Trong một phát biểu đưa ra cuối tuần qua, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố Mỹ hãy chuẩn bị sẵn sàng cho việc hủy bỏ ngay lập tức Thỏa thuận Các lực lượng viếng thăm (VFA) - cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại Philippines. “Chúng tôi không cần tiền của Mỹ”, ông Duterte đưa ra tuyên bố trên sau khi một cơ quan viện trợ Mỹ hoãn quyết định cung cấp tài chính cho các chương trình chống nghèo đói tại nước này.
“Tôi sẽ có một quyết định cuối cùng vào một ngày không xa”, ông Duterte nhấn mạnh sau khi đánh giá lại một thỏa thuận quốc phòng khác với Mỹ là Hiệp định Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA). Theo giới phân tích, đây là tín hiệu mới nhất thể hiện sự dứt khoát của Mỹ đối với đồng minh Philippines. Trước đó, hồi tháng 9, ông Duterte cũng đã đưa ra một tuyên bố tương tự khi yêu cầu lực lượng 100 quân Mỹ rút khỏi miền Nam Philippines, nơi quân Mỹ đồn trú để hỗ trợ quân đội Philippines chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
“Tôi muốn quân đội Mỹ sẽ rút đi trong vòng 2 năm tới”, ông Duterte đưa ra một tuyên bố khác vào hồi tháng 11. “Chúng tôi không cần có sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Tôi muốn họ rút đi. Và nếu tôi phải sửa đổi hoặc bãi bỏ những hiệp định, thỏa thuận điều hành, tôi sẽ làm điều đó”. Ở tuổi 71, Tổng thống Duterte vẫn bảo lưu những quan điểm cứng rắn của mình trong mối quan hệ với Mỹ.
Tổng thống Duterte nói “sẽ chia tay đồng minh Mỹ”
Quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Duterte lên cầm quyền hồi giữa năm nay. Ông Duterte đã nhiều lần chỉ trích và có những tuyên bố xúc phạm Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời ra lệnh ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ, vốn là một trụ cột trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. Ngược lại, phía Mỹ cũng không vừa khi chỉ trích Tổng thống Duterte vi phạm nhân quyền khi thực hiện chiến dịch trấn áp ma túy ở quốc gia này.
Trên thực tế, năm 1898, khi Tây Ban Nha chính thức chấp nhận một nghị định thư hòa bình theo các điều khoản mà Mỹ đặt ra, theo đó Tây Ban Nha nhượng lại các thuộc địa Cuba, Puerto Rico và Manila ở Philippines cho Mỹ trong thời gian chờ đợi một hiệp định hòa bình chính thức. Từ đó, Philippines chính thức trở thành thuộc địa của Mỹ đến năm 1940. Về sau này, khi hai nước ký VFA - văn kiện hợp tác quốc phòng ký năm 1998 cho phép quân đội Mỹ triển khai luân phiên hàng nghìn binh sĩ và trang thiết bị quân sự tại Philippines để phục vụ các cuộc tập trận chung và các hoạt động cứu trợ thảm họa, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines thường xuyên hơn. Đặc biệt, khi Mỹ triển khai chính sách xoay trục tại châu Á - Thái Bình Dương, Philippines được coi là mũi nhọn quan trọng hàng đầu trong chiến lược của Mỹ tại khu vực. Chính vì thế, việc Tổng thống Duterte thẳng thừng yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi Philippines không chỉ là một điều bất ngờ mà còn là một vố đau đối với các chiến lược kiềm giữ Trung Quốc tại biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ - Philippines sẽ “ấm lên” dưới thời Tổng thống Donald Trump?
Ở thời điểm này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins cho biết, giới chức nước này đã biết thông tin về các tuyên bố của Tổng thống Duterte, song Washington “chưa nhận được yêu cầu chính thức từ phía Philippines về việc chấm dứt bất kỳ thỏa thuận hợp tác song phương nào hay không”.
Điều này có nghĩa là phía Philippines chưa đưa ra tuyên bố chính thức mà mọi thông tin vẫn chỉ dừng lại ở những phát ngôn được báo chí dẫn lại. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dù đưa ra những tuyên bố cứng rắn trên, nhưng Tổng thống thống Duterte cũng để ngỏ một khả năng rằng quan hệ song phương giữa Washington và Manila có thể được cải thiện dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
“Tôi sẽ chứng kiến ông Obama rời đi và nếu ông ta biến mất, tôi sẽ bắt đầu xem xét lại”. Tổng thống Duterte nói. “Chúng tôi nói cùng một ngôn ngữ”, ông Duterte kể về cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Donald Trump và ông Trump nói rằng “Tôi thích chất giọng của ông, nó giống như tôi”. Tôi đáp lời “Đúng vậy, thưa Tổng thống. Chúng ta có nhiều điểm tương đồng”.