Phì đại tiền liệt tuyến có chữa được không?

07-04-2023 07:21 | Bệnh nam giới
google news

SKĐS - Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, phì đại tiền liệt tuyến có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.

Phì đại tiền liệt tuyến là gì?

Phì đại tiền liệt tuyến hay còn gọi là tăng sản tuyến tiền liệt, u đại phì đại tuyến tiền liệt…Bệnh phì đại tiền liệt tuyến là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp ở nam giới trung niên và người cao tuổi.

Phì đại tiền liệt tuyến là do quá trình tăng sản sinh lý của nhu mô tuyến tiền liệt ở nam giới. Bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên. Từ khoảng sau 40-50 tuổi, kích thước tuyến tiền liệt ở nam giới tăng trưởng một cách nhanh chóng.

Biểu hiện phì đại tiền liệt tuyến

Các triệu chứng của tăng sinh tuyến tiền liệt thường sẽ có 2 triệu chứng chính:

- Tắc nghẽn: Khi tuyến tiền liệt chèn ép vào niệu đạo sẽ gây bí tiểu. Khi bàng quang có dung tích từ 250-300ml nước tiểu nam giới sẽ có phản xạ đi tiểu. Nhưng khi mắc phì đại tiền liệt tuyến, người đàn ông muốn đi tiểu nhưng gặp tình trạng khó tiểu. Thậm chí khi tiểu phải dùng nhiều sức, tia tiểu bé.

- Tiểu ngập ngừng, tiểu ngắt quãng, tia tiểu yếu, tiểu xong vẫn buồn tiểu, nước tiểu đục.

ThS.BS Nguyễn Trần Thành - Phó trưởng Khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện 19-8 giải đáp thông tin về bệnh phì đại tiền liệt tuyến. 

- Kích thích: bàng quang bị kích thích, thường xuyên mong muốn đi tiểu, và không kìm chế được việc đi tiểu. Vào ban đêm, đi tiểu nhiều lần từ 1-7 lần/đêm.

Hai hội chứng tắc nghẽn và kích thích sẽ đánh giá được mức độ rối loạn tiểu tiện nặng hay nhẹ. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. 

Phì đại tiền liệt tuyến điều trị bằng cách nào?

Phì đại tiền liệt tuyến là tình trạng tăng sinh lý bình thường của nam giới. Phác đồ điều trị của bác sĩ cho phì đại tiền liệt tuyến có 3 phác đồ chính.

- Chờ đợi và theo dõi: Với những bệnh nhân mắc ung thư tuyến tuyến tiền liệt nhưng chưa có những biểu hiện bất thường trên lâm sàng và cận lâm sàng. Trên lâm sàng bao gồm rối loạn tiểu tiện bình thường hoặc mức độ nhẹ. Trên cận lâm sàng khối u tuyến tiền liệt kích thước vừa phải.

Phì đại tiền liệt tuyến có chữa được không? - Ảnh 2.

Bệnh phì đại tiền liệt tuyến thường gặp ở nam giới trung niên và người cao tuổi.

- Điều trị nội khoa dành cho những người bệnh tăng sinh tuyến tiền liệt ở mức độ trung bình. Thời gian mắc bệnh <6 tháng. Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh phì đại tiền liệt tuyến như thuốc ức chế alpha, thuốc chống testosteron và thuốc tác động đến cơ trơn của bàng quang. Các nhóm thuốc này được bác sĩ chỉ định để cải thiện tình trạng tăng sinh tuyến tiền liệt.

Với những bệnh nhân ở giai đoạn này có thể phải sử dụng thuốc trong thời gian dài gây ra một số tác dụng phụ. Do vậy người bệnh phải tuân theo điều trị của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh tác dụng phụ.

- Điều trị bằng phẫu thuật: Đây là giai đoạn cần phải can thiệp phẫu thuật cho những bệnh nhân rối loạn tiểu tiện mức độ nặng. Phẫu thuật là một phương pháp điều trị khi các phương pháp khác không hiệu quả. Có thể dùng phương pháp mổ nội soi bằng: dao diện đơn cực, dao điện lưỡng cực, tia laser, hifu… 

Phương pháp phẫu thuật có thể bao gồm cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tiền liệt. Hoặc với những bệnh nhân lớn tuổi không thể phẫu thuật thì có thể áp dụng phương pháp đặt stent. 

Nguyên nhân phì đại tiền liệt tuyến

Vì sao bị phì đại tiền liệt tuyến? Phì đại tiền liệt tuyến là bệnh sinh lý, phù hợp với quy luật của tự nhiên. Thông thường tuyến tiền liệt sẽ nằm dưới bàng quang và bao quanh ống tiểu của người nam giới. Khi tuyến tiền liệt tăng trưởng sẽ gây cản trở đường tiểu bằng cách gây ra chèn ép vào ống tiểu, gây kích thích bàng quang. Đây là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng tăng sinh tuyến tiền liệt.

Phì đại tiền liệt tuyến có chữa được không? - Ảnh 3.

Người phì đại tuyến tiền liệt nên tránh các thức ăn từ mỡ động vật như pate gan, bơ, sốt mayonnaise...

Phòng ngừa phì đại tiền liệt tuyến

Phì đại tiền liệt tuyến là quá trình sinh lý bình thường ở nam giới. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh phì đại tiền liệt tuyến bao gồm:

- Nam giới cần tăng cường vận động và hạn chế ngồi lâu để giảm áp lực lên tuyến tiền liệt.

- Hạn chế các loại đồ uống chứa caffeine như cà phê và trà.

- Hạn chế sử dụng các loại thuốc gây tác dụng phụ đến tuyến tiền liệt.

- Điều chỉnh chế độ ăn uống để hạn chế mức độ mỡ, thịt đỏ, muối trong thực phẩm. Tăng cường ăn các loại cá béo: cá hồi, các thu, cá trích, cá ngừ...

- Tăng cường dinh dưỡng và sử dụng các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau củ quả trái cây. Một số loại thực phẩm tốt bao gồm: bơ, quả mọng, các loại đậu, ớt chuông...


ThS.BS Nguyễn Trần Thành
Phó trưởng Khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn