Hà Nội

Phép “mầu nhiệm” của ghép tế bào gốc đã cứu sống bé Ngọc Ánh như thế nào?

25-04-2017 21:24 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Cách đây hơn 3 năm, khi biết con gái mắc bệnh hiểm nghèo gia đình tôi gần như suy sụp, hoang mang vô cùng và rồi con chúng tôi được cứu sống bằng phương pháp ghép tế bào gốc, gia đình tôi như người “chết đuối vớ được cọc”.

 

Hôm nay ngày 25/4, Ngọc Ánh (bệnh nhân được ghép tế bào gốc thành công của Viện cách đây 3 năm) cùng mẹ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sỹ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhìn cháu khỏe mạnh, xinh xắn và trưởng thành, những người cứu sống cháu khỏi lưỡi hái tử thần ai cũng vui và mừng cho cháu cũng như gia đình cháu.

Chị Phạm Thị Lý mẹ Ngọc Ánh vui mừng chia sẻ: Nhìn con gái được tiếp tục sống khỏe mạnh, học tập như bao bạn bè cùng trang lứa, tôi hạnh phục đến rơi nước mắt, chúng tôi không biết lấy gì để đền đáp công ơn cứu mạng của các bác sỹ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Tôi cũng cầu mong những phép mầu nhiệm sẽ đến với nhiều người bị mắc bệnh giống như con chúng tôi.

Bé Ngọc Ánh lúc năm trong phòng bệnh chờ ghép tế bào gốc

Ngọc Ánh bây giờ đã trở thành 1 thiếu nữ, mọi sinh hoạt và cuộc sống đã trở lại bình thường với em, Ngọc Ánh đã tự phục vụ được bản thân, đi học và có thể giúp gia đình một số công việc.

Nhớ lại những tháng ngày con gái mắc bệnh chị Lý xúc động: Cách đây hơn 3 năm, khi biết con gái mắc bệnh hiểm nghèo gia đình tôi gần như suy sụp, hoang mang vô cùng và rồi con chúng tôi được cứu sống bằng phương pháp ghép tế bào gốc, gia đình tôi như người “chết đuối vớ được cọc”.

Bệnh nhân Trần Ngọc Ánh sinh 2003, (quê Hưng Yên) được chẩn đoán mắc suy tủy xương, sau khi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì đầu năm 2014, bệnh nhân được chuyển về Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và được chỉ định ghép tế bào gốc đồng loại (tháng 3/2014), (người cho tế bào gốc là em gái ruột 6 tuổi của bệnh nhân lúc bấy giờ). Bệnh nhân Ngọc Ánh may mắn có em ruột là Trần Ngọc Giang - 5 tuổi phù hợp hoàn toàn HLA, nên Lãnh đạo Viện và khoa Ghép tế bào gốc của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã quyết định ghép tiến hành ca ghép tế bào gốc đồng loài cho bệnh nhân Ánh từ tủy xương của em gái.

Ba mẹ con bệnh nhân gồm Mẹ, Ngọc Ánh và em gái là người cho tế bào gốc

ThS.BS CKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Ghép Tế bào gốc của Viện cho biết: Bệnh nhân Trần Ngọc Ánh sau hơn 3 năm được ghép tế bào gốc đồng loài cùng huyết thống, hiện tại về mặt lâm sàng bệnh nhân hoàn toàn ổn định và khỏe mạnh, các xét nghiệm máu đã hoàn toàn bình thường, bệnh nhân không phải dùng thêm bất kỳ một loại thuốc hỗ trợ nào, bệnh nhân phát triển tốt về thể lực và tâm sinh lý, sau này nếu lập gia đình, cháu có thể sinh con bình thường như bao người phụ nữ khác.

BS CKII. Võ Thị Thanh Bình cũng khuyến cáo với những bệnh nhân đã được ghép Tế bào gốc thành công là phải thường xuyên đi kiểm tra định kỳ và theo dõi để kịp thời xử lý nếu có những biến chứng xảy ra. Tuy nhiên việc kiểm tra định kỳ cũng thưa dần theo thời gian. Trong ghép tế bào gốc cho bệnh nhân suy tủy xương, nếu có người cho phù hợp HLA và được lấy nguồn tế bào gốc từ tủy xương là phương pháp tốt nhất. Đặc biệt là với những bệnh nhân càng trẻ thì tỷ lệ thành công càng cao và trên thực tế tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương với những bệnh nhân tương tự, tỷ lệ thành công đạt trên 80%.

Bé Ngọc Ánh (cùng mẹ) hiện tại sau 3 năm được ghép tế bào gốc thành công

Sau 10 năm, từ ca ghép đầu tiên năm 2006, đến nay Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiến hành được trên 256 ca ghép chiếm gần 50% trên tổng số ca ghép Tế bào gốc của cả nước. Dự kiến năm 2017 Viện sẽ cán mốc trên 300 ca ghép Tế bào gốc.

 

 


Vương Tuấn
Ý kiến của bạn