Kiệu Bát cống (kiệu tám người khiêng) thường được sử dụng để rước thánh, rước linh vị các tướng quốc, công thần được nhân dân phong thần, phong thánh. Chỉ với tám người khiêng nhưng kiệu Bát cống với trọng lượng rất lớn khi đặt trên vai các Hùng Ðô (người khiêng kiệu) vẫn lướt nhẹ như bay băng băng qua mọi chướng ngại vật trên đường kiệu rước thậm chí “bay” qua cả những bức tường cao mà không hề nghiêng đổ. Có lúc kiệu lượn vòng quay tít đưa người xem như vào cõi phiêu bồng. Phóng viên báo SK&ÐS đã tham dự lễ rước kiệu tại đình Xá, xã Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội - nơi thờ “tam vị tướng quân” của Phù Ðổng Thiên Vương.
Chuẩn bị kỹ càng mỗi kiệu thánh trước lễ rước. |
Các cụ cao tuổi trong làng kể lại: “Theo thần phả, thần tích còn lưu lại hội làng đình Xá, Chúc Sơn là nơi thờ 3 vị tướng cũng là 3 anh em đã cùng Phù Đổng Thiên Vương dẹp loạn giặc Ân - thời Hùng Vương thứ 6. Sau khi đánh giặc thua tan rã, các ngài đã về Chúc Sơn quy tập dân làng thành lập Phước Chúc Sơn trang (tức xã Chúc Sơn ngày nay) dạy dân cấy cày và nhiều nghề thủ công khác.
Luôn có người đi đầu hướng kiệu theo tiếng trống. |
Sau khi các ngài quy hóa dân làng đã lập đình thờ 3 vị tại 3 nơi trong cùng xã Chúc Sơn: đình Xá (thờ chung 3 vị thánh), đình Nội (thờ thánh cả), đình Bé (thờ thánh hai và thánh ba). Lễ rước các thánh được dân làng tổ chức 5 năm 2 lần kéo dài trong 3 ngày từ 11 đến 13 tháng Giêng (âm lịch).
Kieu thánh cả luôn di chuyển điềm đạm, khoan thai. |
Kiệu rước được dân làng chuẩn bị rất công phu cẩn trọng, kiêng kị kiệu bị vấy bẩn. Riêng với lực lượng Hùng Đô được tuyển chọn kỹ càng: phải là những thanh niên, trai tráng khỏe mạnh, không trở tang trong năm rước kiệu. Họ phải cách ly gia đình 7 ngày trước ngày nhập hội khiêng kiệu, được tắm bằng nước gừng, nước sả, ăn uống cấm kỵ món thịt chó, thịt trâu, bò…
Kiệu Thánh Hai lúc nào cũng lăng xăng, quay tròn. |
Lễ hội làng đình Xá thu hút rất đông khách thập phương tới dự chính bởi lễ rước kiệu 3 đức thánh về nhập cung (3 anh em về gặp nhau tại đình Xá hoặc đình Nội) luôn xuất hiện hiện tượng kiệu “bay”, hay “quay tít”. Chỉ nhìn vào bước đi của kiệu người dự hội có thể phân biệt đâu là kiệu Thánh Cả, Thánh Hai và Thánh Ba (kiệu cậu út).
Giây phút ba kiệu thánh (ba anh em) sum họp tại đình trong lễ hội. |
Bởi kiệu Thánh Cả (phủ áo màu đỏ) di chuyển rất điềm tĩnh, khoan thai, khi băng đồng thì vùn vụt… còn kiệu Thánh Hai và Thánh Ba thể hiện rõ tính hiếu động (nhất là kiệu Thánh Út phủ áo màu xanh lam) luôn chạy lăng xăng, nghiêng ngả, quay tít đôi khi kiệu bay vọt cả bức tường cao. Đội quân Hùng Đô dù vác trên vai khối kiệu gỗ lớn rất nặng quay quắt, chạy đi chạy lại trong hàng tiếng đồng hồ song không tỏ ra mệt mỏi trái lại tất cả đều rất hồ hởi, tươi vui.
Quân kiệu vọt lẹ qua bức tường gần 1m với kiệu thánh trên vai. Đội Hùng Đô luôn chạy quay cùng kiệu thánh. Kiệu hai thánh gặp nhau tại thủy đình sau khi băng qua cây cầu hẹp. Người dân nô nức xem lễ rước kiệu. |
Phóng sự ảnh: Văn Hậu