Phim điện ảnh Việt về chiến tranh không cầu kỳ về kỹ xảo hình ảnh, không có bộ OST ấn tượng, càng không có những diễn viên hotboy hotgirl, chỉn chu về trang phục... nhưng vẫn để lại trong trái tim khán giả nhiều thế hệ những cảm xúc khó quên.
Phim điện ảnh về chiến tranh Việt Nam trước năm 1975
Chung một dòng sông là phim truyện điện ảnh đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam tính từ sau năm 1954, được sản xuất năm 1959 của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam) do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất. Phim phản ánh cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra thời kỳ đó, đề cập tới vấn đề nóng bỏng. Theo Hiệp định Genève 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai miền Nam - Bắc của Việt Nam. Hai nhân vật Hoài và Vận yêu nhau từ kháng chiến chống thực dân Pháp, sau 1954 họ định làm lễ cưới, nhưng khi thuyền của nhà trai sang bờ Nam đón dâu thì cảnh sát phía Nam không cho họ lên bờ. Mối tình của họ bị ngăn cản. Năm 1970, phim được giải Bông sen Vàng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai.
Nổi gió của đạo diễn Huy Thành, là một phim gây “sốt” khi ra mắt năm 1966 với nam tài tử Thế Anh trong vai Trung úy Phương. Phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm, là phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam nói về chiến tranh Việt Nam với bối cảnh miền Nam. Trong thời gian Mỹ xâm lược Việt Nam, gia đình Phương có chị là Vân theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn Phương là Trung úy quân đội Sài Gòn. Bằng tình yêu thương chị em, tình cảm gia đình, Vân đã thuyết phục được em trai và nhiều binh lính trong quân đội Sài Gòn về với Mặt trận, về với chính nghĩa, với nhân dân. Họ đã cùng nhau phá ấp chiến lược, giết cố vấn Mỹ. Phim Nổi gió được đánh giá là bộ phim truyền cảm hứng và tinh thần cho công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam năm 1975. Phim đã giành được Bông sen Vàng cho hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất.
Không nơi ẩn nấp được thực hiện bởi đạo diễn Phạm Kỳ Nam và ra mắt lần đầu vào năm 1971. Phim thuộc thể loại tâm lý, trinh thám, hành động với sự tham gia của các diễn viên Thế Anh, Ngô Nam, Trịnh Thịnh, Kim Anh, Tự Huy... Phim kể về một nhóm gồm 3 biệt kích Sài Gòn đổ bộ ra miền Bắc. Nhiệm vụ đầu tiên của họ thất bại, một tên đã bị hai đồng bọn thủ tiêu trong rừng để tránh để lộ thân phận. Hai người còn lại đã giả làm bộ đội về quê nghỉ phép. Tại đây, chúng được một anh bộ đội tin tưởng nhờ mang hộ thư và quà cho bạn gái của anh. Sau khi tìm đến địa chỉ được ghi trên thư, hai tên biệt kích được gia đình bạn gái anh bộ đội tiếp đón niềm nở và mời nghỉ lại. Hai người họ đã tỏ ra hòa đồng với dân, giúp đỡ công việc đồng áng, một tên còn tỏ tình với người con gái của chủ nhà vì nghĩ rằng “không có chỗ nào nấp kín đáo bằng trái tim phụ nữ”. Cuối cùng thì mọi âm mưu đều bị vạch mặt bởi tinh thần cảnh giác cao độ của người dân...
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, phim của đạo diễn Hải Ninh năm 1972, là bộ phim 2 tập đầu tiên, đặc sắc của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam về chiến tranh. Kịch bản phim được Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ viết trong 5 năm. Sau hiệp định Genève 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự ngăn cách Việt Nam thành hai vùng phi quân sự, nhưng bên bờ Nam quân đội Sài Gòn vi phạm nghiêm trọng Hiệp định, làm cuộc sống của người dân hai bên bờ sông bị ảnh hưởng nặng nề. Hầu hết các gia đình đều có người thân sống dưới hai chế độ khác nhau. Sau khi chồng tập kết ra Bắc, chị Dịu ở lại bờ Nam của sông Bến Hải cùng với chi bộ Đảng bí mật lãnh đạo người dân đấu tranh buộc quân đội Sài Gòn phải thi hành đúng Hiệp định, cuộc đấu tranh bị đàn áp khốc liệt và dã man... Phim như một ngọn lửa, có sức sống lâu bền bởi đã phản ánh chân thực cuộc đấu tranh anh hùng, kiên cường bất khuất, hy sinh mọi hạnh phúc cá nhân để góp hết sức mình cho cuộc giải phóng dân tộc. Phim đã giành được giải của Hội đồng hòa bình Thế giới và giải Nữ diễn viên xuất sắc cho Trà Giang tại Liên hoan Phim quốc tế Moskva năm 1973.
Em bé Hà Nội của đạo diễn Hải Ninh do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1974. Phim khắc họa Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972, khi Mỹ tiến hành Chiến dịch Linebacker II, ném bom B52 miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Hải Phòng nhằm đưa “Hà Nội về thời kỳ đồ đá”. Phim kể về em bé Ngọc Hà, 12 tuổi, đi tìm bố là bộ đội tên lửa, khi mẹ và đứa em gái bị mất tích trong đợt thảm sát bằng B52 của Mỹ ở khu phố Khâm Thiên, Hà Nội. Cô bé đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và hội ngộ với em gái của mình. Phim đoạt giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần III, giải đặc biệt của Ban Giám khảo Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1975 và giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại Liên hoan phim quốc tế Syria.
Phim điện ảnh Việt về chiến tranh để lại trong khán giả những cảm xúc khó quên dù chiến tranh đã lùi rất xa.
Phim chiến tranh Việt Nam từ năm 1976-2000
Cánh đồng hoang, sản xuất năm 1979, đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, kịch bản nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Lấy bối cảnh vùng Đồng Tháp Mười trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam - Mỹ, phim xoay quanh vợ chồng du kích Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ được giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho quân giải phóng. Đây là một phim chiến tranh gây ấn tượng mạnh mẽ, từ cảnh trực thăng của quân đội Mỹ quần thảo khu vực đồng nước này nhằm phát hiện đội du kích hoạt động, Ba Đô phải bỏ con vào bao nilon để giấu vết, hay cảnh Ba Đô bị trực thăng Mỹ đuổi trên đồng nước ngập bắn trúng - hy sinh, người vợ quên cả hiểm nguy, đuổi theo bắn cháy chiếc trực thăng. Kết thúc của phim một thời gây tranh cãi cắt bỏ hay để - là cảnh tấm ảnh chụp vợ con của phi công Mỹ bị bắn, rơi ra từ ngực anh ta, và sau cùng vẫn được giữ lại... Phim sau đó đoạt rất nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.
Bao giờ cho đến tháng Mười là bộ phim thứ hai trong sự nghiệp đạo diễn của Đặng Nhật Minh, người chỉ làm những bộ phim do chính ông viết kịch bản. Phim ra mắt vào năm 1984. Năm 2008, kênh CNN của Mỹ đã vinh danh Bao giờ cho đến tháng Mười là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Thuộc dòng phim chiến tranh nhưng phim tập trung vào miêu tả tâm lý của người phụ nữ có chồng hy sinh nơi chiến trường. Qua đó, người xem có thể cảm nhận rõ hơn về nỗi đau của hàng trăm nghìn người phụ nữ hóa “hòn vọng phu” trong thời chiến, cùng với đó là những mất mát đau thương của biết bao gia đình có con hy sinh. Trong phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã sử dụng rất nhiều thủ pháp điện ảnh như hồi ức, lồng ghép chuyện trong chuyện,... để mang đến hiệu ứng cảm xúc cao nhất cho người xem. Đặc biệt, phân cảnh phiên chợ âm dương giữa khung cảnh khói sương bảng lảng cùng những vong hồn đông đúc được xem là một trong những cảnh tâm linh đặc sắc nhất trong điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay. Phim đã xuất sắc giành được hàng loạt giải thưởng như: Giải Bông sen Vàng; Nữ diễn viên chính xuất sắc (Lê Vân), Nam diễn viên chính xuất sắc (Hữu Mười) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985; Giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 1989; Bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình, tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1985 và Giải thưởng đặc biệt của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Hawaii năm 1985.
Biệt động Sài Gòn - 1986 của đạo diễn Long Vân, gồm 4 tập, tái hiện chiến công “đưa chiến tranh vào thành phố” của lực lượng biệt động thành Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đan xen trong bối cảnh đạn bom, khói lửa là những câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc và giàu ý nghĩa góp phần giúp bộ phim đi sâu vào lòng người. Bộ phim của đạo diễn Long Vân phát hành vào năm 1986 là một điểm sáng cho điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ, lập kỷ lục phòng vé. Và sau hơn 3 thập kỷ, hiện tại vẫn hút khách, kể cả nhiều lần phát lại trên truyền hình, xuất bản DVD và online.
Hà Nội 12 ngày đêm của đạo diễn Bùi Đình Hạc - tái hiện cuộc chiến đấu chống chiến dịch tập kích bằng máy bay B52 đánh phá Thủ đô Hà Nội trong chiến dịch Linebacker II (18 - 30/12/1972). Khởi quay từ năm 1997, đến tháng 4/1999 thì xong tất cả các cảnh ở Việt Nam, nhưng phải chờ làm kỹ xảo vi tính và âm thanh nên đến năm 2002 mới ra mắt. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam được đầu tư lớn với những cảnh quay sử dụng kỹ xảo vi tính, âm thanh vòm lập thể, tạo hiệu quả hoành tráng. Ví dụ: chỉ có 3 phút 38 giây kỹ xảo cảnh máy bay B52 dàn trận đánh phá Hà Nội đã “bay” 620 triệu đồng. Năm 2003, phim được giới thiệu tại nhiều liên hoan phim có uy tín như Liên hoan phim Fukuoka - Nhật, Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 48 tại Iran và Liên hoan phim quốc tế Cairo lần thứ 27.
46 năm, chiến tranh đã lùi rất xa, xem lại những phim về chiến tranh Việt Nam, như một cách ôn lại lịch sử, để càng trân trọng hơn cuộc sống hòa bình hôm nay, để biết ơn và ghi nhớ mãi mãi những hy sinh của các liệt sĩ, vì sự nghiệp độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước.