Khai thác thị trường giàu tiềm năng
Có thể nói, 2017 là năm bước ngoặt của dòng phim đam mỹ tại Việt Nam. Không khó để kể ra những bộ phim tiêu biểu thời điểm đó như Mẹ chồng nàng dâu, Tao không xa mày, My sky - Bầu trời của Khánh, Bồ, Vì gặp nên mới tương phùng... Nếu như phiên bản chính Sống chung với mẹ chồng trở thành “bộ phim quốc dân” thì Mẹ chồng chàng dâu thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu với người đồng tính (LGBT). Bộ phim kể về câu chuyện giữa một cặp đôi đồng tính nam với gia đình của họ. Không như những bộ phim đồng tính trước đó chỉ tập trung xoay quanh những cung bậc cảm xúc, chuyện công việc, tình bạn, tình yêu của nhân vật đồng tính trong phim, Mẹ chồng chàng dâu còn là câu chuyện về cuộc sống gia đình, những mâu thuẫn, rắc rối phải đối mặt của người trẻ khi về chung một nhà và sự gắn kết của hai thế hệ khi vượt qua sóng gió.
Trong khi đó, phim Tao không xa mày tập trung khai thác những cảm xúc trong trẻo của một mối quan hệ khó gọi tên tuổi học trò giữa hai thằng bạn thân. Một bộ phim đủ mang lại cảm xúc mới cho người xem. Điểm cộng của bộ phim này chính là tập trung vào mối quan hệ đồng tính trong thời buổi xã hội vẫn còn những cái nhìn kỳ thị nhưng lại hết sức đơn giản. Không có những cảnh quay kỳ thị nặng nề mà tất cả mọi thứ đều diễn biến theo những cảm xúc, sự giằng xé nội tâm nhân vật.
Được chuyển thể từ tác phẩm Như một sợi nắng mềm, Bồ cũng là một trong những bộ phim đam mỹ gây chú ý. Phim là câu chuyện xoay quanh hai nhân vật Bi và Bin - đôi bạn thân từ tấm bé đến lúc trưởng thành. Cả hai đã cùng nhau lớn lên và có nhiều kỷ niệm chung. Phim như một bản tình ca chứa đựng những thanh âm trong trẻo của tình yêu học trò xen lẫn những nốt trầm, lắng đọng những đau khổ, dằn vặt vì quan niệm kỳ thị tình yêu LGBT...
Nhận thấy thị trường phim đam mỹ còn nhiều tiềm năng, năm 2018, các nhà làm phim tiếp tục khai thác thể loại này. Có thể kể đến vài bộ phim khá táo bạo như Chiếc nhẫn đi lạc, Hẹn yêu, Những chàng trai năng động. Đáng chú ý nhất trong số đó là phim Hẹn yêu - câu chuyện tình yêu lãng mạn và dễ thương của hai anh chàng đồng tính Cat và Ku. Bộ phim không thu hút khán giả ở tình tiết lôi cuốn, kịch tính, cao trào mà bởi những khoảnh khắc ngọt ngào, dễ thương đến tan chảy của cặp đôi nam chính.
Vài năm gần đây, thể loại đam mỹ rất hot trong lĩnh vực phim tư nhân.
Điều khó nói của phim đam mỹ
Vài năm gần đây, thể loại đam mỹ rất hot trong thị trường phim tư nhân. Tuy nhiên, với thị trường chính thống vẫn còn nhạy cảm với đề tài đồng tính, liệu phim đam mỹ có tìm được góc riêng cho mình hay không? Bầu trời của Khánh là dự án đam mỹ do chính Duy Khánh đầu tư sản xuất bằng tiền túi để phục vụ khán giả. Bộ phim được nhiều khán giả nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan ủng hộ chứ không chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, trên trang cá nhân, Duy Khánh lại cho biết mình khá buồn và thất vọng khi nhiều khán giả có vẻ như không thích bộ phim và đã báo cáo xấu (report) trên Youtube... Không chỉ nhà sản xuất, đạo diễn bị “ném đá” mà diễn viên của một số phim đam mỹ cũng phải nhận về những ý kiến trái chiều từ khán giả. “Cặp đôi” diễn viên Trần Viết Ly và Ngô Gia Thuận của Những chàng trai năng động đã nhanh chóng trở thành thần tượng của nhiều khán giả nữ. Tuy nhiên, chính Trần Viết Ly từng phải viết bức tâm thư dài về vai diễn mới của mình, trong đó có đoạn: “Mình không sợ bị ném đá mà thậm chí còn mong sau vai diễn này, sau bộ phim sẽ góp phần tạo nên tiếng nói chung cho cộng đồng LGBT Việt Nam...”.
Nhìn vào thị trường điện ảnh Việt hiện nay thì có thể thấy phần lớn các nhà làm phim đang có lối nghĩ cũ: một là bi kịch hóa, hai là hài hước hóa “quá liều lượng” về LGBT. Vì thế, những nhà làm phim Việt cần tìm hiểu kỹ càng và nhận thức đúng đắn về cộng đồng LGBT sao cho hình ảnh của họ trên màn hình điện ảnh được tái hiện một cách chân thực, khách quan, đa chiều và không đơn thuần cực đoan từ một phía. Hy vọng thời gian tới, khán giả Việt sẽ có cơ hội thưởng thức những bộ phim về đề tài LGBT hay, chất lượng, giàu cảm xúc và mang ý nghĩa nhân văn bởi những câu chuyện nhỏ luôn có khả năng gửi gắm những thông điệp lớn.