“Không chết hoài, chết phí, con trai đã ra đi như một liệt sỹ”
Trong ngày giỗ đầu của con trai, những ký ức buồn vẫn hiện về rõ mồn một với bà Cấn Thị Ngần (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) nhưng bà không hối tiếc vì những điều mình đã làm: “Vàng nó mất nhưng không chết hoài chết phí. Em nó ra đi nhưng còn để lại tiếng thơm, còn cứu được nhiều người. Đám tang của em nó ngày này năm ngoái, Bệnh viện Quân Y 103 tổ chức trang nghiêm như tổ chức đám tang cho một liệt sĩ. Sáng ngày hôm ấy, mưa gió mịt mùng nhưng nhiều đoàn xe của quân đội về tận nhà tôi lo việc hậu sự cho Vàng” – bà Ngần chia sẻ.
Sẽ không bao giờ bà Ngần quên được buổi sáng sớm định mệnh ấy. Hôm đó là ngày 27/7, đúng ngày Hà Nội phải chịu một trận bão gió do áp thấp nhiệt đới và bà nhận được tin dữ.
5h sáng ngày 26/7/2016, người nhà bà Ngần gọi báo tin anh Trịnh Đình Vàng, con trai bà Ngần (sinh năm 1986) bị ngã từ sân thượng xuống đất và gãy tay. Khi ấy, bà Ngần đang ở Hà Nội, làm giúp việc cho một gia đình mới sinh con nhỏ. Cho rằng có sự không lành, bà điện thoại ngay cho con trai thứ 2 là anh trai của Vàng, sợ bà không chịu nổi cú sốc này, anh đã nói: “Vàng không sao, chỉ gãy tay thôi, mẹ về nhà luôn, không cần qua bệnh viện 103 đâu”.
Nhưng linh tính mách bảo, trong lòng bà như lửa đốt, bà vội bắt xe về Bệnh viện 103. Nhìn thấy con nằm bất động trên giường, mình mẩy nguyên vẹn nhưng phần đầu có vết nứt, trái tim bà cảm giác như bị ai đó bóp nghẹt đau đớn.
Anh Trịnh Đình Vàng - con trai bà Cấn Thị Ngần
Năm người đang mang trong mình một phần của con trai bà Ngần tìm về bên bà trong ngày giỗ đầu anh Trịnh Đình Vàng
Chuyện bắt đầu từ tối ngày 26/7 khi anh Vàng mời một người bạn làm cùng công ty về nhà chơi, ăn cơm. Buổi tối hôm đó trở trời oi bức do có áp thấp nhiệt đới sắp ảnh hưởng, hai người rủ nhau lên sân thượng hóng mát rồi nằm đó ngủ luôn. Sân thượng nhà bà Ngần có 1 bờ tường to bản, anh Vàng nằm trên lan can còn người bạn kia nằm dưới, bờ tường cách mặt sân khoảng 80cm.
Tới 12h đêm, người anh trai của anh Vàng ở căn nhà sát nhà bà Ngần nghe một tiếng “uỵch”, tưởng có trộm, anh chạy ra xem nhưng không phát hiện thấy gì khác lạ rồi lại quay vào nhà. 4h sáng ngày 27/7, khi người bạn của anh Vàng chợt tỉnh giấc, ngó quanh không thấy anh Vàng đâu vội chạy đi tìm thì phát hiện anh Vàng đã nằm dưới đất, bên hông ngôi nhà, cơ thể nguyên vẹn không xây xước, chỉ thấy máu chảy ra từ tai và phần đầu có vết nứt. Mọi người vội đưa anh Vàng vào Bệnh viện 103 nhưng các bác sĩ nói anh đã chết não, không còn cách nào cứu được...
Nỗi đau quặn thắt như có ai bóp nghẹt trái tim, bà Ngần muốn đi theo con ngay phút ấy. Gần 2 tiếng đồng hồ sau khi bà tới viện hay tin dữ, một vị bác sĩ đã mời gặp bà cùng 2 người con và 1 người cháu vào một căn phòng. Vị bác sĩ chia sẻ trước nỗi đau của gia đình đang trải qua và nói với bà Ngần về chuyện rất nhiều người đang sống mòn mỏi vì bị suy gan, thận.., cần được ghép tạng để được sống. Lòng xót xa như ngàn mũi dao cứa, bà Ngần không còn đủ tâm trí để nghĩ về bất cứ điều gì. Và trong phút ấy, bà cùng các con đã phản đối chuyện hiến tạng.
Rồi suốt từ buổi sáng tới tối ngày 26/7, bà Ngần đã sống trong đau khổ, mòn mỏi để chờ đợi một điều kỳ diệu đến với con trai mình. Bà chỉ mong anh Vàng - đứa con út ít của bà tỉnh dậy, lại hồn nhiên, quấn quýt với bà như xưa.
Anh Trịnh Đình Vàng vốn là người sống tình cảm, biết thương mẹ. Anh là đứa con thứ 3 trong 3 người con của bà Ngần. Anh Vàng chưa lập gia đình và sống cùng bà Ngần, trên anh Vàng là một người chị gái cả và 1 anh trai, cả 2 đều đã lập gia đình và sinh sống cùng làng với bà Ngần. Anh Vàng đột ngột ra đi như vết thương sâu chất thêm vào chuỗi những biến cố đau đớn trong đời bà Ngần.
Mất đi con trai nhưng bà Ngần vơi đi được một phần nỗi đau bởi có 5 người con nữa nhận bà là mẹ
Bà Ngần sinh năm 1960, làm nông nghiệp, chồng mất sớm do bị điện giật khi bà Ngần mới 30 tuổi và lúc đó, 3 con còn nhỏ. Anh Vàng mới 5 tuổi. Bà Ngần một mình bươn chải, chân lấm tay bùn với ruộng vườn gồng gánh nuôi 3 con nhỏ. Cơm chẳng đủ ăn nhưng rồi cũng đắp đổi qua ngày, 3 đứa con của bà cũng không lớn. Mãi tới năm 2015, bà Ngần mới xây được căn nhà mái bằng cất trên nền ao ngày trước.
Còn anh Vàng, học hết phổ thông thì vào miền Nam theo học cơ khí đôi, ba năm và sau đó về quê nhận lời làm cho một công ty xây dựng chuyên làm cửa sắt. Dãy hàng rào sắt của nhà bà Ngần cũng do một tay anh Vàng làm. Hàng rào mới làm được mấy tháng mà anh Vàng út ít của bà giờ lại gặp cơ sự này. “Vàng là đứa nhanh nhẹn nhất nhà, xốc vác mọi việc trong gia đình” – Bà Ngần ngậm ngùi chia sẻ.
Cái gật đầu của người mẹ nhân từ để hồi sinh 5 người xa lạ
Ký ức 1 năm trước vẫn ùa về. Cảm giác khi biết con chết não, nỗi đau đã thấm đẫm trong tâm trí của người mẹ, bà Ngần phải đối diện với thực tại: không còn cách nào để anh Vàng tỉnh dậy nữa. Trong cuộc nói chuyện với vị bác sĩ, bà Ngần nhớ lời người này nói: Nếu phần tạng của anh Vàng hiến tặng thì một phần cơ thể của anh ấy sẽ vẫn sống trong những người khác, anh ấy không vĩnh viễn mất đi, không tan vào tro bụi...
Rồi bà Ngần thoáng nhìn thấy nhiều người đứng ngoài hành lang, gần khu buồng bệnh của con bà, dáng vẻ họ bồn chồn, lo lắng nhưng tất cả đều im lặng, không ai nói lời nào với bà, chỉ có ánh mắt họ dõi theo như cầu khẩn điều gì đó ở bà. Và bà hiểu rằng những người đó là người nhà của người bị suy tạng đang nằm chờ chết như lời vị bác sĩ đã nói.
Bà Ngần biết, tim bà đang nhói đau, những người kia chắc cũng đau đớn không kém trước sự nguy kịch của người thân. Một cái gật đầu của bà có thể mang lại sự sống cho 6 con người khác và mang lại niềm hạnh phúc cho bao nhiêu người thân của họ đang đứng kia mòn mỏi, phấp phỏng.
Và đêm khuya hôm ấy, ngày 27/7/2016, ngoài trời gió rít thê lương, cơn bão đã ùa về, bên dãy hàng lang bệnh viện hun hút gió, bà Ngần đã quyết định ký vào lá đơn hiến đa tạng con trai mình: quả tim, lá gan, 2 quả thận và đôi giác mạc để cứu 6 người khác. Bà đặt bút ký với mong mỏi có một ngày được gặp lại một phần của anh Vàng trên cõi đời này.
Bà Cấn Thị Ngần nghẹn ngào bên chị Trần Thị Hậu - người đang mang 1 quả thận của con trai bà
Sau hành động cao đẹp hiến tạng của con trai, bà Ngần luôn ao ước được gặp những người nhận tạng của con mình để biết họ vẫn còn sống khỏe và cảm nhận được con mình vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, do quy định của luật hiến ghép tạng, các y bác sĩ không thể cung cấp liên lạc và thông tin của người cho tạng và người nhận tạng. Bên cạnh đó, điều day dứt nhất là bà Ngần và gia đình phải chịu nỗi khổ tâm bởi một số người trong làng ngoài xã cho rằng bà bán con...
May mắn thay, hai bệnh nhận giác mạc của con trai bà Ngần đã tự lần hỏi và tìm gặp được bà Ngần. Phóng sự “cuộc gặp gỡ đặc biệt của mẹ và con trai sau 100 ngày mất” trên số báo 206 ngày 25/12 và " Hành trình gặp lại người con đã mất của bà mẹ “kỳ lạ” ngày đầu xuân" ngày 30/1/2017 của báo Sức khỏe & Đời sống đã “giải được” nỗi ẩn ức của bà Ngần bởi gia đình người nhận giác mạc là một gia đình thuần nông rất nghèo. Và sau đó, như một nhịp cầu nối, những người nhận Tim, 2 quả thận của con trai bà Ngần đã đọc được những bài viết về nỗi mong mỏi của bà Cấn Thị Ngần, họ đã tìm được về với bà.
Được “gặp lại” con trai bằng xương bằng thịt
Trong ngày giỗ đầu của anh Trịnh Đình Vàng, mong mỏi của bà Ngần đã được thỏa đáp. Năm con người mang trong mình một phần cơ thể của anh Trịnh Đình Vàng đã nhận bà là mẹ. Họ ngồi quây quần cùng bà Ngần bên mâm cơm ngày giỗ anh Trịnh Đình Vàng. Có những người cách đây một năm thần chết đã đứng trực sẵn nhưng giờ may mắn có được sức khỏe như người bình thường. Tất cả họ đã được tái sinh bằng những bộ phận cơ thể của anh Trịnh Đình Vàng. Năm người trong số 3 người được ghép tạng từ con trai của bà Ngần đều là những chiến sĩ đang làm trong Quân đội.
Ngôi nhà bà Ngần giờ đây cũng có một chút thay đổi. Vẫn chiếc cầu thang chưa có tay vịn, bộ bàn ghế cũ, chiếc bàn thờ nhỏ để bức ảnh thờ anh Trịnh Đình Vàng, hàng rào mà anh Vàng tự tay làm mấy tháng trước khi mất nhưng ngôi nhà đã mang một lớp áo mới, không phải là lớp tường còn để nguyên vữa chát mà thay vào đó là lớp sơn màu vàng sáng sủa. Năm “người con” của bà Ngần đã cùng quét sơn sang sửa cho ngôi nhà cách đây không lâu.
Ngôi nhà bà Ngần đã được thay một lớp áo mới bở có bàn tay sang sửa của 5 người con
Là người mang trong lồng ngực trái tim của con trai bà Ngần - anh Nguyễn Nam Tiến (38 tuổi, Tuyên Hóa, Quảng Bình) hiện là thiếu úy pháo binh của tàu CSB 2012, thuộc hải đội 201, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2, đóng quân ở Núi Thành, Quảng Nam với nhiệm vụ bám giữ vùng biển Bắc Bộ, Trung Bộ. Với anh Tiến, bà Ngần đúng là người đã sinh ra anh một lần nữa. Một năm trước, cuộc sống của anh Tiến gắn liền với máy móc.
Năm 2014, sau khi trải qua những tháng ngày nóng bỏng bảo về chủ quyền biển đảo tại giàn khoan 981 cùng đồng đội, anh Tiến vẫn có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, tới tháng 7/2015, anh đột nhiên thấy cơ thể rất mệt mỗi khi chơi thể thao hay bơi trên biển. Sau khi đi khám, các bác sĩ cho biết, anh bị mắc bệnh viêm cơ tim thể xốp, một căn bệnh rất hiếm gặp.
