Phía Nam kiên quyết chặn đứng sốt xuất huyết, tay chân miệng

18-05-2014 09:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ trưởng yêu cũng yêu cầu các địa phương phía Nam cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh.

SKĐS - Sau công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về Phòng chống bệnh dịch mùa hè, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc. Ngày 17/5, Hội nghị Khu vực phía Nam đã được tổ chức tại Viện Pasteur TP.HCM.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị.

 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, dịch bệnh mùa hè đang là nguy cơ rất lớn cho hệ thống dự phòng và điều trị. Theo ông Phu hiện một số bệnh dịch nguy hiểm có nguy cơ tràn vào nước ta như Cúm A H7N9, H5N1, viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực Trung Đông - MERS cũng đang báo động. “Cách đây có một trường hợp nghi ngờ MERS là một công dân người Palestin ở BV Việt Pháp nhưng kết quả cho thấy không liên quan đến bệnh này. Các bệnh như bại liệt, sốt rét, thủy đậu, viêm não, bại liệt…cũng phải cảnh giác.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất tại phía Nam là dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Số liệu thống kê cho thấy, lũy tích từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận trên 20.500 ca mắc tay chân miệng trên hầu hết các tỉnh thành trên toàn quốc (2 trường hợp tử vong). Trong 4 tháng đầu năm 2014, bệnh vẫn tập trung cao ở các tỉnh phía Nam với trên 80% (16.473 ca) số ca mắc của cả nước. Nhiều tỉnh có số ca mắc cao hơn cùng kỳ năm 2013 như TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kon Tum, Cà Mau… Theo ông Phu, các típ vi rút TCM ở phía Nam chủ yếu là EV71, chiếm 59,2%. Đây cũng là chủng vi rút chủ yếu gây tử vong trong những năm qua ở khu vực miền Nam. Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết (SXH) cũng đã có hơn 9 ngàn ca mắc trên 42 tỉnh, thành phố và đã có 5 ca tử vong. Cũng như TCM, bệnh SXH có tới 83,8% số ca mắc tập trung ở khu vực phía Nam.

Nhiều Đoàn công tác của Bộ Y tế liên tục kiểm tra tình hình dịch bệnh tại TPHCM trong thời gian vừa qua.

Nhiều Đoàn công tác của Bộ Y tế liên tục kiểm tra tình hình dịch bệnh tại TPHCM trong thời gian vừa qua.

 

Riêng về dịch sởi, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định hiện chưa có sự thay đổi biến chủng vi rút sởi. Chủng gây bệnh sởi ở VN vẫn là chủng thông thường vốn có đó là các chủng H1 và D8, chưa có biến đổi gen. Từ đầu năm đến nay có 4.532 trường hợp mắc sởi xác định trong đó có 20.746 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tập trung ở miền Bắc 60%, còn lại là các vùng khác. Ông Phu cho biết phần lớn trẻ mác dưới 10 tuổi, trong đó trẻ mắc dưới 9 tháng tuổi chiếm 11%, đây là lứa tuổi chưa nằm trong chương trình tiêm vắc- xin sởi. Tuy nhiên hiện dịch sởi đã chửng lại và đang có xu hướng giảm xuống. Có được kết quả này theo ông Phu do mở rộng chiến dịch tiêm vắc- xin sởi ở khắp các tỉnh thành trong thời gian vừa qua.

Về tình hình điều trị, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tại BV Nhi đồng 1 từ đầu năm đến nay tiếp nhận 2.766 ca, ở BV Nhi đồng 2 và BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiếp nhận gần 2 nghìn ca. Dù bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhưng do ban hành phát đồ điều trị kịp thời nên tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể, Cục trưởng Khuê nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các tỉnh chưa có kinh nghiệm về điều trị dịch tay chân miệng phải khẩn trương được tập huấn tại các BV Nhi đồng 1-2 và BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM để có thể điều trị ở địa phương, tránh dồn ứ lên TPHCM gây quá tải. Bộ trưởng chỉ đạo, phải tập trung quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh. Nơi nào thiếu thuốc, thiếu máy thở phải nhanh chóng đề xuất để kịp thời trang bị nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác điều trị dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cộng đồng thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng; kêu gọi các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ tại các trường học, tại các hộ gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh như: ăn chín, uống chín; rửa tay cho mẹ/người chăm sóc trẻ, cho trẻ nhiều lần trong ngày đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh cho trẻ, sau khi chăm sóc trẻ mắc bệnh; làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi của trẻ em bằng nước xà phòng, hoá chất khử khuẩn thông thường.

Cũng như tay chân miệng, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc- xin phòng ngừa, Bộ trưởng cho biết giải pháp chủ yếu hiện nay vẫn là phòng chống bằng cách vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy… Bộ trưởng yêu cũng yêu cầu các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh. Song song với các giải pháp chuyên môn, kỹ thuật trong cả dự phòng và điều trị bệnh, truyền thông sâu sát và chủ động sẽ giúp công tác phòng chống dịch đạt được hiểu quả cao, chặn đứng được sự gia tăng của bệnh tật, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bài ảnh: Tuân Nguyễn

 

 


Ý kiến của bạn