Trong khi trên thị trường sâm Ngọc Linh thực giả lẫn lộn, phiên chợ chính là nơi bán sâm thật, khách mua an tâm để lựa chọn. Phiên chợ còn gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, vùng cao tỉnh Quảng Nam, thể hiện khát vọng làm giàu từ cây sâm bản địa.
Sâm Ngọc Linh đã có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, nó chứa đến 52 hợp chất saponin, là 1 trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới.
Chiêm ngưỡng một củ sâm Ngọc Linh đẹp, nhiều năm tuổi
Những năm gần đây và nhất là khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) thì công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh ngày càng phát triển mạnh; các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt, đem lại nhiều kết quả quan trọng. Số hộ trồng sâm không ngừng tăng lên; đã di thực sang trồng tại một số địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng; giá cả cây sâm Ngọc Linh tăng lên theo giá trị thực của thị trường; các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm. Nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc vùng trồng sâm được nâng lên, người dân đã biết bảo vệ rừng, phục hồi rừng để trồng sâm. Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh và ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định sâm Ngọc Linh là Sản phẩm Quốc gia.
Cây sâm làm giống cũng được giới thiệu
Uỷ ban Nhân dân huyện Nam Trà My tổ chức phiên chợ sâm núi Ngọc Linh từ ngày 1 - 3 hằng tháng tại trung tâm huyện. Phiên thứ nhất (tổ chức vào tháng 10/2017) với khoảng 20 gian hàng về sâm và 30 gian hàng các mặt hàng nông, lâm thổ sản khác. Số củ sâm bán được 45 - 50kg, thu hơn 4,5 tỉ đồng, với hơn 7.000 lượt người tham quan, mua sắm.
Cây sâm được bảo bọc như báu vật
Phiên chợ Sâm Ngọc Linh lần thứ 2 (tổ chức mới đây 1 - 3/11/2017),có 10 gian hàng trưng bày, giới thiệu cây sâm Ngọc Linh do 15 hộ trồng sâm tại 6 chốt có sản phẩm sâm củ của xã Trà Linh tham gia trưng bày và bán tại phiên chợ; hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh như: sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu. Có 10 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh, quế, dược liệu; 10 xã trên địa bàn huyện tham gia. Trong những ngày diễn ra phiên chợ có khoảng 1.200 lượt người đến tham quan, mua sắm (do thời tiết mưa, nên số lượng khách đến tham quan mua bán giảm hơn so với phiên chợ đầu tiên), với doanh thu thống kê được trên 3,1 tỉ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được 35kg, thu về trên 2,8 tỉ đồng.
Tại chợ, hàng đêm có trên 500 lượt người dân đến xem biểu diễn văn nghệ và sinh hoạt cộng đồng.
Nâng niu củ sâm và nhìn ngắm
Tác giả Hồ Quang Bửu (bìa phải, Chủ tịch huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) mua dược liệu tại chợ phiên
Sâm được bày bán như các loại rau củ trong chợ chồm hổm truyền thống
Sâm trong bình rượu thủy tinh khổng lồ