Hà Nội

Phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Nóng” vấn đề phòng chống tham nhũng, tội phạm

23-09-2016 09:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại Phiên họp thứ 3 (vừa bế mạc sáng ngày 22/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2016 về công tác phòng...

Tại Phiên họp thứ 3 (vừa bế mạc sáng ngày 22/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2016 về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật… Theo đó, một số vấn đề liên quan đến những hạn chế trong chống tham nhũng; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp đã được nêu ra thảo luận.

Chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tham nhũng

Tại phiên họp, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá đầy đủ tình hình tham nhũng ở nước ta. Tuy nhiên, công tác tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu; việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự trong xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn diễn ra; số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít và tiếp tục giảm, chưa tương xứng với diễn biến tình hình tham nhũng hiện nay... Cụ thể, trong 3 năm gần đây, số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần; hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng công tác tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu.

Đặc biệt, mặc dù trong báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa chỉ rõ được địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Cụ thể, trong nhiều năm qua, các báo cáo về vấn đề này của Chính phủ vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm với chính quyền, đưa ra những đánh giá chung chung như: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”... mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng nêu trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, để gỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực của đất nước, kiên quyết loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân;... Bên cạnh đó, yêu cầu Chính phủ có đánh giá, giải trình về việc phát hiện tham nhũng giảm trong những năm gần đây, trong khi tình trạng tham nhũng vẫn còn đang diễn biến rất nghiêm trọng; phân định rạch ròi giữa trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân để tránh khi xảy ra án tham nhũng thì không quy được trách nhiệm, chỉ rõ cá nhân, tổ chức nào làm tốt hay chưa tốt...

Tình hình vi phạm pháp luật trên cả nước diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số địa bàn trọng điểm vẫn còn diễn biến phức tạp; vi phạm trong cấp phép, xuất bản, in ấn xảy ra nhiều hơn; an ninh an toàn mạng tiếp tục bị đe dọa; số vụ giết người tăng cao;...

Cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2016, Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra một số vấn đề đáng quan tâm. Đó là tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý là đã xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, xã hội. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng đã đến mức báo động. Đáng chú ý, số vụ giết người thân trong gia đình tăng mạnh với thủ đoạn dã man, tàn ác, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tội phạm ma túy tiếp tục tăng cả về số vụ và số bị can, số lượng thu giữ.

Về công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ phát hiện tội trộm cắp, cướp giật còn thấp; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài chính ngân hàng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp nhưng số vụ phát hiện còn ít. Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ kiểm tra, rà soát các dự án kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong tất cả các khâu từ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho đến thẩm định, thực hiện trên thực tế, nhất là các dự án ven sông, ven biển, các dự án mà báo chí và cử tri phản ánh.

Ngày 22/9, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật về hội và bế mạc phiên họp.


Hải Phong
Ý kiến của bạn