Hà Nội

Phì đại tuyến tiền liệt có ảnh hưởng tới chuyện phòng the?

15-07-2019 10:00 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - U phì đại tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp ở nam giới trên 45 tuổi.

Đây là bệnh lành tính không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu không điều trị phì đại tuyến tiền liệt kịp thời có thể gây ra một số biến chứng.

Thế nào là u phì đại tuyến tiền liệt?

Tuyến tiền liệt (TTL) là một tuyến sinh dục của nam giới. TTL nằm phía dưới bàng quang ngay sát dưới cổ bàng quang, sau xương mu và bọc lấy quanh niệu đạo nối với cổ bàng quang. TTL có chức năng chính là tiết ra một chất dịch được hòa với tinh dịch giúp bảo vệ tinh dịch chống lại các tác nhân gây bệnh và có thể sống trong môi trường acid của âm đạo, giúp cho tinh dịch hoạt động dễ dàng hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thụ thai.

U phì đại tuyến tiền liệt (hay u xơ tuyến tiền liệt) không phải là bệnh lý ác tính. Bình thường khi mới sinh, TTL có kích thước bằng hạt đậu Hà Lan, tuyến này tiếp tục phát triển cho đến khi 20 tuổi, có kích thước 15-20g. Giai đoạn tuổi từ 30 - 45 kích thước TTL thường duy trì ổn định khoảng 20g. Giai đoạn từ 45 tuổi trở lên TTL phát triển không ổn định, kích thước dần phình to (gọi là phì đại lành tính TTL). Mức độ phì đại lành tính TTL ở mỗi người khác nhau, bình thường ở mức 20g tăng thêm từ 30-80g, cũng có người từ 100-200g.

Hình ảnh tuyến tiền liệt bị phì đại.

Hình ảnh tuyến tiền liệt bị phì đại.

Nguyên nhân gây phì đại TTL

Bệnh phì đại TTL có thể do một số nguyên nhân sau: Do rối loạn nội tiết tố sinh dục nam testosterone. Do lối sống như: uống ít nước, ăn nhiều chất béo, sử dụng nhiều chất kích thích (thuốc lá, cà phê, rượu, bia...). Những người sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên bị stress, người mắc bệnh đường tiết niệu (viêm bàng quang), đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị phì đại TTL... thì có nguy cơ dễ mắc bệnh phì đại TTL.

Các triệu chứng của phì đại TTL

Khi TTL to gây chèn ép vào niệu đạo gây ra rối loạn tiểu tiện, biểu hiện với hai hội chứng đặc trưng sau:

Hội chứng tắc nghẽn đường tiểu: Biểu hiện đi tiểu không hết bãi, nước tiểu còn ứ đọng trong bàng quang, tiểu tiện phải rặn, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu chảy ra yếu hay nhỏ giọt... Nặng hơn là gây bí tiểu hoàn toàn, cầu bàng quang.

Hội chứng kích thích: Người bệnh luôn có cảm giác buồn đi tiểu, đi tiểu không hết, dễ bị tiểu són, số lần đi tiểu tăng lên nhất là về đêm... Khi có cảm giác buồn đi tiểu nhưng phải đứng một lúc trong nhà vệ sinh mới đi tiểu được, dòng nước tiểu nhỏ, cảm giác tiểu tiện không có lực, có lúc đái rắt. Nước tiểu tự bài tiết không thể kiềm chế khi ngủ. Nhiều trường hợp ban ngày cũng xuất hiện tình trạng tiểu són. Số lần đi tiểu thường tăng lên gấp nhiều lần so với mức bình thường.

Phì đại TTL là bệnh lành tính, tuy nhiên có thể gây ra một số biến chứng như: Bí tiểu mạn tính dẫn tới viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu. Nặng hơn gây viêm thận bể thận dẫn đến suy thận. Hình thành sỏi bàng quang do thường xuyên ứ đọng nước tiểu. Ảnh hưởng tới chức năng sinh dục.

Phì đại TTL có ảnh hưởng khả năng tình dục?

Tuyến tiền liệt là một trong những cơ quan sinh dục của nam giới nên các bệnh của TTL ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tình dục và ngược lại. Nghiên cứu cho thấy, nam giới trong thời gian ngắn mà sinh hoạt tình dục quá nhiều lần thì tỷ lệ phát sinh viêm tuyến tiền liệt cấp tính chiếm 89,7%; khống chế xuất tinh, xuất tinh ra ngoài, khi giao hợp bị gián đoạn, thói quen thủ dâm...đều là nguyên nhân gây viêm TTL.

Bệnh lý TTL có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh dục: viêm TTL và viêm túi tinh thường song hành dẫn đến giảm ham muốn tình dục vì TTL, túi tinh và chức năng sinh lý liên quan mật thiết với nhau cùng đổ vào niệu đạo.

Ngoài ra, lao và ung thư TTL đều gây giảm sút tình dục, liệt dương, xuất tinh sớm, không xuất tinh và một số cản trở về chức năng tình dục. Từ lâu, các nhà y học đã biết rõ, TTL phì đại liên quan chặt chẽ tới nội tiết tố nam testosterol. Hoạt động tình dục quá nhiều, công năng tinh hoàn bất thường là các yếu tố dẫn đến phì đại TTL.

Ðiều trị và theo dõi

Không phải tất cả các bệnh nhân bị phì đại TTL đều phải điều trị. Những người không bị ảnh hưởng nhiều bởi các triệu chứng của u xơ TLT thì thường không điều trị nhưng phải được kiểm tra định kỳ để xem tình trạng bệnh có trở nên xấu đi hay không mà xử trí kịp thời. Lựa chọn phương pháp điều trị như thế nào tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là dựa vào các dấu hiệu lâm sàng (tức là mức độ ảnh hưởng đến tiểu tiện) và khối lượng của TLT.


BS. Đinh Mạnh Trí
Ý kiến của bạn