Phiền toái khi răng... nhạy cảm

21-12-2020 14:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Răng nhạy cảm là có cảm giác ê buốt khi ăn một số thức ăn ngọt, chua, nóng, lạnh,... thậm chí hít thở trong điều kiện không khí lạnh cũng có thể khiến bạn bị ê buốt chân răng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới răng nhạy cảm và gây ra nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống.

Răng có cấu tạo gồm 3 phần: men răng, ngà răng và tuỷ răng. Trong điều kiện bình thường, ngà răng được bao phủ bởi men răng nhưng vì nhiều lý do, lớp men bao phủ này bị mài mòn, khả năng bảo vệ ngà răng suy giảm. Lúc này các ống thần kinh phải tiếp xúc trực tiếp với đồ uống và thức ăn nóng, lạnh, gây kích thích dây thần kinh, tạo ra những cơn ê buốt hay còn gọi là hiện tượng quá cảm ngà.

Nhạy cảm ngà, hay nhạy cảm răng, là một vấn đề nha khoa phổ biến. Tình trạng này có thể tiến triển theo thời gian, và nó là kết quả của các vấn đề thường gặp như tụt nướu và mòn men răng, xảy ra hầu hết ở bệnh nhân thuộc độ tuổi từ 20-50 tuổi. Răng nhạy cảm bắt đầu hình thành khi phần 'ngà' mềm hơn nằm ở bên trong răng bị ăn mòn. Phần ngà nằm dưới lớp men và nướu răng. Hàng ngàn kênh dẫn truyền cực nhỏ chạy qua ngà hướng đến phần trung tâm răng. Một khi ngà răng bị ăn mòn, các tác nhân bên ngoài (như đồ uống lạnh) có thể kích thích các dây thần kinh bên trong răng và kết quả là tạo ra cơn đau buốt ngắn và nhói cho răng nhạy cảm.

Răng nhạy cảm hình thành khi phần ngà răng bị ăn mòn.

Răng nhạy cảm hình thành khi phần ngà răng bị ăn mòn.

Vì sao răng trở nên nhạy cảm?

Tình trạng răng nhạy cảm gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới răng nhạy cảm bao gồm:

Tụt nướu: Chân răng được bao bọc bởi các mô nướu. Tuy nhiên, nếu như bị bệnh nha chu, nướu có thể bị tụt và lộ ra lớp ngà nhạy cảm. Do đó, khi gặp phải tình trạng tụt nướu thì cần đến gặp bác sĩ nha khoa để có những lời khuyên và được can thiệp kịp thời.

Răng bị vỡ, nứt: Nhai đá, cắn kẹo cứng, hay tai nạn va đập có thể dẫn đến mẻ hoặc nứt răng. Khi một chiếc răng bị nứt, các đầu mút dây thần kinh bên trong sẽ bị kích thích khi ăn nhai. Ngoài ra, vết nứt cũng là nơi chứa vi khuẩn gây viêm nhiễm, khiến răng bị đau buốt.

Sâu răng: Sâu răng tạo ra các lỗ sâu trên răng, khi lỗ sâu vào tủy làm lộ các đầu mút dây thần kinh trong tủy răng. Từ đó khiến răng dễ bị ê buốt. Cách tốt nhất trong trường hợp này là hãy giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt, ăn uống đúng cách và nên đến nha sĩ kiểm tra răng định kì.

Nghiến răng: Mặc dù men răng là mô cứng nhất trong cơ thể, nhưng theo thời gian men răng cũng có thể bị mòn đi vì những thói quen mà nhiều người tưởng chừng vô hại ví dụ như nghiến răng. Vì vậy hãy hạn chế những hành động này để tránh làm răng bị ê buốt.

Thực phẩm chứa acid: Việc thường xuyên ăn những loại thực phẩm có hàm lượng axit cao như cam quýt, cóc, xoài, cà chua, dưa chua hay trà... có thể gây xói mòn men răng.

Lông bàn chải đánh răng cứng: Nếu đánh răng mạnh hay sử dụng các bàn chải quá cứng thì nướu có thể bị tổn thương và lộ ra lớp ngà. Từ đó, răng bị ê buốt khi ăn uống, đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.

Làm thế nào để phòng tránh răng nhạy cảm?

Để làm giảm các nguy cơ răng bị ê buốt thì việc giữ gìn vệ sinh răng miệng là rất quan trọng để có thể ngăn ngừa bị lộ ngà cũng như là các bệnh nha chu.

Chải răng đúng cách đồng thời sử dụng các loại kem đánh răng có độ mài mòn thấp nhằm làm giảm nguy cơ mắc phải hiện tượng răng ê buốt. Chải răng bằng nước ấm khoảng 30-40 độ C có thể hạn chế ê buốt răng. Bên cạnh đó một chế độ ăn hạn chế chứa acid cũng giúp phòng ngừa hiện tượng răng ê buốt.

Răng nhạy cảm khiến cho người bệnh có cảm giác khó chịu, đau buốt, do đó khi thấy có những vấn đề bất thường về răng lợi, cần đến ngay các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám và can thiệp kịp thời.


BS. Minh Nghĩa
Ý kiến của bạn