Cuộc đấu trên bàn ngoại giao
Cuộc đấu giữa Mỹ và Triều Tiên dường như đã bước sang một giai đoạn mới, trên bàn ngoại giao, đánh dấu bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng, Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên miễn là nước này muốn đối thoại mà không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Tuyên bố của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy sự chuyển hướng trong chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên.
Mới đây cũng ông Rex Tillerson cho biết, ông đang cân nhắc triệu tập một hội nghị bộ trưởng quốc phòng đa phương nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Có thể thấy Mỹ đang muốn kéo nhiều quốc gia vào “trận đánh” để dùng tiếng nói dư luận quốc tế đứng về phía mình trong cuộc đối đầu với Triều Tiên.
Về phía LHQ, cơ quan này vừa ra nghị quyết trừng phạt mới của LHQ đối với Triều Tiê n- theo đó hạn chế Triều Tiên tiếp cận các nguồn dầu tinh chế, dầu thô cũng như các nguồn tài chính từ những lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Đây được xem là đòn trừng phạt áp lực và khắc nghiệt nhất, phong tỏa hoàn toàn nền kinh tế của nước này, đến mức Bình Nhưỡng gọi đây là hành động chiến tranh của LHQ.
Trong khi Trung Quốc – đồng minh duy nhất của Triều Tiên - không tỏ rõ vai trò của mình trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên thì Nga đang nổi lên như là một nhân tố quan trọng, có thể “can dự” vào cuộc chơi. Các thông tin gần đây cho thấy Moscow đang tăng cường tiếp xúc ngoại giao với Triều Tiên như đưa đoàn nghị sĩ nước này thăm Triều Tiên hoặc mời Triều Tiên tham gia các hội thảo, thậm chí còn ngỏ ý làm trung gian cho các cuộc đàm phán.
Rõ ràng, một cuộc chiến tranh trực diện là không bên nào mong muốn bởi các bên hiểu quá rõ hậu quả mà nó sẽ để lại. Tuy nhiên trên trận chiến ngoại giao, Triều Tiên không có gì đáng kể ngoài vũ khí hạt nhân và tên lửa mang đi đàm phán.
Lựa chọn nào cho Bình Nhưỡng?
Một trong những lựa chọn mà không chỉ Mỹ mà nhiều nước phương Tây trong đó có cả Trung Quốc - đồng minh của Triều Tiên, mong muốn là các bên ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng điều này khó xảy ra bởi mặc dù Ngoại trưởng Mỹ đã “mở đường” cho Bình Nhưỡng nhưng Nhà Trắng lại cho rằng không đàm phán với Bình Nhưỡng nếu nước này không thay đổi cách hành xử. Tổng thống Mỹ D.Trump từng thẳng thừng tuyên bố, ông Tillerson đang phí thời gian khi sử dụng giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trong bản thân nước Mỹ, chính sách với Triều Tiên cũng đang bị “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, thì khả năng có cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Triều Tiên là quá viển vông.
Bên cạnh đó, có một lựa chọn mà một quốc gia như Triều Tiên dễ dàng thực hiện hơn, đó là sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa, từ đó làm “vũ khí” buộc Mỹ và các nước phương Tây phải nhượng bộ, trong đó bao gồm cả các biện pháp nới lỏng trừng phạt. Theo các nhà phân tích chính trị, nhiều khả năng, Bình Nhưỡng sẽ dùng chính các chương trình tên lửa, vũ khí của mình để mặc cả với Mỹ. Triều Tiên sẽ yêu cầu Mỹ, LHQ dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt đang làm nền kinh tế của nước này kiệt quệ, đồng thời cũng không quên yêu cầu “nhổ cái gai” trong mắt Triều Tiên là sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo này. Đổi lại Bình Nhưỡng sẽ đóng băng chương trình hạt nhân hoặc từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nếu lựa chọn thành công, thì mối nguy về chương trình hạt nhân tên lửa của Triều Tiên vẫn còn đó.
Một kịch bản tồi nhất có thể xảy ra là xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Với tình trạng bị dồn ép đến cực điểm, Bình Nhưỡng dễ có những hành động bột phát, liều lĩnh và nguy hiểm. Lựa chọn giải pháp nào không chỉ phụ thuộc vào bản thân Triều Tiên…