Phiên họp thứ 22 của UBTV Quốc hội: Đổi mới chất vấn, tăng cường tương tác, đối thoại

21-03-2018 06:58 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh thí điểm áp dụng theo phương pháp chất vấn - trả lời ngay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với tinh thần không ngừng đổi mới, UBTVQH đã thực hiện thí điểm một số cải tiến về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này. Qua đó tạo được sự tương tác nhiều hơn, sự đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề được chất vấn và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn. Trong phiên chất vấn này, nhiều đại biểu chất vấn và cách chất vấn ngắn gọn, không trùng ý. Bộ trưởng trả lời trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề và không mất nhiều thời giờ để ghi chép câu hỏi hoặc khi trả lời không bỏ sót câu hỏi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc thí điểm này sẽ được tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm và có thể làm căn cứ để báo cáo Quốc hội cho tiếp tục đổi mới để thực hiện tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Trước đó, tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đặt ra vấn đề về “lợi ích nhóm” trong soạn thảo văn bản pháp luật, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, khái quát thành lợi ích nhóm thì hơi nặng, song thừa nhận hiện nay một số cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này hay cách khác vẫn có sự thiên vị, giành phần lợi hơn cho bộ, ngành mình. Theo đó, có 4 biểu hiện cục bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật, gồm: các quy định về quỹ tài chính, tổ chức bộ máy, chế độ chính sách và một số điều kiện gia nhập thị trường sản xuất kinh doanh trong các đạo luật không phải chuyên ngành.

Tại phiên chất vấn, nhiều ĐB đặt câu hỏi liên quan tới chất lượng và tiến độ các dự án luật Chính phủ trình Quốc hội mà Bộ Tư pháp là người “gác cửa”. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thẳng thắn: Trong thời gian qua, nhiều dự án luật phải thay đổi, dời, thậm chí đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. Hiện tượng này lặp đi lặp lại khá nhiều lần, tồn tại trong nhiều năm. Trách nhiệm thuộc về ai?

Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận có tình trạng xin rút, xin lùi và điều chỉnh chương trình xây dựng luật và pháp lệnh hằng năm, dù Chính phủ đã rất cố gắng. Theo ông Long, có nhiều nguyên nhân như cơ quan soạn thảo chưa lường hết được các vấn đề phát sinh, số lượng các dự án luật quá nhiều, không đủ thời gian, vật chất để thực hiện... Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là lãnh đạo một số cơ quan, bộ ngành vẫn chưa thực sự chú trọng tới công tác này.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Bộ trưởng cho biết số tiền chi cho các đề tài khoa học công nghệ là bao nhiêu và đánh giá hiệu quả của những đề tài này. “Có hay không tình trạng đề tài khoa học “bỏ ngăn tủ”, nghĩa là nghiên cứu chỉ để nghiên cứu chứ chẳng có tác dụng gì trong thực tế?”, ĐB Thắng chất vấn.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, những đề tài “bỏ ngăn kéo” là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, vì nhìn một cách tổng thể và thấu đáo, việc chậm ứng dụng, chậm đưa vào cuộc sống các kết quả nghiên cứu khoa học là một sự lãng phí. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, trong khoa học phải có độ trễ, có rủi ro, có nghiên cứu cơ bản phục vụ mục tiêu công ích, đồng thời khẳng định Bộ đang tập trung rà soát, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu khoa học công nghệ để giải quyết một cách hệ thống vấn đề nêu trên.


H. Phong
Ý kiến của bạn