Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí. |
Kết quả này được NHNN giải thích là mình chỉ “bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá”. Giá cả trên thị trường là do quan hệ cung cầu quyết định, cầu cao hơn giá sẽ tăng và ngược lại. Bình ổn thị trường là làm thu hẹp khoảng cách cung – cầu hiện được cho là cung thấp hơn, nếu làm tốt thì đương nhiên sẽ khiến cho giá hạ. Lập luận của NHNN thật phi kinh tế. Hơn nữa, không ai trông chờ NHNN làm cho vàng miếng đại hạ giá, mục tiêu lớn nhất của bình ổn là làm cho giá trong nước không quá chênh lệch với giá thế giới. Thời gian qua, NHNN càng hành động, khoảng cách này càng lớn, hệ quả của phiên đấu giá hôm qua là bằng chứng mới nhất.
Xâu chuỗi những hành động ấy, như độc quyền vàng miếng SJC, không nhất quán chính sách đối với vàng phi SJC, hạn chế liên thông thị trường trong và ngoài nước..., có thể thấy NHNN đã và đang thâu tóm quyền lực cung về phía mình. Và, khi đã trong vai nhà cung cấp khổng lồ, bằng cách ấn định giá sàn như hôm qua, NHNN không chỉ thu được lợi cho mình mà còn bắn tín hiệu tiêu cực khiến thị trường phản ứng tăng lên. Nếu cứ theo vòng xoáy làm giá này, người thu lợi cuối cùng sẽ là NHNN. Tất nhiên, quyết định ra giá không phải “để bù bỗ cho ai” như đại diện lãnh đạo NHNN nói nhưng “đảm bảo lợi ích của Nhà nước” cũng không thể hy sinh lợi ích của việc bình ổn thị trường mà đằng sau đó là sự chờ đợi của bao người dân, doanh nghiệp. Thật ra, NHNN đã có cơ hội bình ổn thị trường – bình ổn giá trong phạm vi nội địa, khi trước hôm diễn ra việc đấu giá, thị trường đã phản ứng xuống, nó chỉ tăng lên và tăng cao sau khi biết giá sàn. Câu hỏi về việc xác định giá sàn (tiêu chí, cách thức…) một lần nữa lại được đặt ra sau thực tế nhãn tiền này, liệu vấn đề là nằm ở khâu nghiệp vụ hay động cơ?