Phim câm và “vòng nguyệt quế” huyền thoại

29-11-2012 09:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

Từng có một kỷ nguyên huy hoàng, những thước phim câm đen trắng của thời quá khứ luôn để lại những ấn tượng khó quên cho người xem.

Từng có một kỷ nguyên huy hoàng, những thước phim câm đen trắng của thời quá khứ luôn để lại những ấn tượng khó quên cho người xem. Tuy vậy, thời đại ngày nay, hiếm đạo diễn nào có đủ nhiệt tâm, lòng can đảm và “tình yêu nguyên thủy” với điện ảnh để làm thật “nên hồn” một bộ phim câm. Sức hấp dẫn của dòng phim này một lần nữa được kiểm chứng khi vào trung tuần tháng 9, những khán giả Việt say mê dòng phim kinh điển này háo hức thưởng thức The Artist (Nghệ sĩ) - bộ phim đoạt giải Oscar 2012 tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

“Vòng nguyệt quế” của phim câm

Dựa trên hiệu ứng hình ảnh qua thị giác, diễn viên và âm nhạc để nói lên sự mê hoặc, quyến rũ đặc trưng, riêng biệt của mình, những thước phim câm đen trắng đã “đánh cắp” sự say mê của hàng triệu khán giả thời kỳ sơ khai của điện ảnh. Thời hoàng kim của phim câm đánh dấu thành công chói lọi của hàng loạt các tác phẩm thuộc hàng kinh điển của điện ảnh thế giới như: The Passion of Joan of Arc (1928), The General (1927)...Và thực tế, nhiều nhà làm phim lỗi lạc của thế giới đều bắt đầu sự nghiệp với phim câm.

Phim câm và “vòng nguyệt quế” huyền thoại 1
Poster phim The Artist.

Ngay sau khi kỹ thuật thu tiếng đồng bộ ra đời, các bộ phim câm dần dần biến mất khỏi các rạp chiếu bóng ngay giai đoạn đầu thập niên 1930 và sau đó là ngừng sản xuất. Phim câm dần đi vào quên lãng và lạ lùng là đạo diễn Michel Hazanavicius những ngày đầu khởi nghiệp lại mơ đến việc làm một bộ phim câm. Ý định của ông bị cho là khôi hài cho đến khi The Artist ra đời với 100 phút phim không cần lời thoại.

Và để làm “ra trò” những thước phim cổ điển này, ông đã nghiên cứu chuyên sâu về lý thuyết phim câm thông qua việc đọc tất cả các tài liệu liên quan đến thể loại phim này, kể cả âm nhạc, xem tất cả các phim của các quốc gia và không trừ việc lấy cảm hứng từ việc mày mò tìm hiểu cuộc đời của các ngôi sao trên thế giới. Cuối cùng, Michel Hazanavicius có một kịch bản phim câm đạt tiêu chuẩn. Sự duyên dáng của bộ phim đã giúp nó lên đỉnh Oscar trong sự kinh ngạc xen lẫn tán đồng của công chúng.

Kỹ thuật phim câm đương đại

Sở dĩ The Artist có được “vòng nguyệt quế” bởi sự tuân thủ một cách nghiêm ngặt các kỹ thuật trong làm phim câm. Không cần đến những kịch bản lắt léo, dàn trải, phim vẫn thu hút nhờ các câu thoại hiếm hoi được chọn lọc kỹ, cách kể chuyện hấp dẫn, nhẹ nhàng, tâm trạng, tính cách nhân vật biến đổi hợp lý. Đạo diễn Michel Hazanavicius cũng đã giữ lại được tinh thần cơ bản của phim câm kỷ nguyên vàng. Đó là phong cách dàn dựng bối cảnh phim hết sức cổ điển, sang trọng nhằm đưa diễn viên lên vị trí cao nhất, bù lại thiệt thòi về mặt diễn tả ngôn từ của họ.

Công chúng ngày nay có trình độ tri thức phát triển vượt bậc. Vì vậy, để làm sống lại tinh thần, bản sắc và sức hút của thể loại phim thời kỳ mà điện ảnh chưa phát triển cực kỳ khó.

Không có quá nhiều lựa chọn để “lấy lòng” khán giả như các thể loại khác, phim câm bắt buộc phải chọn cách xâm chiếm trực diện và thẳng thắn vào tư duy cũng như tình cảm của khán giả. Sau The Artist, dòng phim câm kinh điển đang ngấm ngầm trở lại. Đó là Wings - bộ phim đầu tiên trong lịch sử Oscar đoạt giải phim hay nhất đang được tân trang để trở lại màn bạc. Và những thước phim câm kinh điển của Charlie Chaplin (Vua hề Sác lô) - một trong những nam diễn viên huyền thoại của điện ảnh mọi thời đại vẫn được nhiều thế hệ khán giả yêu thích.

Rất nhiều phim điện ảnh ngày nay vẫn sử dụng những trường đoạn mang tính phim câm như một nguyên tố tạo nên những dòng cảm xúc đáng nhớ. Và dù rất khó để trở lại thời kỳ hoàng kim, phim câm vẫn được công nhận là một loại hình nghệ thuật “sống” và giá trị vững bền trong dòng chảy cuồn cuộn như thác đổ của nghệ thuật đương đại.

Ẩn Sơn



Ý kiến của bạn