Phép thử lòng tin với Tổng thống Putin

18-09-2016 16:14 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hôm qua (18/9), cử tri Nga đi bầu 450 đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Diễn ra trong bối cảnh nước Nga gặp nhiều khó khăn, cuộc bầu cử này được cho là một phép thử đối với đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền và cá nhân Tổng thống Putin.

Đã có hơn 103 nghìn ứng cử viên đăng kí tham gia vào cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga ở tất cả các cấp. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Nga Ella Pamfilova cho biết, đây sẽ là một cuộc bầu cử minh bạch. “Mặc dù chúng ta có thêm nhiều ứng cử viên chính thức đăng kí cho cuộc bầu cử. Cùng có thêm nhiều ứng cử viên đối lập, nhiều cuộc tranh luận trên truyền hình nhưng nói chung các chiến dịch khá yên bình so với cuộc bầu cử năm 2011”, chuyên gia phân  tích chính trị Alexander Baunov (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Moscow Carnegie) cho biết.

Cụ thể, theo Luật Bầu cử áp dụng từ năm 2003 sẽ có 225 đại biểu được bầu theo danh sách các chính đảng, 225 đại biểu được bầu theo khu vực bầu cử. Thống kê cho thấy, đã có khoảng 40 chính đảng tham gia cuộc bầu cử. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, các “gương mặt ứng cử viên” mới ít có khả năng vượt qua được ngưỡng tối thiểu bắt buộc 5% số phiếu ủng hộ của cử tri. Nhiều khả năng, các chính đảng truyền thống như UR, đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), đảng Dân chủ - Tự do Nga (LDPR) và đảng Nước Nga công bằng (SR) sẽ tiếp tục “thống lĩnh” trong Duma Quốc gia khóa mới.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đảng Nước Nga thống nhất vẫn nhận được sự tin tưởng của người dân. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, đảng Nước Nga thống nhất đã cầm quyền từ 15 năm qua. Hiện, đảng Nước Nga thống nhất đang giữ 238 ghế chiếm đa số trong Duma Quốc gia và giới phân tích cho rằng nhiều khả năng đảng Nước Nga thống nhất cũng sẽ giành đa số ghế trong Duma như thường lệ.

bau cu ngaCuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga ngày 18/9 còn là phép thử lòng tin đối với cá nhân Tổng thống Putin.

Khó khăn chồng chất

Giới phân tích cho rằng cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga năm nay được cho là “phép thử” quan trọng đối với đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền và cá nhân Tổng thống Putin. Nó cũng sẽ định hình chiến lược tranh cử của Tổng thống Putin vào năm 2018.

Trong suốt 15 năm qua, dù đạt được những bước tiến mạnh mẽ, nhưng nước Nga đã và đang phải chịu nhiều sức ép. Tờ Wall street Journal bình luận rằng có 4 thách thức hiện nay nước Nga đang phải đối mặt, trong đó có khủng hoảng kinh tế. “Nước Nga đang bước vào năm thứ ba của một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài và ông Putin rõ ràng hiểu rằng nhiều cử tri đang bất mãn”.

Năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 3,7% và dự báo sẽ còn giảm tiếp thêm 1,9% trong năm nay. Nguyên nhân chính là do giá dầu mỏ và khí đốt, đóng góp khoảng 50% nguồn thu ngân sách của Nga giảm mạnh và Moskva phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt với Nga sau cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine và sáp nhập trở lại bán đảo Crimea với nước Nga. Các thống kê cho thấy, giai đoạn 2014 - 2017, Nga mất khoảng 600 tỷ USD do hai cuộc khủng hoảng này.

Chính phủ Nga đã liên tục áp dụng các chính sách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu công, giảm các khoản trợ cấp xã hội khiến đời sống của người dân thêm khó khăn. Cơ quan Thống kê liên bang Nga (Rostat) cho biết, trong quý I/2016, số người có thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu đã tăng lên tới 22,7 triệu người, cao hơn nhiều so với mức 14,4 triệu người trong cùng kỳ năm ngoái.

Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi người dân đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử. “Đi bầu cử là một nhiệm vụ của người dân và là cách thể hiện sự quan tâm đến đất nước”, ông Putin nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo Nga cũng cam kết tất cả các nhóm chính trị tham gia chiến dịch tranh cử đều được nhận các điều kiện công bằng vì một cuộc cạnh tranh công bằng và cởi mở.

Kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) công bố ở thời điểm kết thúc chiến dịch tranh cử, UR dẫn đầu nhưng có khả năng chỉ giành được 41,1% số phiếu ủng hộ. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về LDPR (12,6%), KPRF (7,4%) và SR(6,3%). Với kết quả này, UR được dự báo sẽ tiếp tục giành chiến thắng và chiếm nhiều ghế trong Duma Quốc gia khóa mới, tuy nhiên không chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ viện.

Hai nhà lãnh đạo Nga Dmitry Medvedev và Vladimir Putin đã và đang đặt mục tiêu nhanh chóng vực dậy nước Nga, vượt qua sức ép chính trị của phương Tây để giành lại vị thế siêu cường thế giới. Tuy nhiên, tiến trình này còn phụ thuộc vào sự ủng hộ của người dân trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga năm nay. Một điều chắc chắn, kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định của Tổng thống Putin liệu có tái tranh cử vào năm 2018 cũng như chiến lược tranh cử của ông Putin trong 2 năm tới.


N.Minh
Ý kiến của bạn