Những dấu ấn khó quên
Không phải là những pha đấu súng, rượt đuổi ngoạn mục theo kiểu Hollywood, phim hình sự Việt có được bản sắc riêng khi phản ánh một cách sâu sắc thực trạng xã hội. Kịch bản được đầu tư một cách logic, chặt chẽ khiến các bộ phim hình sự Việt khơi gợi được tâm tư, tình cảm, ý kiến của công chúng thông qua nội dung chân thực và có tính phản biện sâu sắc.
![]() |
Loạt phim Cảnh sát hình sự (Ngược dòng cái chết, Nước mắt của mẹ, Bí mật những cuộc đời, Kẻ sát nhân có tài mở khóa, Cô gái đến từ Băng Cốc, Đột kích, Chuyên án thường nhật) được xem là một món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng trong quãng thời gian phim truyền hình lên ngôi. Đặc biệt, phần phim mang tên Chạy án được xem là sự lên ngôi ngoạn mục của Cảnh sát hình sự. Phim từng giành các giải thưởng Huy chương vàng tại Liên hoan phim Truyền hình (2006), Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh 2008, Giải đặc biệt Liên hoan phim quốc tế Tokyo (2008). Sự nghiêm cẩn trong nội dung phim kết hợp với tài năng của các đạo diễn kỳ cựu lúc bấy giờ là đạo diễn Vũ Hồng Sơn, đạo diễn Mai Hồng Phong, đạo diễn Đỗ Thanh Hải... đã mang đến cho phim một sức sống mạnh mẽ, để rồi việc đón xem phim trở thành một thói quen không thể bỏ.
Những bộ phim có sức hấp dẫn không kém như phần tiếp theo của series Cảnh sát hình sự - Đầm lầy bạc, Dollar Trắng, hoặc bộ phim Bí mật tam giác vàng tiếp nối mạch nguồn của phim truyền hình hình sự, để lại cho khán giả những ấn tượng khó quên. Từ chỗ phản ánh những chủ đề như tội phạm tinh vi, thực trạng dùng tiền để chạy tội và hối lộ các quan chức, phim hình sự xoay sang phản ánh căn nguyên nạn buôn bán ma túy từ khu vực Tam giác vàng về Việt Nam. Với lợi thế dàn diễn viên trẻ, kỹ xảo hiện đại, khai thác yếu tố tâm lý tội phạm một cách rõ nét, các bộ phim vẫn thu hút khán giả bằng chính nội lực của mình.
Phim hình sự đang chững lại
Có thể nói, cùng với sự ra đời ồ ạt, phim hình sự Việt đang dần mất đi “chất hình sự” rõ nét đã gây dựng được trong suốt một quá trình. Những Sinh viên cảnh sát hay phần tiếp theo của Cảnh sát hình sự là Bản di chúc bí ẩn, Ai?, Luật giang hồ, Không chùn bước, Vật chứng mong manh hay mới đây là Giọt nước rơi của đạo diễn trẻ Bùi Quốc Việt không còn có được sự quan tâm đặc biệt của khán giả.
Sự nhập khẩu ồ ạt các bộ phim hành động của nước ngoài là một trong những yếu tố khiến phim trong nước bị yếu thế về tỷ lệ người xem. Mặc dù được trình chiếu trên khung giờ vàng của Đài Truyền hình Việt Nam nhưng sự háo hức dõi theo của khán giả không còn như trước. Những hình thức giải trí khác, hấp dẫn và thời thượng hơn có lẽ đã cuốn đi một phần tâm lý theo dõi của họ. Và một khi phim hình sự không đủ sức thuyết phục, việc phải đứng sau những thú vui khác của công chúng là lẽ dĩ nhiên.
Một điều khá nan giải là những động thái cứu vãn tỷ suất người xem của phim hình sự lại đang gây phản ứng ngược. Việc các đạo diễn lồng ghép một cách dày đặc các tình tiết bí ẩn, kinh dị khiến phim phần nào mất đi tính chân thực, một trong những yếu tố hàng đầu của thể loại phim này giúp “lôi kéo” người xem. Các nhà sản xuất cũng đang lạm dụng yếu tố lựa chọn diễn viên là những người được công chúng quan tâm, các hotboy, hotgirl chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất dường như không thể cải thiện lượng khán giả dõi theo phim.
Phim hình sự từng có một quá khứ huy hoàng, nhưng đến thời điểm này công chúng đang chờ đợi một bước chuyển mình có tính bước ngoặt và đây là thời điểm mà các nhà sản xuất nên chọn một lối đi vững bền thay vì mải chạy theo những xu hướng thời thượng - vốn là chiếc áo khó vừa vặn với một thể loại phim yêu cầu cao về tính logic, trung thực và kén khán giả như phim truyền hình đề tài hình sự.
Hạnh Dung