Phim hoạt hình Việt: Khoảng trống khó lấp đầy

14-08-2015 09:35 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong lúc hàng loạt phim hoạt hình nước ngoài được phát đi phát lại vẫn hấp dẫn khán giả và mang lại bạc tỉ cho nhà sản xuất thì đây lại là một nỗi buồn khó nói tại thị trường Việt Nam.

Trong lúc hàng loạt phim hoạt hình nước ngoài được phát đi phát lại vẫn hấp dẫn khán giả và mang lại bạc tỉ cho nhà sản xuất thì đây lại là một nỗi buồn khó nói tại thị trường Việt Nam. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, suốt cả chục năm qua, thị trường phim hoạt hình là một lỗ hổng lớn mà ngay cả người trong cuộc cũng chưa tìm ra giải pháp hiệu quả.

Những khởi sắc trong quá khứ

Năm ngoái, mảng phim hoạt hình thuần Việt bỗng rộ lên ở một số rạp chiếu, điển hình phải kể đến rạp Thánh Gióng (Hà Nội). Đây cũng là rạp chiếu phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam. Những nỗ lực của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã giúp thiếu nhi có nhiều cơ hội tiếp cận các bộ phim hoạt hình vốn được “giấu kỹ” bấy lâu. Vào mỗi dịp cuối tuần, các em thiếu nhi đến rạp để thưởng thức những phim hoạt hình 3D có màu sắc, hình ảnh đẹp, chuyển động nhịp nhàng. Các phim cắt giấy vi tính, phim hoạt họa, các phim kết hợp 2D và 3D cũng được khán giả đánh giá cao với sự đa dạng về thể loại, hình ảnh tươi sáng, diễn xuất mềm mại... Về nội dung cũng được khán giả ghi nhận là có nhiều tiến bộ, phong phú về đề tài: đồng thoại, cổ tích, lịch sử, cuộc sống hiện đại, giáo dục môi trường, kỹ năng sống... Nhìn chung, nội dung các bộ phim gần gũi với đời sống sinh hoạt của trẻ nhỏ, yếu tố giáo dục được kết hợp với giải trí một cách nhuần nhuyễn, “ngọt” hơn, chứ không đơn thuần là các bài học khô cứng, nặng nề.

Khúc mắc chủ yếu của hoạt hình Việt vẫn là nguồn kịch bản

Bên cạnh việc đưa phim hoạt hình ra rạp, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam còn có nhiều sáng tạo để tiếp cận với khán giả như: Tổ chức các lớp học “Bé làm phim hoạt hình” hướng dẫn các em vẽ và làm những đoạn phim hoạt hình đơn giản; kết hợp việc chiếu phim hoạt hình với hoạt động ngoại khóa tham quan quy trình sản xuất phim của hãng để các em hiểu biết hơn về phim hoạt hình...

Cứ ngỡ những nỗ lực này sẽ đưa hoạt hình Việt Nam bước vào giai đoạn mới và dần hòa nhập với sự phát triển của hoạt hình thế giới. Nhưng dường như đây vẫn chỉ là mơ ước xa vời của người trong giới. Nếu như 2014 được cho là năm khởi sắc của hoạt hình Việt thì 2015, hoạt hình của ta lại không giữ được phong độ ổn định. Tính đến thời điểm này, chưa thấy một sản phẩm hoạt hình nào tạo được ấn tượng, chứ chưa nói đến chuyện tạo "cơn sốt" đối với khán giả. Hoạt hình vẫn là mảng nghệ thuật được xếp trong nhóm chậm tiến của thị trường giải trí Việt.

Và nỗi buồn hiện tại

Hẳn là những ai yêu nghề từng mơ đến những bom tấn Xì trum, Brave (Công chúa tóc xù), Panda, Lạc vào xứ sở thần tiên, Alvin...Nhưng ước mơ chỉ là... mơ ước khi mà chúng ta không thẳng thắn nhìn vào sự yếu kém của chính mình. Có thể nói, phim hoạt hình Việt Nam ngày càng vắng bóng. Thi thoảng cũng có một số bộ phim hoạt hình hay, được đầu tư khá lớn, được giới thiệu, được chiếu qua, nhưng đều... mất hút ngay sau đó mà không để lại chút dấu ấn nào. Thực tế là phần lớn khán giả nhí hiện nay đều có thể kể vanh vách những phim hoạt hình nước ngoài nhưng lại "ấp úng" khi nhắc đến phim hoạt hình thuần Việt.

Nếu phải tìm ra khúc mắc của phim hoạt hình Việt thì công nghệ, kỹ thuật hay phương tiện để làm phim không phải là vấn đề. Các nhà làm phim chuyên nghiệp của ta hiện nay rất nhạy cảm với xu hướng, thậm chí họ có thể dàn dựng những sản phẩm hoạt hình 3D không thua kém hãng Disney lừng danh. Nhưng đó chỉ là sự cao siêu về hình ảnh.Khúc mắc chủ yếu của hoạt hình Việt vẫn là nguồn kịch bản. Đề tài phim cho thiếu nhi hay phim hoạt hình hiện nay rất khan hiếm, bởi hầu hết các nhà biên kịch đều "né”. Một phần cũng vì họ không chịu đầu tư tìm hiểu xem trẻ con thích gì, cần gì, nghĩ thế nào và ứng xử ra sao với cuộc sống... để tạo nên những yếu tố hấp dẫn. Một nhược điểm "chết người" của hoạt hình nước ta là từ lâu chỉ coi phim hoạt hình như một thứ minh họa cho những bài học từ truyện cổ tích hoặc ngụ ngôn và chỉ dành cho thiếu nhi. Chưa kể lực lượng sáng tác kịch bản phim hoạt hình quá khiêm tốn. Điều này dẫn đến một thực tế dở khóc dở cười: phim hoạt hình Việt chỉ có thể trở nên quý giá khi được chiếu cho khán giả Việt... ở nước ngoài.

Có ý kiến cho rằng, giống như nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, hoạt hình Việt kém phát triển là do thiếu kinh phí, cụ thể là sự "tiếp sức” từ ngành điện ảnh. Hơn nữa, các đơn vị tư nhân cũng chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.

  Nam Phương

 

 


Ý kiến của bạn