Như không có chuyện gì xảy ra, con bướm tiếp tục đường bay. Nó vỗ cánh lượn lên cao, nhẹ nhàng lướt qua mặt cụ. Cụ lại hỏi:
- Con gì thế?
- Con đã nói rồi, con bướm.
Không hề quan tâm đến cuộc đối thoại nhát gừng giữa hai người đàn ông, con bướm đập cánh bay tiếp, rồi hạ độ cao, sà xuống, đậu vào vai nam thanh niên trẻ tuổi. Cụ già hỏi tiếp:
- Con gì thế?
- Bố làm sao thế? Con đã trả lời nhiều lần. Đó là con bướm. Đơn giản thế, bố không hiểu được à?!
Cụ già mở cuốn sổ bìa cứng bọc da đã sờn tróc và đưa cho con trai đọc trang cụ đã chọn.
- Anh đọc to cho tôi nghe!
- Hôm nay là ngày sinh nhật 3 tuổi con trai. Hai bố con dắt tay nhau ra công viên gần nhà. Nơi con trai phát hiện có con bướm đang bay lượn. Nó hỏi bố, “con gì thế”, liên tục 21 lần. Mỗi lần con hỏi, tôi đều chậm rãi đáp: “Con bướm”. Sau mỗi lần trả lời con, tôi đều âu yếm ôm con vào lòng và càng yêu con hơn...
Cuối phim, ống kính máy quay lùi xa dần hình ảnh hai bố con, nhường lại phong cảnh ngôi nhà nhỏ hai tầng lấp ló sau những hàng cây cổ thụ, rồi chìm hẳn trong cả rừng cây.
Lời bình: Thời nay không hiếm con cái có thể sống bình thường cả tháng không một phút lắng nghe tâm sự của bố mẹ, không một lần trò chuyện với người thân; nhưng không thể sống yên một ngày thiếu “dế con”, hoặc đứt mạng internet.
Phim “Bố và con” khiến nhiều người không thể cầm nước mắt.
2. Forever young (Mãi mãi trẻ thơ)
Phim ngắn Bỉ không làm nổi bật những gì đau đớn nhất, nhưng găm lại trong tim người xem tâm trạng sợ hãi khủng khiếp và cần thiết. Hiệp hội các cha mẹ Vương quốc Bỉ không may đã mất con sau tai nạn giao thông đã góp tiền thuê hãng quảng cáo “Happiness - Brussell” tạo ra tác phẩm điện ảnh mini cảnh báo mọi người, không sử dụng điện thoại di động trong thời gian điều khiển xe hơi. Sau khi xem phim ngắn, một nữ cư dân thành phố Brussels đã phát biểu:
- Tôi thực sự biết ơn các tác giả ý tưởng phát động chiến dịch truyền thông này, đặc biệt cảm ơn tác giả phim ngắn với thông điệp ngắn gọn và đầy đủ ý nghĩa sâu sắc.
Phim xuất hiện với hình ảnh người phụ nữ tóc màu nâu sáng khoảng 30 tuổi âu yếm hôn trán con trai 3-4 tuổi cùng màu tóc mẹ sau khi đã thắt dây an toàn vào ghế sau chiếc xe hơi. Người mẹ đóng cửa xe cho con, lên ghế trước, cầm lái. Chiếc xe lướt trên đường êm ru trong tiếng nhạc du dương. Con trai nhoẻn miệng cười hồn nhiên. Không khí êm đềm bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại di động bất chợt rung. Người mẹ cũng thắt dây an toàn bỏ tay phải rời vô lăng, với chiếc điện thoại nằm trên lòng ghế bên cạnh. Và chị đột nhiên phanh gấp. Sau biến cố người phụ nữ buông tay lái, ôm mặt. Khóc.
Những trường đoạn tiếp theo vẫn nguyên bé trai 3-4 tuổi đẹp như tranh, hồn nhiên ngồi ghế sau. Chiếc xe lướt trên mặt đường, thi thoảng lấp ló tia nắng sớm may mắn lách qua kính xe, rơi vào gương mặt ngây thơ, ai nhìn cũng thèm hôn hít. Chỉ người mẹ ngồi ghế trên lái xe thay đổi sau mỗi lần xuất hiện. Lần sau gương mặt nhăn nhúm, hốc hác hơn lần trước. Mái tóc thưa dần, ngả màu bạc mốc. Cứ sau mỗi lần đạp phanh, theo phản xạ - chị lại thảng thốt ôm mặt. Ba lần liên tục chị dùng một bàn tay. Lần cuối - cả hai tay.
Trong phim không hề thấy khoảnh khắc xảy ra tai nạn. Không thấy thi thể cũng như cái chết của bé trai. Xem ra tác giả phim ngắn tin rằng, không cần nói trực tiếp với các bậc cha mẹ về tấn thảm kịch như thế. Không cần trình chiếu nó trên màn ảnh. Sự suy diễn tinh tế đủ mạnh, để sự việc tiếp cận trái tim và găm chặt vào đầu người xem. Thực tế đúng như vậy.
Tai nạn giao thông thảm khốc do lỗi lái xe sử dụng điện thoại di động trong lúc điều khiển phương tiện lưu thông trên đường là vấn nạn nhức nhối tại nhiều quốc gia. Theo số liệu thống kê, thí dụ tại Ba Lan, gần 25% tổng số các vụ tai nạn giao thông ghi nhận năm qua tại quốc gia này là do lỗi người điều khiển phương tiện sử dụng điện thoại di động. Trên 50% lái xe đàm thoại và khoảng 25% viết - gửi tin nhắn trong lúc điều khiển phương tiện.
(Nguồn: Gazetawyborcza.pl)