Truyện cổ tích do những người bình dân sáng tạo nên, vì thế phản ánh đầy đủ và chân thực cuộc sống, số phận, tâm hồn và bản sắc của họ. Trong mỗi người đều có những câu chuyện cổ tích cho riêng mình bởi sự đẹp đẽ và tuyệt vời mà ý nghĩa của những truyện kể này mang lại. Từ những câu chuyện ai cũng biết, nhiều đạo diễn đã chọn cách chuyển thể, cải biên dưới góc nhìn mới của những con người sống trong thế giới hiện đại. Điều này đã tạo nên sự hấp dẫn đầy linh hoạt và bất ngờ cho những bộ phim này.
Ở thể loại phim điện ảnh 3D, với lợi thế hình ảnh đẹp, sắc nét, những kịch bản cổ tích đã làm mê mẩn nhiều khán giả ưa sáng tạo. Aliceở xứ sở thần tiên (Alicein wonderland) - câu chuyện được nhiều trẻ em cực kỳ yêu thích hóa ra lại trở thành một kịch bản phim hoàn hảo cho mọi lứa tuổi. Chuyện cổ tích với nhân vật chính là cô bé Alice đã trở thành cảm hứng cho không dưới 10 bộ phim chuyển thể kể từ năm 1903 đến nay, đáng chú ý gần đây có lẽ là phiên bản 2010. Ngay từ lúc mới ra rạp, phim vẫn thu hút được một khối lượng khán giả đông đảo. Đạo diễn của bộ phim, Burton đã nói rằng "mục tiêu của tôi là làm cho bộ phim thật hấp dẫn, mang tính tâm lý và có gì đó mới mẻ nhưng vẫn giữ được những nét cổ điển của tác phẩm Alice".
Cảnh trong phim Cô bé quàng khăn đỏ. |
Không kém cạnh là bộ phim hoạt hình 3D Công chúa tóc dài (Barbie rapunzel-Tangled) kể về nàng công chúa có mái tóc dài hàng kilômét từ nhỏ đã bị bắt cóc và nhốt trên một tòa tháp cao chót vót. Cho tới nhiều năm sau, khi cô đã trưởng thành, duyên số run rủi đưa đường dẫn lối cho anh chàng siêu trộm phát hiện và tìm cách giải thoát cho cô. Sau khi gặp gỡ, hai người bước vào một cuộc phiêu lưu vui nhộn, hài hước nhưng cũng không kém phần ly kỳ hồi hộp. Tangled đã mang lại rất nhiều cơ hội thú vị cho những hiệu ứng 3D tuyệt vời và đánh dấu bước tiến mới nhất của sự phát triển của công nghệ làm phim 3D tại Disney. Bộ phim cũng đạt được thành công trên toàncầu khi doanh thu đạt mức 40 triệu USD.
Việt Nam chưa có những kịch bản cổ tích thành công
Từ thập niên 90, các đạo diễn Việt Nam đã ý thức được nguồn nguyên liệu cổ tích phong phú để dựng thành phim. Tuy nhiên, phim cổ trang chuyển thể từ cổ tích Việt Nam phần lớn lại mang hơi hướng kiếm hiệp Hồng Kông. Cảnh trí sơ sài, kỹ xảo thô sơ, có manh nha sự sáng tạo trong kịch bản nhưng vẫn chưa đạt ngưỡng thành công là điều mà khán giả nhận thấy qua phim chuyển thể từ cổ tích Việt. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hạn hẹp đã không cho phép những nhà sản xuất phim được tung tẩy, thử nghiệm. Không nhiều hãng phim dám dấn thân vào đề tài này, nếu có cũng chỉ trông cậy vào nguồn kinh phí tài trợ.
|
Phương Nam film có lẽ là đơn vị trung thành nhất với phim cổ tích Việt Nam khi trong suốt 10 năm qua chung thủy với thể loại phim này. Nhưng một thực tế là phim cổ tích của hãng này lại chỉ dành cho thiếu nhi, đúng như tinh thần của truyện cổ tích. Điều đó có nghĩa là chưa có một động lực hiện đại trong những bộ phim tái hiện cổ tích này. Cổ tích vẫn hoàn cổ tích. Phải chăng đó là lý do phim không thể hấp dẫn được khán giả người lớn?
Nói như vậy không có nghĩa là điện ảnh Việt không có “hàng hiếm” cổ tích. Tuy nhiên, hàng hiếm lại không mấy quý giá. Nhật ký Bạch Tuyết do diễn viên Trúc Diễm thủ vai chính khiến người ta liên tưởng đến câu truyện cổ nổi tiếng qua tên phim nhiều hơn là nội dung. Thuộc thể loại hài hước sôi động về cuộc phiêu lưu của cô Tuyết da đen bị mất trí tưởng mình là nàng Bạch Tuyết, được hoàng tử và bảy chú lùn hộ tống đi tìm kho báu. Bi hài kịch diễn ra khi bà mẹ thuê hoàng tử và 7 chú lùn "dỏm" về diễn kịch với Bạch Tuyết. Một thế giới cổ tích của thế kỷ 21, bảy chú lùn nghèo khổ bỗng lọt vào thế giới giàu sang, mỗi người quậy một kiểu. Thay vì bảo vệ cô chủ, họ lại muốn cướp kho báu của nàng. Có lẽ chuyện phim chưa thực sự hạ gục được những khán giả khó tính khi họ mê mải đi tìm tinh thần cổ tích mà tìm hoài không thấy.
Dựa theo điển tích về chuyện chàng Trương Ba nho nhã trong xác anh hàng thịt, Hồn Trương Ba da hàng thịt, ê-kíp sản xuất bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bị chê là bình mượn, rượu nhạt. Một kịch bản chưa hấp dẫn, phần diễn xuất còn nhạt nhòa và không khí hài hước chưa ăn khớp, phim vẫn chưa làm thỏa mãn những khán giả yêu thích cổ tích.
PHƯƠNG DI