Phim điện ảnh dự Cánh diều 2018: Kẻ tám lạng, người nửa cân

11-04-2018 14:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Giải thưởng Cánh diều 2018 - ngày hội điện ảnh của giới làm nghề nước ta do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức đã khởi động. Năm nay, phim điện ảnh (chiếu rạp) có 13 tác phẩm, ít hơn so với các mùa trước.

Phim làm lại (remake) từ kịch bản nước ngoài lại không được trao giải chính thức nhằm đề cao phim thuần Việt, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.

Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, tham dự giải Cánh diều 2018, hạng mục phim truyện điện ảnh có 13 tác phẩm: Bạn gái tôi là sếp, Giấc mơ Mỹ, Em chưa 18, Mẹ chồng, Cô gái đến từ hôm qua, Ở đây có nắng, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Sắc đẹp ngàn cân, Ngày mai Mai cưới, Đảo của dân ngụ cư, Cô Ba Sài Gòn, Yêu đi đừng sợ, Dạ cổ Hoài Lang. Nhìn vào 13 tác phẩm này, không có phim “thảm họa” và mỗi bộ phim có dấu ấn, thế mạnh riêng.

Nổi bật nhất phải kể đến phim Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh) bởi đây là phim nghệ thuật, tái hiện tinh tế hành trình đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống của các nhân vật, qua đó, phác họa sinh động nét độc đáo của văn hóa Việt trong bức tranh xã hội đa sắc màu. Năm 2017, phim này đoạt giải Phim xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017. Bên cạnh đó, Đảo của dân ngụ cư là phim Việt duy nhất giành giải đặc biệt Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương 2017 tại Kazakhstan.

Phim điện ảnh dự Cánh diều 2018 được đánh giá có chất lượng đồng đều. (Ảnh minh họa)

Phim điện ảnh dự Cánh diều 2018 được đánh giá có chất lượng đồng đều. (Ảnh minh họa)

Được đánh giá cao ở Cánh diều 2018 còn có phim Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn). Năm qua, Em chưa 18 thu về 169 tỉ đồng doanh thu phòng vé, trở thành phim Việt chiếu rạp có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Bộ phim này là câu chuyện lãng mạn, hài hước xoay quanh một cô nữ sinh cấp 3. Dù cốt truyện đơn giản, Em chưa 18 đã làm toát lên bầu không khí hài hước, hiện đại cùng những bản nhạc phim lôi cuốn. Bên cạnh đó là Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn). Ra rạp cuối năm 2017, Cô Ba Sài Gòn đã thu hút sự quan tâm của khán giả, cho thấy sự sáng tạo, đáp ứng thị hiếu người xem cũng như làm vừa lòng giới chuyên môn khi lấy đề tài thời trang mang yếu tố xuyên không kỳ ảo để thể hiện. Hết đợt công chiếu, Cô Ba Sài Gòn thu về gần 70 tỉ đồng dù bộ phim này từng bị một khán giả quay lén, phát tán trái phép trên mạng xã hội facebook.

Trong danh sách phim điện ảnh dự giải Cánh diều 2018, Cô gái đến từ hôm qua do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn cũng tạo cơn sốt phòng vé năm 2017. Phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đạt doanh thu 70 tỉ đồng chỉ sau 3 tuần công chiếu. Bộ phim tạo sức hút lớn vì là bộ phim học trò dành cho mọi thế hệ, khắc họa những hình ảnh, câu chuyện thân thuộc mà bất kỳ ai cũng từng trải qua khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bộ phim chính là tấm vé đưa chúng ta trở về với khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người. Cũng nổi bật không kém là phim Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng. Ra rạp tháng 12/ 2017, Mẹ chồng là phim điện ảnh đầu tiên tại Việt Nam lấy sự tranh đấu giữa những người đàn bà đẹp trong một gia đình làm đề tài khai thác. Để rồi, chính các nhân vật ấy lại tự giày vò, làm khổ, giẫm đạp lên cuộc đời nhau. Đây là một tác phẩm duy mỹ, khiến người xem mãn nhãn qua bối cảnh nên thơ, tạo hình nhân vật chỉn chu, được trau chuốt tỉ mỉ.

Trong khi đó, Ở đây có nắng (đạo diễn Đỗ Nam) là bộ phim nhẹ nhàng với câu chuyện ý nghĩa về tình cha, kèm theo một chút thông điệp về cuộc sống. Giấc mơ Mỹ (nhà sản xuất Mai Thu Huyền) lại là bộ phim truyền tải chủ đề tình yêu và y khoa, mang đến cho khán giả góc nhìn mới mẻ về tình đồng hương lẫn hiện trạng sốc văn hóa giữa người phương Đông và người Phương Tây. Phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa của đạo diễn Mai Thế Hiệp lại vừa lồng ghép tình mẫu tử thiêng liêng, vừa dẫn dắt khán giả quay về Sài Gòn cách đây hơn 30 năm. Với Dạ cổ Hoài Lang (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) là sự kết hợp độc đáo giữa câu chuyện kinh điển và một phong cách kể chuyện đầy cảm xúc về câu chuyện của hai người bạn tha hương với những ký ức của thời trẻ nít rong chơi, những buổi hát đình đầy cảm động...

Các tác phẩm khác cũng được đánh giá cao, tuy nhiên là phim remake (làm lại) của nước ngoài như Yêu đi đừng sợ (làm lại từ Spellbound của Hàn Quốc), Bạn gái tôi là sếp (làm lại từ ATM Errak Error của Thái Lan), Sắc đẹp ngàn cân (làm lại từ phim Hàn Quốc 200 Pounds Beauty) sẽ không tham gia tranh các giải thưởng Cánh diều và Bằng khen. Theo đó, Ban tổ chức chỉ trao giải cá nhân như biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên cho phim remake nhằm đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình Việt có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.

Tham dự Cánh diều 2018 còn có 16 phim truyền hình, 13 phim hoạt hình, 34 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 32 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh sản xuất năm 2017. Lễ trao giải Cánh diều 2018 sẽ diễn ra vào 20h ngày 15/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn