Tại thị trường châu Á, Web drama là khái niệm phổ biến, bắt đầu phát triển vào năm 2010, cụ thể là ở Trung Quốc và Hàn Quốc khi hàng loạt các web drama trở nên nổi tiếng như: Love Cells (Tế bào tình yêu), On Sunny Days (Một ngày nắng mới),... đều là những bộ phim có sự tham gia của phần lớn các diễn viên chưa quá nổi tiếng hay các idol với kinh nghiệm diễn xuất còn non trẻ, nhờ những bộ phim web drama họ có cơ hội thể hiện khả diễn xuất của bản thân cũng như trở nên nổi tiếng .
Ở Việt Nam, web drama bắt đầu nhen nhóm từ năm 2012 với các nhóm hài Dam TV, BB&BG, Ghiền mì gõ,... với những clip gây bão cộng đồng mạng lúc bấy giờ như: Kính vạn bông, Tình yêu tuổi học trò, Thang máy định mệnh... Tuy nhiên ở thời kỳ đó, các sản phẩm không được đánh giá cao vì kinh phí đầu tư thấp, diễn viên nghiệp dư, các thiết bị kỹ thuật sơ sài nên phim nội dung có phần hời hợt, chủ yếu bám vào đề tài nóng để khai thác dưới góc nhìn hài hước, mua vui là chính chưa mang thông điệp và ý nghĩa của sức nặng sâu sắc.
Chỉ đến khi Glee Việt xuất hiện, khán giả Việt mới có được khái niệm đầy đủ về web drama. Glee được xem là bộ phim web drama đầu tiên tại Việt Nam được đầu tư nhất tại thời điểm đó. Đây là bộ phim remake lại từ series đình đám của Mỹ nên ngay từ đâu đã nhận rất nhiều sự chú ý của truyền thông cũng như khán giả từ dàn diễn viên trong phim, những ca khúc nhạc phim đều được mong đợi. Tuy nhiên bộ phim không nhận được kết quả gần như trái ngược với kì vọng, lời thoại hơi nhảm nhí và không hợp tình huống. Những ai từng “trót dại” theo dõi bộ phim hẳn sẽ chưa quên câu thoại “kinh-dị-điển”: “Hãy đứng lên như những mái chèo” của cô Lan Phương (Yaya Trương Nhi), cùng với dàn diễn viên “có tên nhưng chưa có tuổi” không được đánh giá cao về diễn xuất như: Hữu Vi, Rocker Nguyễn, Lynk Lee, Hòa Minzy... và đặc biệt là nữ chính Cindy V - nhân vật được đánh bóng tên tuổi mạnh nhất trong dàn diễn viên được công bố. Dẫu sao, Glee vẫn thu về hiệu ứng tích cực nhờ sự mới lạ và trẻ trung.
Mỗi tập Bố già do Trấn Thành đầu tư, Mr. Tô đạo diễn lên sóng đều tạo cơn sốt trên mạng xã hội youtube khi thu hút hàng triệu lượt xem, “hạ cánh” an toàn tại Top 1 trending.
Những tác phẩm ấn tượng
Trong giới nghệ sĩ trẻ, Huỳnh Lập được biết đến là một trong số những cái tên trẻ đi đầu trong làn sóng web drama tại Việt Nam. Bên cạnh sự thành công của những sản phẩm parody (phóng tác không giới hạn những tác phẩm phim, MV nhạc nổi tiếng), Huỳnh Lập bắt tay vào việc khám phá ở mảng đầy tiềm năng là web-drama. Lần đầu sản xuất hình thức phim này, nam diễn viên đã “chơi lớn” khi đầu tư gần 4 tỷ đồng cho tác phẩm Ai chết giơ tay - câu chuyện xoay quanh bộ ba pháp sư Tinh Lâm, Thụy Du và Liên Thanh. Mỗi tập phim là những câu chuyện, số phận khác nhau của các vong hồn mà ba người gặp gỡ. Từ đó, họ giúp những hồn ma ấy giải quyết vấn đề còn lo âu trên dương thế và tiễn chúng về cửu tuyền.
Không giống như nhiều web drama khác, Huỳnh Lập khá thông minh khi “hô biến” Ai chết giơ tay trở thành một “món lạ” khi khai thác về đề tài tâm linh. Không chỉ đưa đến cho khán giả những góc nhìn rõ hơn về các hiện tượng phi khoa học, các khía cạnh về cõi âm, mà bộ phim còn được lồng ghép những câu chuyện tâm lý, cảm động, thể hiện rõ các vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay. Với sự đầu tư chỉn chu, hoành tráng và sự sáng tạo không ngừng của đội ngũ sản xuất, mỗi tập phim đều nhận được một lượng người xem rất lớn cùng nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.
Cũng là một nghệ sĩ đam mê web drama. Tác phẩm Nhà trọ có quá trời phòng, công chúng đã thật sự đánh giá cao Nam Thư. Thậm chí có ý kiến cho rằng Nhà trọ có quá trời phòng xứng đáng là web drama tốt nhất mà cô từng sản xuất. Cuộc sống nơi xóm trọ vốn dĩ từ trước đến nay khi đem lên màn ảnh đều không mấy bình yên, tất nhiên phim của Nam Thư cũng không ngoại lệ. Vừa bắt đầu web drama người ta đã thấy “bà chủ dãy trọ” Thơ giọt lệ (Nam Thư) có gì đó sai sai. Một bà dì đứng tuổi, chưa có chồng, ở cùng cháu của mình là Út Thẩn (Huỳnh Thanh Trực). Cả hai ra mắt bằng những câu thoại vô cùng “xàm xí” mà duyên dáng. Vì là sản phẩm giải trí đơn thuần, lấy nụ cười làm quà cho khán giả nên nội dung phim rất xàm, thậm chí xàm từ đầu đến cuối, nhưng đó lại là nét “xàm duyên dáng” được khán giả ủng hộ. Chưa rõ tương lai Nam Thư có sản xuất thêm được web drama nào “vượt trội” hơn về chất lượng không, nhưng về độ vui thì đây là phim vui nhất.
Không chỉ là giải trí tức thời
Các nghệ sĩ Việt đang ngầm khẳng định Web drama dù chỉ là phim hài hoặc giải trí đơn thuần, nhưng vẫn có sức nặng. Một trong những sản phẩm chất lượng nhất hiện nay phải kể đến Bố già của Trấn Thành. Cụ thể, mỗi tập Bố già do Trấn Thành đầu tư, Mr. Tô đạo diễn lên sóng đều tạo cơn sốt trên mạng xã hội youtube khi thu hút hàng triệu lượt xem, “hạ cánh” an toàn tại Top 1 trending.
Phim lồng ghép nhiều tình tiết hài hước duyên dáng, quy tụ dàn diễn viên hùng hậu: NSND Ngọc Giàu, Lê Giang, Anh Đức, Lê Quốc Nam, Lâm Vỹ Dạ, Tuấn Trần... Các khách mời như Bà Tân Vlog, Trúc Nhân tạo được tiếng cười đúng chỗ, đúng thời điểm. Tập 1 của phim hé lộ nhiều cảnh gây cười và tình tiết xúc động về tình cảm gia đình, cha con, chồng vợ. Dù là phim chiếu mạng nhưng đầu tư chỉn chu, nội dung được nhận xét là chân thật, cảm xúc, nhất là phần lời thoại chiếm được cảm tình của khán giả. Nhờ điều này, tập 1 của Bố già thu hút đông lượt xem và có đến hơn 26.000 lượt bình luận. Đây được coi là bước đệm vững chắc cho những tập phim tiếp theo.
Có thể khẳng định, gần đây, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và có tầm đều đầu tư lớn vào dạng phim chiếu mạng. Vì thế dòng phim này không còn là những tác phẩm làm cho có, qua loa, đại khái, mà là những sản phẩm chỉn chu từ khâu kịch bản cho đến quay, dựng. Tính đến thời điểm này, điện ảnh Việt đã có 2 phim từ web drama lên màn ảnh rộng là Thập Tam Muội với tựa “Chị Mười Ba: Phần kết Thập Tam Muội” và Ai chết giơ tay với tựa “Pháp sư mù”. Điều này ngầm khẳng định web drama cũng có sức nặng của riêng nó và sẽ là mảnh đất được khai thác nhiều trong tương lai gần.