Không ít thất bại
Dù đã có nhiều phim kinh dị Việt được sản xuất nhưng hầu hết đều “chìm” dần bởi không hấp dẫn người xem hoặc khó qua ải kiểm duyệt của Cục Điện ảnh. Năm nay, phim kinh dị Thiên linh cái (đạo diễn Hàm Trần) được khán giả háo hức chờ đón, nhưng đến nay tác phẩm vẫn phải chỉnh sửa, hoãn ra rạp 2 lần vì chưa vượt qua được kiểm duyệt. Tuy nhiên, trong trailer (xem trước) chỉ vài chục giây, bộ phim kinh dị dựa trên câu chuyện có thật này có những cảnh “nóng” đốt mắt người xem, cùng với đó là cảnh giết người đẫm máu, cảnh thực hiện các nghi lễ hiến tế, thanh tẩy trên cơ thể người trước khi đưa sang thế giới bên kia. Trước đó, phim kinh dị Xưởng 13 (đạo diễn Phan Minh) dù rất được kỳ vọng, tuy nhiên khi ra rạp không được nhiều người đánh giá cao. Tuy có ý tưởng tốt, nhưng cách kể chuyện lê thê, những tình tiết quá rườm rà của Xưởng 13, đặc biệt là thời lượng lớn cho những câu thoại thừa thãi làm khán giả lại cảm thấy mệt mỏi; cảnh hù dọa kết hợp giữa hình ảnh và âm nhạc không để lại nhiều chi tiết đắt giá làm phim mất điểm.
Dù nỗ lực và đầu tư về bối cảnh, phục trang, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên, tuy nhiên phim kinh dị Người bất tử (đạo diễn Victor Vũ) gần đây cũng còn nhiều lỗ hổng từ khâu kịch bản, nhiều đoạn lúng túng với các câu hỏi không được lý giải đến nơi đến chốn. Phim có thoại còn nặng tính giải thích vấn đề chứ chưa tự nhiên nên người xem có cảm giác lấn cấn, không kết nối cảm xúc dẫn đến chán. Bệnh viện ma (đạo diễn Võ Thanh Hòa) cũng làm người xem thất vọng vì các chi tiết không được xây dựng kỹ lưỡng, chỉ muốn gây sốc. Tương tự là trường hợp của Phim trường ma (Vũ Thái Hòa đạo diễn), tuy có cấu tứ khá ổn nhưng lại chọn cách kể chuyện nhập nhằng, cố gắng biến mọi thứ trở nên phức tạp để rồi không tìm ra được lối giải thích tương xứng làm khán giả chưng hửng.
Dù nhiều phim kinh dị Việt đã ra rạp nhưng khán giả nhà vẫn “khát” tác phẩm chất lượng như kỳ vọng (Ảnh minh họa).
Biết chết liền của đạo diễn Lê Bảo Trung từng được xem là thảm họa, thất bại toàn tập khi ra rạp vì xem từ đầu đến cuối khán giả không hề có cảm xúc. Nội dung phim kinh dị này vô lý, thiếu thực tế đến nhảm nhí và diễn xuất của nhân vật quá gượng gạo đã khiến Biết chết liền bị lãng quên nhanh chóng. Vẫn phim kinh dị của đạo diễn Lê Bảo Trung, Bóng ma học đường cũng bị chê về chất lượng, câu chuyện phim rời rạc, bối cảnh dàn dựng nhiều chỗ trông như sân khấu cùng kỹ xảo vụng về đến mức khiến khán giả... buồn cười. Bên cạnh đó có Hợp đồng bắt ma, dù phim kinh dị nhưng nữ nhân vật phụ trong phim thích khoe thân, trong khi nhân vật chính suốt ngày mặc đầm trắng, giả ma chạy tới chạy lui như bà điên.
Ngoài ra, một số phim kinh dị Việt đã ra rạp nhưng đến nay ít ai nhớ đến vì chất lượng chưa cao, mắc nhiều lỗi có thể kể đến, Cạm bẫy - Hơi thở của quỷ, Ám ảnh, Mặt nạ máu, Ma nữ báo thù, Đoạt hồn, Mất xác, Bẫy cấp ba, Chung cư ma, Thám tử Hênry, Ngủ với hồn ma, Oan hồn, Ma dai, Con ma nhà họ Vương, Chết lúc nửa đêm, Lời nguyền gia tộc...
Vì sao nên nỗi?
Sở dĩ, nhiều phim kinh dị Việt ra rạp kể trên không tạo được sức hút, thậm chí bị chê tơi tả và doanh thu phòng vé èo uột bởi nhiều yếu tố. Thường thì kịch bản nói chung của các phim kinh dị Việt thường nhạt, nhảm, khó đọng lại trong trí nhớ khán giả. Xem các phim kinh dị Việt ra mắt thời gian qua, khán giả dễ dàng nhận thấy quanh đi quẩn lại, các đề tài được khai thác vẫn chỉ là oan hồn, yếu tố tâm linh, những vụ mất tích, cái chết bí ẩn...
Bên cạnh đó, diễn xuất của diễn viên đơ cứng, lời thoại dài dòng, kỹ xảo cắt ghép vụng về là điểm yếu trong các phim kinh dị ở nước ta mà khán giả đã bắt gặp nhiều trong nhiều tác phẩm. Đáng nói hơn nữa, phim kinh dị Việt lâu nay được giới chuyên môn đánh giá không phải thể loại kinh dị như nước ngoài. Ở ta, phim kinh dị thường có sự pha trộn giữa nhiều yếu tố ngôn tình, hài hước, hành động, trinh thám xen chút ma quái, ám ảnh. Vì quá nhiều yếu tố dồn vào một phim khiến nội dung bị dàn trải, dài dòng và chẳng khác gì một “nồi lẩu thập cẩm”.
Ngoài ra, giới làm nghề ở nước ta cũng gặp khó khi làm phim kinh dị, đó là không dễ vượt qua cửa kiểm duyệt. Theo đó, Luật Điện ảnh không cho phép những cảnh quay gây sợ hãi, bạo lực, hoang mang, truyền bá tệ nạn mê tín dị đoan. Bộ phim phải khẳng định ma quỷ không có thật, tất cả chỉ là ảo giác do con người tạo ra. Vì yếu tố này, các nhà làm phim kinh dị phải chỉnh sửa, cắt xén hình ảnh, các phân đoạn để qua cửa kiểm duyệt. Cũng từ đó, không ít phim kinh dị đã ra rạp và nhận thất bại, có phim “hù” được người xem nhưng đó là kiểu hù như trò chơi òa nhau như thời trẻ con. Còn để gây ám ảnh, mang tới một thông điệp, chất lượng thực sự thì còn là một khoảng trống chưa biết bao giờ lấp đầy trong phim kinh dị Việt!