Phim chiếu rạp - Còn nhiều điểm yếu

01-04-2016 14:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có thể nói, trong những năm gần đây, điện ảnh Việt so với chính mình có sự phát triển, song vẫn chỉ là ở thế tìm chỗ đứng.

Có thể nói, trong những năm gần đây, điện ảnh Việt so với chính mình có sự phát triển, song vẫn chỉ là ở thế tìm chỗ đứng. Có lẽ không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận sự thật phũ phàng này, nhưng cứ nhìn vào các tác phẩm điện ảnh “made in Vietnam” gần đây thì sẽ thấy, chúng ta còn rất nhiều điểm yếu, chưa nói hình thức PR còn hạn chế.

Vẫn ở... lưng chừng dốc

Nếu nói về các giai đoạn phát triển của điện ảnh Việt thì có lẽ 2015 là năm có nhiều dấu ấn nhất. Quyên, bộ phim tiêu tốn bạc tỷ của Nguyễn Phan Quang Bình sở hữu ê-kíp làm phim đáng mơ ước, dàn diễn viên có yếu tố ngoại quốc, cảnh quay thực hiện tại Đức, đội ngũ quảng bá hùng hậu... Nhưng, ngay với cả một tác phẩm có sức nặng về tư tưởng như Quyên, đạo diễn cũng chưa thể làm một cách chỉn chu nhất. Hầu hết khán giả sau khi xem phim đều có cảm giác như vậy. Đây cũng là “bệnh” chung của phim Việt, lâu nay khán giả khao khát một bộ phim khiến họ phải mỉm cười hài lòng khi ra khỏi rạp, nhưng có lẽ ngay cả Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng chưa thể làm được điều này. Theo cách nào đó, người xem không tránh khỏi cảm giác “tiếc tiếc”.

Con ma nhà họ Vương - Phim có nhiều cảnh nóng đồng giới và quảng cáo thương hiệu sản phẩm phản cảm.

Chung số phận với QuyênCon ma nhà họ Vương - kết quả hợp tác giữa Vũ Ngọc Đãng và Lương Mạnh Hải với kinh phí thấp. Bộ phim này cũng hao tốn giấy mực của truyền thông nhưng đối tượng của phim khá rõ ràng (chỉ dành cho khán giả đồng tính) nên nhiều cảnh “nóng” giữa hai người đàn ông trong câu chuyện phi lý không thể thuyết phục số đông khán giả. Thậm chí, phim “câu giờ” bằng những đoạn thoại dở dở ương ương, các màn tra tấn quá đáng, diễn xuất vô cùng gượng gạo của tất cả các vai từ chính đến phụ.

Chưa kể, cái dở tiếp theo của Con ma nhà họ Vương chính là việc xuất hiện quá nhiều màn quảng cáo thương hiệu phản cảm. Bên cạnh đó, không khó để khán giả phát hiện những hình ảnh thiếu chau chuốt trong phim, bối cảnh, cộng với kịch bản kém (có lắt léo nhưng không có chiều sâu) dẫn đến “cái chết non” sau đêm ra mắt hoành tráng. Vũ Ngọc Đãng đã bị rơi vào tình trạng đuối sức với một đề tài không dễ nhằn - đó là vấn đề đồng tính, song tính luyến ái...

Lo ngại về những cảnh “nóng”,...

Năm ngoái, phim Mỹ nhân của đạo diễn Đinh Thái Thụy đã từng là chủ đề bàn tán của công chúng yêu điện ảnh, nhưng phần nhiều lại là những phản hồi thiếu tích cực. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Văn Lê, cốt truyện lấy bối cảnh thế kỷ 17, kể về tình yêu của chúa Nguyễn Phúc Tần (Quách Ngọc Ngoan đóng) với ca nương Thị Thừa (Triệu Thị Hà đóng). Nhưng đến khi ra rạp, người xem lại một lần nữa “choáng” với quá nhiều cảnh nóng. Thậm chí, truyền thông còn tỏ ra phẫn nộ với nhận xét: “Hai người đẹp Triệu Thị Hà và Kim Hiền trong phim rất chịu... cởi đồ! Mà nhiều khi cởi chẳng hiểu để làm gì!”.

Cần nói thêm, đây được xem là những cảnh nóng “buộc” phải có của phim để lột tả được tính cách, diễn biến tâm trạng cũng như động cơ của nhân vật. Nếu như cảnh nóng của Kim Hiền thể hiện được sự nham hiểm của người đàn bà tham vọng thì cảnh nóng của Triệu Thị Hà lại thể hiện tình yêu trong trắng của một ca nương với đấng quân vương. Tuy nhiên, những cảnh nóng này vẫn chưa thật sự được đánh giá cao bởi thiếu sự tinh tế, có đoạn phim khoe cơ thể lộ liễu của diễn viên nhưng lại không bộc lộ được hết ý đồ kịch bản.

Tương tự, Hương ga của đạo diễn Cường Ngô mở đầu bằng đoạn hot girl Chi Pu bị “quấy rối” dã man và tiếp sau đó là những cảnh đánh chém, cùng phân đoạn “giường chiếu” nóng bỏng của Trương Ngọc Ánh và bạn diễn Kim Lý, cũng “tra tấn” khán giả một cách... không cần thiết. Sự trần trụi đến mức “quá đà” của phim đã nhận không ít ý kiến phản ứng của khán giả. Thậm chí, 3 trên tổng số 10 trường đoạn được đưa vào trailer chính thức của Hương ga đều là những cảnh cưỡng bức và “giường chiếu” nóng bỏng của nhân vật chính.

Vẫn biết rằng, cảnh nóng trong một bộ phim là bình thường. Song, nhiều đạo diễn đã nhầm tưởng. Sự thật là người ta có thể cười, khóc, thậm chí ngưỡng mộ tài xử lý nghệ thuật của đạo diễn khi xem cảnh nóng của bộ phim nào đó, nhưng phần lớn những cảnh nóng trong phim Việt chiếu rạp hiện nay chỉ khiến khán giả muốn... nhắm tịt mắt vì xấu hổ.

Tất nhiên, không phải cảnh nóng nào trong phim Việt cũng bị khán giả tẩy chay. Sống trong sợ hãi - một phim có cảnh nóng khá táo bạo nhưng người xem lại hài lòng bởi nó phù hợp mạch phim, cần thiết để miêu tả tâm lý nhân vật. Tương tự, những cảnh nóng trong phim nghệ thuật như Bi, đừng sợ!, Đập cánh giữa không trung cũng được nhiều khán giả ủng hộ... Tiếc là một số phim Việt tại rạp chiếu xử lý cảnh nóng khéo như vậy chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Chắc chắn khán giả vẫn mơ về một bộ phim nghệ thuật mới một cách đúng nghĩa.


Vũ Quang
Ý kiến của bạn