Khán giả ủng hộ cấm chiếu, tẩy chay phim có ‘đường lưới bò’ phi pháp
Xác nhận với truyền thông, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL), ông Vi Kiến Thành khẳng định, sau khi Hội đồng duyệt phim quốc gia thẩm định Thợ săn cổ vật, phát hiện tác phẩm này có chi tiết hình ảnh "đường lưỡi bò". Vì lẽ đó, Hội đồng duyệt phim quốc gia thống nhất cấm chiếu Thợ săn cổ vật tại Việt Nam. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục Điện ảnh đã ra quyết định cấm chiếu phim này trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Trước đó, phim điện ảnh Thợ săn cổ vật do Sony Pictures phát hành, dự kiến chiếu rạp tại Việt Nam từ 18/3/2022. Đây là bom tấn điện ảnh hứa hẹn sẽ hút khán giả bởi có sự góp mặt của ngôi sao điện ảnh Tom Holland, Mark Wahlberg, Antonio Banderas… Bộ phim này đã công chiếu ở thị trường nước ngoài từ tháng 2/2022, đạt doanh thu cao, nhất là thị trường Bắc Mỹ nhưng cũng gây nhiều tranh cãi.
Khi thông tin bộ phim Thợ săn cổ vật dự kiến ra rạp tại Việt Nam, nhiều khán giả rất háo hức. Phim kể về cuộc hành trình tìm kho báu thất lạc 500 năm của Nathan Drake (Tom Holland) thông minh, cùng với cộng sự Victor "Sully" Sullivan. Mặc dù vậy, khi Cục Điện ảnh thông tin tác phẩm này có chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp, cấm chiếu tại Việt Nam, công chúng rất ủng hộ.
Cộng đồng mạng đồng loạt kêu gọi tẩy chay phim này, các hội nhóm review phim trên mạng xã hội đều bày tỏ sự phẫn nộ khi Thợ săn cổ vật chứa hình ảnh đường lưỡi bò vốn không được được quốc tế công nhận.
"Dù có ngôi sao nổi tiếng đóng hoặc hấp dẫn đến đâu, chúng ta cũng không thể xem và chấp nhận một tác phẩm điện ảnh chứa chi tiết đường lưỡi bò phi pháp", các hội nhóm mê phim ở nước ta lên tiếng. Hiện website của các hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam cũng đã gỡ bỏ thông tin lịch chiếu Thợ săn cổ vật khi Cục Điện ảnh có quyết định cấm chiếu.
Đòn phủ đầu phim có ‘đường lưỡi bò’ xâm nhập thị trường giải trí Việt
Việc Cục Điện ảnh thẩm định, cấm chiếu Thợ săn cổ vật do tác phẩm này chứa chi tiết đường lưỡi bò nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của khán giả nước ta. Thực tế đã phản ánh, đã có một số tác phẩm của nước ngoài ra rạp tại Việt Nam và có chứa hình ảnh về đường lưỡi bò làm khán giả rất bức xúc.
Năm 2019, khi phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ (DreamWorks Animation và Pearl Studio sản xuất) ra rạp tại Việt Nam được 10 ngày, khán giả vô cùng phẫn nộ vì phim này có cảnh thể hiện "đường lưỡi bò" phi pháp. Phim có hình ảnh tấm bản đồ đánh dấu các danh thắng nổi tiếng mà nhân vật Yi mơ ước được đặt chân đến, có những đường đứt đoạn giống hình đường lưỡi bò. Tấm bản đồ này xuất hiện nhiều lần trong bộ phim.
Vụ việc phim Everest: Người tuyết bé nhỏ chứa hình ảnh đường lưỡi bò ra rạp thời điểm đó đã khiến dư luận rất bức xúc. Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã phải vào cuộc, quyết định ngừng chiếu ngay phim này. Đồng thời, Bộ VH-TT&DL đã khiển trách lãnh đạo Cục Điện ảnh thời điểm bấy giờ và các cá nhân liên quan khi không thẩm định kỹ càng, để lọt chi tiết có đường lưỡi bò và chiếu tại rạp Việt khiến dư luận bức xúc. Đơn vị nhập khẩu phim Everest: Người tuyết bé nhỏ bị xử phạt vi phạm hành chính 170 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Năm 2021, Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) ra văn bản yêu cầu nền tảng chiếu phim trực tuyến Netflix, gỡ bỏ các tập phim Pine Gap. Cụ thể, hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp trên Biển Đông đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2 và phút 52 của tập 3 phim Pine Gap. Netflix tại Việt Nam sau đó đã gỡ bỏ các tập phim có chứa hình ảnh trái phép, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Đánh giá về việc phim có chứa chi tiết đường lưỡi bò do các nhà sản xuất nước ngoài thực hiện, chiếu tại Việt Nam gây bức xúc dư luận, nhà văn Trần Thị Trường nêu quan điểm, cho dù chỉ vài giây nhưng đủ để thấy nhà sản xuất phim rất tinh vi trong việc "mưa dầm thấm lâu". Họ đưa hình ảnh chỉ một vài giây nhưng ai cũng hiểu đấy chính là cái họ đặt dần những bằng chứng cho tương lai của họ. Chúng ta không cảnh giác thì vô cùng nguy hiểm.
Việc không để lọt tác phẩm núp bóng nghệ thuật đi tuyên truyền cái được gọi là "đường lưỡi bò" phi pháp như một "đòn phủ đầu" đầy sức nặng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.