Phim làm lại: Thiếu “bom tấn”, thừa “bom xịt”

17-10-2018 09:20 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Được kỳ vọng là “bom tấn” của phim Việt trong năm 2018, tuy nhiên bộ phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt công chiếu gần đây khiến nhiều người xem thất vọng. Thiếu sáng tạo, nhiều chi tiết không đúng thực tế, diễn viên “đơ” hoặc bê nguyên si kịch bản gốc... khiến một số phim Việt làm lại của nước ngoài, trong đó có Hậu duệ mặt trời Việt Nam trở thành “bom xịt” trong mắt công chúng.

Từ cuối tháng 9/2018, nhiều khán giả Việt đổ dồn theo dõi bộ phim Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt do đạo diễn Trần Bửu Lộc thực hiện. Đây là bộ phim làm lại từ tác phẩm cùng tên của xứ sở kim chi từng tạo tiếng vang khắp châu Á thời gian qua. Có lẽ vì vậy Hậu duệ mặt trời Việt Nam khó thoát khỏi những sự “vấp váp”. Qua 16 tập đã lên sóng nhưng Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt (48 tập) khiến nhiều người xem cảm thấy nhàm chán vì quá nhiều “sạn”.

Nhiều khán giả xem Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt dễ dàng nhận thấy diễn viên Song Luân, Khả Ngân, Hữu Vi và Cao Thái Hà - những nhân vật chính của bộ phim có diễn xuất đầy gượng gạo, thiếu cảm xúc. Bên cạnh đó, những lỗi sai trong kịch bản, sự thất bại nặng nề khi tái hiện những phân cảnh kinh điển của bản gốc cho đến những sai sót khó chấp nhận vì sự thiếu hiểu biết về kiến thức quân sự, quốc phòng của Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt được bộc lộ qua từng tập. Nếu khán giả đã xem phiên bản gốc thì có thể thấy Hậu duệ mặt trời copy gần như nguyên si từ tạo hình, tình huống, câu chuyện phim... của phiên bản gốc.

Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt vừa lên sóng đã nhận được nhiều phản ứng tiêu cực từ khán giả.

Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt vừa lên sóng đã nhận được nhiều phản ứng tiêu cực từ khán giả.

Nhưng điều công chúng lo ngại hơn cả là việc Hậu duệ mặt trời của đạo diễn Trần Bửu Lộc có nhiều chi tiết không đúng với thực tế. Trên phim, trong hoạt động của “đội đặc nhiệm NH-1” có nhiều chi tiết không chính xác liên quan đến thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát biển dễ đưa đến những hiểu lầm trong nhận thức của khán giả. Bên cạnh đó, người lính trong phim bị tô vẽ quá mức, không sát với thực tế chức năng nhiệm vụ ở các đơn vị. Những sai sót về đặc tính kỹ chiến thuật của các loại khí tài quân sự, về quân hàm, điều lệnh, khẩu lệnh, thuật ngữ... của bộ phim cũng khiến những người trong quân đội và cả người xem rất khó chấp nhận.

Liên quan đến Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt có những “hạt sạn” kể trên, mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức (Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) cho biết, khi xem các tập phát sóng của Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt vừa qua nhận thấy lễ tiết, tác phong mang mặc của một số quân nhân trong phim sai so với điều lệnh quy định của quân đội, hình ảnh quân nhân trong bộ phim chưa sát so với đời sống thực tế. Do đó, Cục Tuyên huấn yêu cầu nhà sản xuất bộ phim phải có sự tham khảo, chỉnh sửa trước khi các tập tiếp theo lên sóng để hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ được phản ảnh chân thực, chính xác nhất tới công chúng.

Trên thực tế, Hậu duệ mặt trời không phải là phim Việt làm lại từ phiên bản nước ngoài nhận về nhiều ý kiến chê bai của khán giả. Trước đó, nhiều “bom xịt” của điện ảnh Việt khi phim làm lại của nước ngoài đã từng xuất hiện, điển hình là các “bom xịt” như Yêu (đạo diễn Việt Max), Ngày mai Mai cưới (Nguyễn Tấn Phước), Không nói được (Trần Việt Anh)... Yêu làm lại từ bộ phim nổi tiếng The love of Siam của Thái Lan, dù có dàn diễn viên trai xinh gái đẹp vì kịch bản chuyển thể lủng củng, không liền mạch khiến phim phiên bản Việt làm người xem chưng hửng mỗi khi chuyển cảnh. Dẫn đến điều này vì đội ngũ biên kịch cố nhồi nhét quá nhiều thông điệp về tình yêu, tình bạn, khát vọng và sự hy sinh vào một bộ phim chưa tới hai tiếng đồng hồ.

Không nói được là phim làm lại từ kịch bản ăn khách My name is Love của Thái Lan. Sang phiên bản Việt, khán giả nhận thấy tất cả những đặc điểm của My name is Love đã được ê-kip biên kịch tổng hợp, xào nấu và nén hết vào Không nói được mà không mảy may cân nhắc gia giảm liều lượng cũng như tần suất để phù hợp hơn với thị hiếu khán giả Việt khiến bộ phim thất bại doanh thu phòng vé. Trong khi đó, Ngày mai Mai cưới làm lại từ tác phẩm ăn khách của Indonesia - Get married cũng có nhiều “hạt sạn” khó nuốt trôi. Bộ phim bộc lộ những tình tiết hài gượng ép, diễn viên chủ yếu chọc cười khán giả bằng biểu cảm quá lố. Thêm vào đó, cốt truyện Ngày mai Mai cưới cũng một màu, không có điểm nhấn nên làm mạch cảm xúc của người xem trôi tuột theo những tràng cười nhạt nhẽo.

Trào lưu làm lại phim (remake) từ phiên bản nước ngoài trở thành cứu cánh cho nhiều nhà làm phim nước ta những năm gần đây khi chúng ta thiếu kịch bản chất lượng. Tuy nhiên, thành công của dòng phim này ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay, “bom tấn” thì ít mà “bom xịt” thì nhiều. Phim làm lại ở nước ta thất bại bởi quá giống phim gốc. Những quan điểm, tư tưởng và cách hành xử của các nhân vật trong phim gốc đã ăn sâu trong tâm trí người xem. Khi các nhà làm phim Việt không sáng tạo, không “thêm gia vị” để làm mới nhưng vẫn cho thấy đó là tác phẩm thuần Việt thì khán giả phản ứng tiêu cực, doanh thu èo uột và trở thành “bom xịt” là điều khó tránh khỏi.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn