Tại tòa, Huỳnh Thị Huyền Như thừa nhận còn chiếm đoạt của các đơn vị cá nhân hơn 3.900 tỷ đồng nhưng tất cả tài sản còn lại của bị cáo đều đã bị kê biên với tổng trị giá hơn 200 tỷ đồng. Vậy hàng ngàn tỷ đồng Như chiếm đoạt đã đi đâu? Ai thực sự là người hưởng lợi sau vụ án?
Hối hận muộn màng
Ngày đầu tiên xét hỏi, Huỳnh Thị Huyền Như bị HĐXX thẩm vấn nhiều nhất trong các bị cáo. Đứng trước vành móng ngựa, trả lời câu hỏi của chủ tọa trong nhiều giờ làm việc, giọng nói của Huyền Như vẫn nhỏ nhẹ, đều đều.
Như tự thú nhận vì ham giàu, vì tiền mới đứng ra vay mượn để kinh doanh. Khi bị đòi nợ, là người làm việc trong một ngân hàng, bị cáo không hề muốn mang tai tiếng, không muốn các chủ nợ như Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành đến cơ quan quậy phá hay gây ảnh hưởng đến gia đình nên bị cáo chấp nhận vay tiền của chính những kẻ cho vay nặng lãi để trả cho kẻ cho vay nặng lãi.
Với thái độ thành khẩn, có đoạn Như nhỏ nhẹ như giãi bày: "Bị cáo không hề đưa ra mức 3% đến 5%/ngày nhưng khi chủ nợ đòi tiền bị cáo không có trả họ buộc phải chịu lãi 3 đến 5%/ngày. Lúc đó, bị cáo đang làm việc tại ngân hàng, không muốn tai tiếng, không muốn ảnh hưởng đến gia đình, cũng không muốn tiếp tục dính líu nợ nần nhưng chị Lý nói nếu không trả nợ thì sẽ cho người đập vỡ mặt, bị cáo rất sợ".
Từ đó, Như lao vào con đường lừa đảo hết nơi này đến nơi khác. Khoản tiền chiếm đoạt sau trả cho khoản tiền chiếm đoạt trước...Và niềm an ủi và "tài sản" lớn nhất của Như lúc đó là "niềm hy vọng". Hy vọng bất động sản và chứng khoán có lãi để bị cáo trả nợ nhưng không ngờ "bị cáo càng ngày càng phạm pháp".
Trong phần thẩm vấn buổi chiều, khi bị tòa truy vấn rằng, bị cáo nghĩ gì mà hành động như vậy, giọng nói Như lạc đi: "Bị cáo biết mình làm vậy là sai nghiêm trọng nhưng càng làm càng rối, càng làm lại càng sai. Bị cáo biết mình sai rồi ạ...". Thế nhưng, khi đã phạm pháp và ra đứng trước vành móng ngựa, sự hối hận và tỉnh ngộ ấy của Như trở nên quá muộn.
Về thông tin Như từng có ý định bỏ trốn, bị cáo thừa nhận đã bỏ ra 1,1 triệu USD nhờ một người quen làm thẻ xanh (visa) đi Mỹ nhưng đó chỉ là làm để khi nào cần thì đi du lịch thôi chứ bị cáo không có ý định bỏ trốn.
Lật mặt những kẻ hưởng lợi
Cuối buổi chiều, là những kẻ cho vay nặng lãi, Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành được tòa gọi lên thẩm vấn.
Với các tài liệu thu thập được, cáo trạng kết luận Lý đã cho Như vay tổng cộng 554 tỷ đồng và 340.000 USD. Như đã phải trả cho Lý khoản tiền nhiều hơn gấp đôi, lên tới 1.296 tỷ đồng nhưng Như vẫn còn nợ Lý 216 tỷ và 340.000 USD. Như vậy, có thể thấy một khoản tiền không nhỏ Như đi lừa của người khác đã rơi vào túi Lý.
Thế nhưng, tại tòa Lý vẫn cao giọng: "Bị cáo là người làm ăn có uy tín. Vào thời điểm bị cáo chưa lấy chồng, chân yếu tay mềm như bị cáo không thể có chuyện đe dọa đánh đập như lời khai của Như mà chỉ thông báo cho Như nếu không còn khả năng thanh toán thì tuyên bố phá sản".
Lý còn cho rằng thực tế Như còn nợ mình trên 430 tỷ chứ không phải 216 tỷ như cáo trạng ghi và thực tế Lý "chưa thu đủ vốn" và việc bị cáo bỏ ra một khoản tiền lớn thì việc lấy một mức lãi suất hợp lý là theo quy luật thị trường, không có gì sai cả.
Tương tự, với trường hợp của Lành và Đào Thị Tuyết Dung cũng vậy. Như vay Lành hơn 7.800 tỷ, đã trả hơn 9.000 tỷ nhưng vẫn còn nợ 820 tỷ đồng. Như vay Dung đầu tiên hơn 3 tỷ đồng, đã trả hơn 100 tỷ nhưng vẫn còn nợ hơn 150 tỷ đồng.
Ngoài việc dùng tiền đã chiếm đoạt để trả nợ cho các trùm tín dụng đen, để huy động vốn của các công ty, ngân hàng Như cũng đã phải chi hàng trăm tỷ đồng cho các khoản tiền công môi giới, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng.
Cụ thể, trong quá trình huy động hơn 1.500 tỷ sau đó chiếm đoạt hơn 80 tỷ của Công ty Thái Bình Dương, Như khai đã đưa cho người giới thiệu là Trần Hoàng Trung 30 tỷ đồng tiền lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng.
Vụ huy động vốn rồi chiếm đoạt của Công ty Chứng khoán Saigonbank - Berjaya 210 tỷ đồng, Như khai đã chi cho Vũ Minh Hải khoảng 30 tỷ đồng tiền môi giới nhưng quá trình điều tra Hải chỉ thừa nhận đã nhận 20 tỷ đồng.
Tương tự, vụ lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Như khai đã trả lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng cho Đoàn Đăng Luật - trưởng phòng nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng. Luật chỉ thừa nhận đã nhận gần 9,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp tương tự với khoản chi phí Như bỏ ra lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Như vậy, từ những con số trên có thể thấy Huyền Như là "siêu lừa" nhưng thực chất phía sau vụ án, không hẳn Huyền Như là người hưởng lợi.
Theo M.Phượng