Phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ tiếp thu, lắng nghe, tiếp tục xử lý các vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương đề nghị. Đồng thời nêu ra một số nút thắt cần tháo gỡ, tập trung khắc phục sớm tồn tại, khuyết điểm trong thực tiễn điều hành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.
Quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không đặt vấn đề tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng số lượng đi liền với chất lượng. Phải tìm ra dư địa tăng trưởng trong các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu... Chúng ta đã đạt một số thành quả trong 6 tháng, sức khỏe nền kinh tế khá hơn, các tiêu chí của nền kinh tế tốt hơn, xu hướng kinh doanh tăng. Nhưng để đạt mức tăng trưởng 6,7% cả năm 2017 thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức trên 7,4%, là con số rất cao, rất khó khăn, thách thức. Do đó, không thể chủ quan, nếu không quyết liệt thì khó thành công.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017.
Để đạt được mục tiêu cả năm, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ đạo quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng cho rằng, nút thắt của tăng trưởng vẫn là thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư xây dựng. Giải ngân trong tháng 7 mới đạt gần 30% kế hoạch... Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, không để khoảng trống pháp lý, quy định chồng chéo, không hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh trong phạm vi luật cho phép. Phải chuyển động hệ thống từ Trung ương đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân tốt hơn, giải quyết nhanh mọi thủ tục để giải phóng sức sản xuất. Cải cách hành chính phải nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt, cụ thể, sát thực tiễn, không ngồi chờ báo cáo. Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN...
Điều tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trong bệnh viện
Về chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, thực hiện các giải pháp hiệu quả không để trẻ em đuối nước trong dịp hè này. Phát triển du lịch đi liền với chấn chỉnh công tác quản lý, nhất là nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phục vụ, các lễ hội truyền thống. “Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, tai nạn đáng tiếc xảy ra, cần rà soát chấn chỉnh, bảo đảm an toàn tính mạng người dân. Xử lý nghiêm các vi phạm như phá rừng, cát tặc, vi phạm trong thực hiện chính sách đóng tàu vỏ thép gây thiệt hại cho người dân. Tiếp tục phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bệnh phô trương, hình thức.
Giải quyết tốt hơn nữa tình trạng quá tải bệnh viện, tăng cường phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết. Bộ Công an và Bộ Y tế phối hợp để bảo vệ an toàn các bệnh viện, phải điều tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trong bệnh viện xảy ra ở nhiều địa phương thời gian qua. Chú trọng khắc phục bất cập trong đầu tư trang thiết bị y tế, quản lý dược, chấn chỉnh trong toàn ngành các sai sót trong khám chữa bệnh đang diễn ra ở một số nơi...
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ, hiện đang thanh tra, kết luận một số vụ việc tiêu cực thì cần làm nghiêm túc, đến nơi đến chốn, không đánh trống bỏ dùi. “Cần phải nêu cao trách nhiệm cá nhân trong điều hành, chỉ đạo, cần quyết liệt, cụ thể hơn, kiểm tra, kiểm soát tốt hơn, giữ vững kỷ cương, kỷ luật” - Thủ tướng nói.
Sáng 4/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiếp tục họp phiên thường kỳ tháng 6/2017, tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật. Chính phủ đã nghe báo cáo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, quy hoạch. Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng thể chế, luật pháp là vấn đề quan trọng. Nhưng nếu thể chế cứ ràng buộc, không tạo điều kiện theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thì xã hội không phát triển được. Xung quanh các quy định về đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh “tạo sự thông thoáng trong thương mại” là yêu cầu rất lớn hiện nay. Cái gì liên quan đến đất đai, sản xuất, kinh doanh mà còn ràng buộc thì cần phải sửa để tạo điều kiện, gỡ vướng cho sản xuất...
Yêu cầu công bố chất lượng hải sản tầng đáy
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong vòng nửa tháng nữa, ngành y tế phải họp báo công bố công khai các chỉ số tầng đáy của hải sản 4 tỉnh miền Trung vì đây là vấn đề liên quan đến đời sống người dân, môi trường, kinh tế. Trước đó, trong phần phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, sau sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, cơ quan chức năng đã thực giám sát và thấy rằng chất lượng hải sản tầng nước mặt và tầng trung đã an toàn. Riêng với hải sản tầng đáy, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đã phối hợp với một số chuyên gia quốc tế giám sát chặt chẽ, sử dụng phương pháp lấy mẫu đối chứng để kiểm nghiệm. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu hải sản tại 3 tỉnh không bị ảnh hưởng trong sự cố là Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu để kiểm tra với hải sản tầng đáy 4 tỉnh miền Trung. Kết quả cho thấy, các mẫu đối chứng đã giống nhau về các chỉ tiêu, riêng mẫu ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh còn chỉ tiêu phenol cao hơn. Theo Thứ trưởng, khu vực Kỳ Anh có thể ở khu vực đầu ra của Formosa nên ngành y tế sẽ thực hiện kiểm tra thêm. Nếu chỉ tiêu giống nhau ở tất cả các mẫu, cơ quan chức năng sẽ công bố hải sản tầng đáy tại các tỉnh miền Trung đảm bảo an toàn.
Phải xử lý cả cơ quan chủ quản khi tòa soạn báo trực thuộc vi phạm
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn, hiện công tác quản lý báo chí trực thuộc tại các ngành, hiệp hội vẫn chưa được chặt chẽ, do vậy Bộ TT&TT đề nghị, khi phóng viên vi phạm trong quá trình tác nghiệp, ngoài việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo tòa soạn báo thì cần xử lý cả cơ quan chủ quản của tờ báo đó khi vụ việc ở mức nghiêm trọng. Qua vụ việc của nhà báo Lê Duy Phong bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cảnh báo hiện tượng một số phóng viên câu kết thành nhóm để “đánh hội đồng” nhằm trục lợi. Cùng đó, thực trạng “sáng đăng báo, trưa gặp gỡ doanh nghiệp rồi chiều gỡ bài” vẫn còn tồn tại ở một số báo.
Trước ý kiến đưa ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT&TT tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về báo chí, đồng thời xử lý nghiêm khi phát hiện tình trạng tiêu cực trong báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cần tăng cường công tác quản lý các tờ báo trực thuộc ngành.