Nếu không đam mê đến sống chết vì môn thể thao này, chẳng mấy ai có thể đủ bản lĩnh để theo đuổi và trở thành những VĐV như: Nguyễn Thị Thiết, Thạch Kim Tuấn hay Hoàng Thị Duyên...
Thắng khó khăn vượt đau đớn nếu như muốn thành một VĐV cử tạ
Da bàn tay thông thường đã chai cứng vì mỗi ngày phải nâng cả tấn tạ. Người không quen sẽ bị phồng rộp, có khi tróc cả da tay chỉ sau một ngày tập luyện. Chưa hết, khi muốn trở thành lực sĩ, các VĐV sẽ phải tuân thủ theo một chế độ ăn uống riêng, không có được bữa cơm gia đình bởi khẩu phần ăn của VĐV hoàn toàn khác người bình thường.
Thực đơn hàng ngày của VĐV không đổi với những món thịt nạc heo, gà, lòng trắng trứng luộc... Lực sĩ ăn rất ít cơm, chủ yếu là thịt luộc rất lạt. Do ăn để luyện tập và thi đấu là một nghĩa vụ nên ai cũng phải cố mà nuốt. Rất nhiều VĐV không đủ kiên nhẫn và niềm đam mê thì sẽ phải bỏ nghề vì không chịu nổi chỉ riêng chuyện ăn uống thế này.
Những giai đoạn phải đốt mỡ, ép cân phục vụ cho hạng cân thi đấu là vô cùng khắc nghiệt và gian nan. Vì đây là một môn thể thao quá nặng nhọc, nên các VĐV đã theo đuổi buộc phải học cách chấp nhận.
Hàng ngày phải thực hiện một khối lượng vận động cực lớn theo giáo án, người đau ê ẩm, đôi bàn tay nhiều khi tê dại, chỉ có thể vượt qua với tinh thần không ngại khó, ngại khổ.
Để bồi bổ cho các khối cơ săn chắc, các đô cử không được phép nạp quá nhiều muối vào cơ thể. Nếu ăn muối nhiều sẽ khiến khối cơ tích trữ nhiều nước hơn, gây nhão cơ và không thể nâng tạ nặng được.
Điều này khiến tất cả các VĐV cử tạ phải thường xuyên ăn phải nhạt, các món nước chấm và các loại mắm thì gần như bị cấm ăn. Tuy nhiên, vì không được phép ăn mặn, thiếu muối nên thường dẫn đến sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, người sẽ dễ ốm hơn người bình thường mỗi khi thay đổi thời tiết.
Thậm chí, những chấn thương hay những vết rách, trầy xước mà các VĐV thường gặp phải cũng lâu lành và lâu bình phục hơn.
Các VĐV thường chọn sử dụng một số loại thuốc bổ trợ để bình phục cơ thể, tuy vậy cũng có rất nhiều trường hợp dùng không thận trọng sẽ vô tình nạp chất bị cấm trong thi đấu vào người, dẫn đến việc thử doping sau thi đấu thành dương tính.
Điều này ít nhiều luôn ảnh hưởng đến tâm lý của các VĐV, quanh năm ngày tháng khổ luyện cực nhọc, đau đớn do các chấn thương gây nên, ăn uống khổ sở và kiêng đủ thứ và lúc nào cũng sợ... dương tính với doping.
Cử tạ: Không gian khổ khó thành công
Một số giáo án tập cử tạ cho người mới bắt đầu, các lò đào tạo ở Mỹ, châu Âu giới thiệu cử tạ là môn thể thao "an toàn nhất thế giới". Họ đưa ra dẫn chứng từ một nghiên cứu chỉ ra trung bình trong hơn 100 ngàn lần nâng tạ của một VĐV chỉ có một vài một lần gây ra chấn thương. Quả thật đây là con số không tưởng, khá phi thực tế.
Chúng ta đã chứng kiến những chấn thương, những nỗi đau về thể xác do tập luyện gây nên của các đô cử Việt Nam và những quốc gia châu Á khác. Điều này đã minh chứng rằng, cử tạ tại các nước châu Á luôn vượt mặt các nước châu Âu hay Mỹ chính là ở tư duy khác biệt trong môn thể thao này.
Những chấn thương, những vết loang lổ ở hai bên phần ngực, những vết hằn đến lõm cả xương quai xanh... Chụp X-quang thì bác sĩ nói xương biến dạng hẳn rồi, vì bị tạ đè nặng nhiều quá. Những hình ảnh đôi tay chai sạn, cùng hai đầu gối quấn băng kín mít và phải tập hồi phục quanh năm là những hình ảnh thường thấy của các VĐV cử tạ của chúng ta.
Điển hình như Thạch Kim Tuấn hay Hoàng Thị Duyên của Việt Nam mới tham dự Olympic Tokyo 2020. Có thể nói cả hai VĐV này đều xuất thân từ gia đình nghèo khó, vất vả quanh năm. Sinh ra ở vùng quê nghèo Bình Thuận trong một gia đình có 4 anh chị em, Kim Tuấn mất mẹ khi anh mới lên 3.
Người chị cả dắt díu đàn em thơ vào TP Hồ Chí Minh lao động kiếm sống, cố gắng dành dụm để có nguồn thu từ bán hàng rong cho các em ăn học. Thấy chị khổ quá, Kim Tuấn bỏ học khi hết lớp 6 để sớm đi làm giúp gia đình.
Có một vài người anh rủ đi tập cử tạ nên Kim Tuấn đi theo, vì nghe nói không mất tiền, lại có thu nhập. Quả thực, những ai không có một xuất thân cơ cực không thể gắn bó với nghiệp cử tạ được.
Có rất nhiều người đã không thể vượt qua được gian khó, khổ luyện để theo nghiệp nâng tạ. Ngay cả người anh trai của Thạch Kim Tuấn cũng là một điển hình khi bỏ dở giữa chừng vì không thể theo đuổi việc tập tạ khó nhọc và vất vả.
Trong khi đó, cô gái dân tộc Giáy tại Lào Cai là Hoàng Thị Duyên lại mang đến một câu chuyện khác. Bố mẹ Duyên quanh năm ngày tháng đồng áng một nắng hai sương.
Sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, bố mẹ có hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ Duyên đã làm đủ thứ việc của con nhà nông.
Bố Duyên chạy xe ôm, còn mẹ cô buôn bán ngoài chợ. Có lẽ vì leo núi nhiều nên chân Duyên to từ bé. Ở đội cử tạ Duyên có biệt danh là "Duyên chân to".
Hoàng Thị Duyên khi đang là học sinh lớp 7 Trường THCS xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) thì HLV Nguyễn Cao Hùng - Phó trưởng phòng đào tạo, huấn luyện kiêm phụ trách môn cử tạ (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Lào Cai) đã thấy được những tố chất tuyệt vời ở cô gái mới 13 tuổi.
Với kinh nghiệm và kiến thức của bản thân, HLV Nguyễn Cao Hùng cho biết là Duyên có dáng người thấp đậm, chân to… và có khả năng chơi được cử tạ. Đó chính là cái duyên của Hoàng Thị Duyên đến với cử tạ, dù lúc đó Duyên chưa có bất cứ một khái niệm gì về môn thể thao này.
Sau khi đã được sơ tuyển, hằng ngày Duyên phải đến trung tâm tập để sau một thời gian thì kiểm tra. Vượt qua vòng kiểm tra này sẽ chính thức vào đội trẻ cử tạ Lào Cai.
Nhà Duyên cách xa trung tâm 6km, muốn đến nơi tập em phải đi bộ qua một quả đồi rất cao, có đạp xe cũng không leo nổi.
Vậy nên hằng ngày sau khi đi học, Duyên giấu bố mẹ đi bộ đến nơi tập tạ, tập xong em lại đi bộ 6km về nhà. Nếu không có cử tạ, giờ đây hẳn Duyên vẫn chỉ biết đến gốc rạ nơi quê nhà.
Sau Olympic Tokyo 2020, cả Tuấn lẫn Duyên đều chọn cách im lặng, không hề lên tiếng hay thanh minh gì cho thất bại của mình. Điều này quả thật là rất đáng quý với một VĐV chuyên nghiệp.
Tất nhiên, sau đây sẽ là sự tiếp tục khổ luyện, quên đi những nỗi buồn và hướng đến một sự thành công trong tương lai. Nhưng có lẽ thành công lớn nhất chính là họ- với tuổi đời còn rất trẻ đã chấp nhận thử thách để trở thành VĐV cử tạ. Đồng nghĩa đối mặt với với khổ luyện, gian khổ và khắc nghiệt, thậm chí là hiểm nguy chờ đón.