Chưa thông qua Dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường
Nhận được nhiều ý kiến nhất là việc tăng kịch trần thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với hai mặt hàng xăng, dầu. Trong đó, xăng được đề xuất tăng từ 3.000 đồng lên mức trần 4.000 đồng/lít, dầu tăng từ 1.500 đồng lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đối với xăng, dầu có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4% và để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Do đó, cơ quan này kiến nghị cần cân nhắc việc tăng thuế suất thuế BVMT đối với xăng.
Thảo luận tại phiên họp, đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề tăng thuế BVMT đối với xăng dầu lên kịch khung. Một trong những lo ngại được nêu ra là ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, hiệu ứng xã hội...
Các đại biểu dự phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu tác động một chút đến lạm phát, nhưng lại có nguồn thu để chi cho nhiệm vụ BVMT thì cũng cần thiết. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến việc tăng cơ học, tăng thuế lại dẫn đến tăng giá. Khắc phục điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bản thân các doanh nghiệp xăng, dầu phải có giải pháp để tiết giảm chi phí, hạn chế thất thoát, làm sao để việc điều chỉnh thuế nhưng không làm tăng giá xăng, dầu, hạn chế tác động đến xã hội. Cần phải quy định vấn đề này vào trong nghị quyết. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa thông qua dự thảo nghị quyết về Biểu thuế BVMT.
Khắc phục tình trạng đóng dấu mật vào danh mục bí mật Nhà nước
Phát biểu tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước mới có nhiều thay đổi cả về quy trình và thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể được làm rõ hơn, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo tương đối phù hợp. Một số ý kiến đề nghị phải rà soát kỹ thẩm quyền, cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập danh mục để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; cần đánh giá kỹ việc Thủ tướng Chính phủ ban hành cả danh mục thông tin mật có cần thiết, khả thi; nghiên cứu làm rõ việc quy định quyết định ban hành danh mục là văn bản quy phạm pháp luật có đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, nếu đặt ra yêu cầu chi tiết là luật này phải quy định Văn phòng Quốc hội quy định cái gì là tối mật, tuyệt mật, mật; cùng với đó là mỗi bộ, ngành, mỗi địa phương, mỗi cơ quan cũng đều xác định cái gì là tối mật, tuyệt mật và mật thì luật này không thể quy định được, không biết bao nhiêu năm mới quy định được. Cho nên, vẫn phải quy định ủy quyền cho Chính phủ, cho Thủ tướng, các cấp có thẩm quyền quy định chi tiết danh mục từng cơ quan, từng ngành, nghề, phải có thời hạn chuyển tiếp và đưa luật này vào cuộc sống.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chia sẻ, rất phổ biến hiện nay danh mục bí mật Nhà nước lại đem đóng dấu mật vào, trong khi danh mục bí mật Nhà nước chỉ là tên. Ví dụ thông tin về kinh tế chưa công bố trong lĩnh vực kế hoạch 5 năm là mật; thông tin về vấn đề nhân sự của lãnh đạo bộ, chuẩn bị bầu cử là tối mật. Danh sách đó ta hình dung như hàng rào, đã là hàng rào thì phải công khai thì người ta mới biết đấy là hàng rào để người ta không vượt qua. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị phải khắc phục tình trạng này.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban Soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới.