Từ trước đến nay, dân ta vẫn có quan niệm nặng nề về “sản phẩm nghệ thuật hạng hai”. Quan niệm này ngấm sâu đến mức nhiều người đồng nghĩa giải trí với rẻ tiền và lá cải. Họ tẩy chay các sản phẩm nghệ thuật giải trí một cách cực đoan, kỳ thị và cho rằng chúng chỉ thích hợp với đối tượng khán giả bình dân. Họ chỉ thưởng ngoạn nghệ thuật theo cách riêng của mình bằng những sản phẩm hàn lâm. Tuy nhiên, ở những quốc gia phát triển, các sản phẩm giải trí đã được đưa lên một mức độ khác và phục vụ ngay cả tầng lớp trí thức.
Một lần, tôi đi xem phim Mỹ nhân kế, ngồi chen giữa những chàng trai, cô gái tuổi teen. Không phải tôi vào rạp vì nghe báo chí quảng cáo nhiều quá rồi tò mò xem thử, mà tôi đã quá quen với serie phim của Nguyễn Quang Dũng, cũng biết trước nội dung phim như thế nào rồi và mong muốn trong một buổi chiều ngày Tết nhàn tản, mình sẽ có được vài tiếng thư giãn. Tất nhiên, sau khi thông báo rằng mình vừa đi xem cái phim đang rất “hot” ấy, tôi bị “toàn dân” bĩu môi. Một cậu bạn nhiếp ảnh gia phê rằng phim rất phi lý, lạm dụng kỹ xảo và nhạt nhẽo. Một cô bạn nhà văn cho rằng cốt truyện sơ sài, không có tính nghệ thuật. Và đặc biệt, một ông bạn đạo diễn gạo cội của tôi tỏ thái độ thất vọng khi tôi cũng a dua theo “quần chúng trẻ người non dạ” mà vào rạp xem phim.
Nhiều người tẩy chay Nụ hôn thần chết, Long Ruồi, Đẹp từng centimét… và nói rằng gu của họ phải là nhạc thính phòng do Trọng Tấn hát, xem phim kiểu Đời cát và đọc sách đoạt giải Nobel. Họ nhắc lại rằng một trí thức như tôi rất không nên chạy theo cái gọi là “thị hiếu số đông”?
Trong một xã hội văn minh, người ta không chỉ hưởng thụ giải trí đích thực bằng những trò chơi mới lạ trong Theme Park (công viên giải trí) mà bằng chính những sản phẩm nghệ thuật phổ biến hàng ngày. Vì thế, ngành công nghiệp giải trí từ lâu đã trở thành một miếng bánh khổng lồ để khai thác một cách chuyên nghiệp. Hồi năm 2010, bộ phim Avatar của đạo diễn James Cameron đã đem lại cho hãng 20th Century Fox doanh thu cao nhất mọi thời đại: hơn 2 tỷ USD. Năm 2012, Biệt đội siêu anh hùng cũng thu về 1,5 tỷ. Trước đó, Cướp biển vùng Caribe đạt doanh số 1,06 tỷ USD; Hiệp sĩ bóng đêm đạt 996,8 triệu USD; Kung fu Panda đạt 631,9 triệu USD. Những bộ phim này không phải được sản xuất để đi tranh giải Oscar, chúng thuần túy là phim giải trí và trong số vài chục triệu lượt người xem không phải đều là khán giả bình dân.
Những sản phẩm nghệ thuật này cho dù không thuộc dòng hàn lâm, cho dù không có giá trị trường tồn vĩnh viễn với thời gian, song đã tạo được một vị trí nhất định không chỉ trong làng giải trí mà còn trên phương diện nghệ thuật. Rất nhiều người thuộc giới trí thức và tầng lớp cao vẫn thường xuyên thưởng thức những tác phẩm giải trí kiểu này. Không phải họ không có khả năng thưởng thức hay không quan tâm đến dòng nghệ thuật cao cấp mà đơn giản là vì trong một xã hội có quá nhiều áp lực và cạnh tranh, người ta không thể lúc nào cũng có hứng thú với những tác phẩm mang nhiều tính triết lý cao siêu. Và đôi khi người ta vẫn cần một sản phẩm giải trí vào ngày cuối tuần cho nhẹ đầu óc. Tuy nhiên, vì tính giải trí chuyên nghiệp của sản phẩm nghệ thuật đã được xác định rất rõ ràng nên không phải các tác phẩm này không chứa đựng chút nào giá trị chân thiện mỹ. Càng ngày, yếu tố giải trí và nghệ thuật càng xích lại gần nhau.
Trong lĩnh vực nghệ thuật của ta, có thể do văn hóa, tập quán, điều kiện kinh tế… nên tính giải trí nhiều khi bị bỏ qua. Hơn nữa, do từ lâu, khái niệm giải trí đã bị đánh đồng với bình dân, lá cải, rẻ tiền nên phần nhiều, khi những người sáng tạo chủ định tập trung vào tính giải trí, họ cũng không nghĩ nhiều đến giá trị nghệ thuật của nó, thành ra đôi khi nó cũng hóa bình dân thật. Tuy nhiên, gần đây đã có một số đơn vị tư nhân cho ra lò những sản phẩm mang tính giải trí khá chuyên nghiệp. Chỉ nhìn vào doanh thu của những sản phẩm này cũng đủ biếtmứcđộthành công của nó. Ví dụ như bộ phim Mỹ nhân kế đã đạt mức
doanh thu 52 tỷ đồng sau 2 tuần công chiếu, Long Ruồi (đạo diễn Charlie Nguyễn) đạt 42 tỷ đồng. Những bộ phim này đều có một điểm chung là diễn viên đẹp, hình ảnh và góc quay đẹp, nội dung hài hước, dễ hiểu, song không rẻ tiền. Tất cả khán giả bước chân vào rạp xem những sản phẩm giải trí kiểu này đều có chung một nhận xét rằng “xem để rồi hôm sau quên ngay, không có tính tư tưởng và triết lý”. Những bộ phim giải trí của ta được ví như một ly kem mát, giải khát tức thì trong một ngày nắng đẹp, khi mà người ta vừa kết thúc một công việc trí óc mệt nhọc. Chúng ta cần những thực phẩm dinh dưỡng, nhưng cũng rất cần một ly kem, cho dù nó chẳng bổ béo gì. Vì thế, khi tận hưởng những sản phẩm giải trí, xin đừng chẻ nó ra thành năm bảy mảnh để tìm xem thông điệp ở chỗ nào, tư tưởng ở đâu. Hãy cứ thưởng thức nó để giãn bớt những áp lực thường ngày, cho dù ta sẽ quên nó ngay trong ngày hôm sau.
Di Li