Hà Nội

Phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến về 5 dự án luật và nhiều vấn đề quan trọng khác

13-03-2019 13:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa khai mạc Phiên họp thứ 32.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước;  dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Kiến trúc; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật Thư viện và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời xem xét thông qua nhiều vấn đề quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Theo Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày, 3 năm triển khai thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước đã phát sinh nhiều vấn đề mới cần giải quyết như phạm vi, đối tượng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống pháp luật chưa bảo đảm sự tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với các luật khác có liên quan; vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra... Vì vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết.

Trong lần sửa đổi này, dự án Luật đã tạo cơ sở pháp lý cho tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân (đơn vị được kiểm toán hoặc tổ chức có liên quan) đều có quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán. Cụ thể, sửa đổi lại Điều 7 theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý tài chính công, tài sản công.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, trong số 18 nội dung thì chỉ có 5 nội dung Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với dự thảo luật, 2 nội dung đề nghị chỉnh sửa lại; 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến chưa đồng tình vì không thực sự cần thiết hoặc chưa bảo đảm công bằng, đề nghị giữ như luật hiện hành. Hơn nữa nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung thể hiện trong dự thảo luật chưa nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành liên quan. Đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại dự thảo Luật theo hướng chỉ đề xuất những nội dung thực sự cần thiết, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động để tránh chồng chéo với cơ quan thanh tra theo tinh thần Nghị quyết số 18 - NQ/TW.

Yêu cầu phải sửa đổi Luật Dân quân tự vệ

Tiếp tục Phiên họp, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Theo Tờ trình dự án Luật do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày, Luật Dân quân tự vệ (DQTV) sau hơn 9 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến DQTV chưa được thể chế và cụ thể hóa trong luật. Một số quy định của Luật chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến DQTV chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập về xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV... Từ đây, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật DQTV.

Mục đích sửa đổi Luật là, xây dựng DQTV vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh, cùng với Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật DQTV năm 2009 với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Một số ý kiến đánh giá, nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng về tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương; giải quyết hài hòa, hợp lý giữa việc xây dựng DQTV vững mạnh, rộng khắp với “chú trọng nâng cao chất lượng ở vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh và những địa bàn phức tạp”, phải thực sự tinh gọn về tổ chức, thiết thực, hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực; bám sát tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Hải Vũ
Ý kiến của bạn