Phía sau kỳ tích giành quyền dự World Cup của Futsal nam: Thảm họa bóng “đè” của thể thao Việt

24-02-2016 07:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Việc đội futsal nam giành tấm vé dự World Cup 2016 là một chiến tích lịch sử song cũng không thể che khuất được một thảm cảnh bóng “đè” của TTVN khi các môn bóng...

Việc đội futsal nam giành tấm vé dự World Cup 2016 là một chiến tích lịch sử song cũng không thể che khuất được một thảm cảnh bóng “đè” của TTVN  khi các môn bóng, tập thể thao đều đang chậm tiến và tụt hậu. So ngay với đối thủ cùng khu vực Thái Lan, từ bóng đá, bóng chuyền, cầu lông cho đến tennis, golf, Việt Nam đều đang đi sau một khoảng 10-20 năm.

Khoảng cách ở golf, tennis

Thái Lan đã vượt xa Việt Nam 2 môn đại chúng hàng đầu này đến mức không có gì để đặt ra câu chuyện hơn kém như thế nào hay  bám đuổi. Như golf, trong khi Việt Nam cao nhất mới chỉ đứng hạng 11 SEA Games, Thái  Lan luôn độc chiếm tất cả HCV các kỳ đại hội và vươn lên nhóm hàng đầu châu lục từ lâu. Họ có mấy chục golf thủ chuyên nghiệp có đẳng cấp ngang và vượt Duy Nhất, gương mặt ngoại lệ của làng golf Việt. Người Thái đã tạo nên một hệ thống học viện đào tạo và giải đấu quốc tế trở thành một “điểm đến” quen thuộc của cả châu Á.

Với tennis, xứ chùa Vàng từng đạt tới đỉnh cao nhất khi có một Paradorrn Srichaphan đứng hạng 9 đơn nam thế giới. Và dù đang sa sút nghiêm trọng về “mũi nhọn”, họ vẫn có 5 tay vợt nam lọt vào Top 1.000 ATP, nơi “con độc” Lý Hoàng Nam của Việt Nam hãy còn cách 55 bậc.

Futsal nam là đội duy nhất thuộc các môn bóng tập thể của Việt Nam thành công.

Người Thái có 9 tay vợt như Tiến Minh

Khoảng cách đỉnh và đáy ở golf hay tennis thực ra cũng không phải là một điều gì quá ghê gớm, bởi khác biệt một trời một vực về xuất phát điểm, điều kiện. Phần nào đó phải coi như một sự “lực bất tòng tâm”.

Tuy nhiên, cái thua ở một số môn mà thực tế truyền thống, tiềm năng, nguồn lực không khác nhau nhiều lại rất đáng suy ngẫm, tiêu biểu như cầu lông. Rõ ràng, cầu lông Việt Nam chẳng hề kém cạnh mấy người Thái về phong trào, khả năng đầu tư, nhân tố. Dầu vậy, cả chục năm nay, môn được quan tâm, yêu thích đầu bảng này vẫn chỉ trông cả vào một Tiến Minh, phần nào đó là Vũ Thị Trang.

Hiện tại, Minh đã bước qua sườn dốc bên kia của nghiệp đấu, còn Trang chưa biết đến bao giờ mới lọt được vào Top 30, chứ chưa nói đến nhóm hàng đầu. Trong khi đó, Thái Lan đang sở hữu tới 9 tay vợt thuộc nhiều lứa tuổi, hầu hết hãy còn rất trẻ, giống như Tiến Minh. Nam có Tanongsak hạng 21 thế giới, Boonsak Ponsana hạng 26 và đặc biệt nữ Ratchanok Intanon thứ 5, cùng hai người khác cũng đứng trong Top 20. Có nghĩa là, họ sẽ luôn vững vàng trên đỉnh quốc tế, chứ không phải lo trở về cảnh “tay trắng” như Việt Nam sau khi Tiến Minh.

Nỗi niềm của một Ngọc Hoa hay nhất khu vực

Chính các chuyên gia của bóng chuyền Thái Lan cũng đánh giá họ không có một gương mặt nào xuất sắc như phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa của Việt Nam. Thậm chí, các CLB Thái còn phải chạy đua quyết liệt để có được đội trưởng ĐTVN trong đội hình. Chỉ có điều, qua trường hợp Ngọc Hoa hay nhất Đông Nam Á lại càng phơi bày những điểm yếu chí tử của bóng chuyền nữ Việt Nam trước người Thái. Các ĐTQG được dẫn đầu bởi Ngọc Hoa vẫn cứ luôn thảm bại. Tính riêng SEA Games, Việt Nam đã thua Thái Lan 8 trận chung kết liên tiếp, qua 14 năm đằng đẵng, thậm chí Ngọc Hoa cùng các đồng đội chỉ kiếm được của đối thủ đúng 1 hiệp thắng.

Dù không mạnh như nữ song các cầu thủ nam Thái Lan cũng mới chỉ một lần bị loại khỏi trận chung kết, và đăng quang tới 5 lần. Còn bóng chuyền nam Việt Nam đến 2005 mới giành tấm HCĐ đầu tiên, 2 lần vào tới trận cuối và đều thua. Trong đó, gần nhất, thầy trò Nguyễn Mạnh Hùng đã thất trận 0-3 tâm phục khẩu phục trước người Thái.

Với TTVN, có lẽ thảm họa bóng “đè” còn kéo dài, mà kỳ tích giành quyền dự World Cup của đội futsal nam tại VCK giải châu Á cũng khó có thể tạo nên sự thay đổi gì đáng kể. Bởi chiến thắng trước ĐKVĐ Nhật Bản ở trận bán kết chỉ gói gọi ở một trận đấu và giải đấu cụ thể, chứ không có nghĩa Futsal Việt Nam đã tiến kịp hay vượt người Nhật về nền tảng, diện mạo.

Những con số biết nói

- Bóng chuyền nữ: 8 lần liên tiếp thua Thái Lan tại chung kết SEA Games kể từ 2001 (7 trận thua 0-3, 1 trận thua 1-3).

- Cầu Lông Nam: Việt Nam có duy nhất Tiến Minh đang xếp hạng 38 thế giới, Thái Lan có Tanongsak hạng 21, Boonsak Ponsana hạng 26, Suppanyu Avihingsanong hạng 85.

- Cầu lông nữ: Việt Nam có duy nhất Vũ Thị Trang hạng 55, Thái Lan có Ratchanok Intanon hạng 5, Ongbumrungphan hạng 17, Buranaprasertsuk hạng 21, Jindapon hạng 39, Ketethong hạng 62, Chochuwong hạng 77.

- Tennis nam: Việt Nam chỉ có Lý Hoàng Nam đứng trong top 1.0000 ATP, Thái Lan có Danai Udomchoke hạng 494, Pruchya Isarow hạng 787, Puriwat Chatpatcharoen hạng 894, Phassawit Burapharitta hạng 985.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn