"Phiên tòa giả định" với vụ án "Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi" do đoàn viên thanh niên CLB Tuổi trẻ và pháp luật TP Hòa Bình thực hiện. Với tình tiết dựa theo một vụ án có thật (tên các nhân vật đã được thay đổi): Vàng A Páo 18 tuổi, yêu Mùa Thị Mỷ 15 tuổi. Cả hai nhiều lần quan hệ tình dục tự nguyện với nhau tại nương trồng ngô của nhà A Páo ở trên đồi. Thời điểm cả hai quan hệ tình dục, Mùa Thị Mỷ ở độ tuổi từ 15 tuổi 02 tháng - 15 tuổi 03 tháng.
Sau nhiều lần quan hệ tình dục, Mỷ đã mang thai và đã nói cho A Páo biết mình đã có thai nên gia đình Páo tới đón Mỷ về nhà mình ở theo phong tục địa phương. Khi Mỷ đi làm Căn cước công dân thì cán bộ Công an xã phát hiện thời điểm Mỷ sinh bé Vàng Anh Quân khi Mỷ mới 16 tuổi 26 ngày.
Như vậy Mỷ quan hệ tình dục và mang thai ở thời điểm dưới 16 tuổi nên Công an xã Bắc Sơn đã lập biên bản sự việc, tiến hành xác minh ban đầu rồi chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Bắc để giải quyết theo quy định.
Kết quả giám định ADN kết luận, Vàng A Páo có quan hệ huyết thống bố - con với Vàng Anh Quân. Mùa Thị Mỷ có quan hệ huyết thống mẹ - con với Vàng Anh Quân. A Páo bị truy tố và đưa ra xét xử về hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần và làm nạn nhân có thai, khung hình phạt từ 03 - 10 năm tù.
"Phiên tòa giả định" diễn ra đúng trình tự như một phiên tòa thật, từ quá trình xét hỏi, tranh luận đến tuyên án. Qua đó, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về tội xâm hại tình dục trẻ em.
Chương trình truyền thông phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em qua hình thức "Phiên tòa giả định" là hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi các hoạt động thực hiện mục tiêu của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) của tỉnh Hòa Bình năm 2023.
Thông qua việc truyền thông, tư vấn pháp luật gắn với phiên tòa giả định về phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em nhằm mục đích tạo nên một chiến dịch truyền thông rộng rãi, lan tỏa về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của các cá nhân, gia đình, cộng đồng, các cơ quan, tổ chức trong việc tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em được bảo đảm phát triển một cách toàn diện, thúc đẩy thực hiện hiệu quả, thực chất vấn đề bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Xem thêm video đang được quan tâm
Đào tạo cô đỡ thôn bản - Khó khăn và thách thức