Các bác sĩ BV Quân Y 103 đã đặt 1 chiếc máy tạo nhịp tim trong lồng ngực của anh. Tuy nhiên, hơn nửa năm trời, anh không khỏi bệnh mà sức khỏe ngày một giảm sút, từ 58 kg chỉ còn 46 kg. Có nhiều lúc anh không thể thở được, mặt mày tím tái và thường xuyên phải cấp cứu. Bác sĩ tiên lượng, thời gian sống của anh chỉ còn rất ít, chỉ có thể tính bằng tháng. Một cách duy nhất để anh sống được đó là ghép tim.
Trước khi được ghép tim, lồng ngực anh Nguyễn Nam Tiến in hằn cả chiếc máy tạo nhịp tim, cuộc sống chỉ tính bằng ngày. Và sau khi ghép tim đã quay trở lại làm công việc của người lính biển
Gia đình anh Nguyễn Nam Tiến và bà Cấn Thị Ngần trong một lần đi chơi gần đây
Người đang mang một quả thận của con trai bà Ngần là chị Trần Thị Hậu - (48 tuổi, Lạng Sơn) – Cách đây 2 năm khi chưa nghỉ hưu, chị làm chuyên ngành thông tin chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn. Chị Hậu bị suy thận từ 2008, gần 10 năm không thể đi đâu xa một ngày bởi phải gắn liền với chiếc máy chạy thận. Chị Hậu cảm thấy cuộc đời trôi qua không còn nhiều ý nghĩa.
Hai năm đầu, chị Hậu phải xuống Hà Nội, coi viện 103 là nhà để tuần chạy thận 3 ngày. Sau đó, do con còn nhỏ, gia đình kinh tế khó khăn, chị Hậu xin được tự lọc thận tại nhà theo phương pháp thẩm phân phúc mạc. Suốt 7 năm trời, ngày nào chị cũng mất gần 2h đồng hồ để truyền dịch lọc thận 4 lần với 8 lít dịch khiến cuộc sống rất lệ thuộc.
“Tôi cảm thấy được sự tự do, cảm giác đó sung sướng lắm. Giờ đây, tôi có thể đi xa, không cần phải nơm nớp ở nhà suốt ngày vác theo mấy lít dịch bên mình. Có được sức khỏe ổn định như ngày hôm nay, tôi thấy biết ơn mẹ Ngần vô cùng”, chị Hậu nói.
Cảm phục trước tấm lòng của bà Ngần, chị Hậu cũng đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Chị mong muốn khi chết đi sẽ đóng góp một phần nhỏ cho xã hộị.
Bà Cấn Thị Ngần nghẹn ngào bên chị Trần Thị Hậu - người đang mang 1 quả thận của con trai bà
Còn anh Vũ Xuân Cường (51 tuổi) người đang mang 1 quả thận của con trai cô Ngần - hiện vẫn đang công tác về lĩnh vực Hậu cần tại Tỉnh đội Sơn La. Anh Cường không giấu được cảm xúc khi cả 5 anh em cùng về thắp nhang, ăn bữa cơm gia đình với bà Ngần.
Anh Vũ Xuân Cường (51 tuổi) người đang mang 1 quả thận của con trai cô Ngần
Tiếp nữa là anh Nguyễn Xuân Hưng (sinh năm 1989 - Hòa Đức - Hà Nội) mang một bên giác mạc của con trai bà Ngần. Hưng sinh ra và lớn lên với đôi mắt bình thường nhưng tới năm 26 tuổi đột nhiên nhìn mờ mắc phải dị tật bẩm sinh giác mạc chóp. Tưởng cuộc sống của anh Hưng sẽ phải gắn với bóng tối nhưng may mắn nhận được giác mạc của anh Trịnh Đình Vàng, hiện nay, mắt Hưng đã được cải thiện hơn trước.
Người nhận một bên giác mạc nữa của con trai bà Ngần là bà Nguyễn Thị Thụy (51 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội). Cách đây 8 năm, bà bị đau mắt đỏ nhưng do không kiêng cữ và chăm sóc tốt nên bị biến chứng, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến hỏng mắt. Trước khi nhận được giác mạc hiến, hàng ngày bà Thụy phải vật lộn với những cơn đau nhức ở mắt. "Hôm nay, 5 anh em cùng gặp mặt dù không chung một dòng máu nhưng thấy thân thiết như một”, bà Thụy xúc động chia sẻ.
Bên mâm cơm giỗ đầu con trai, sau những phút nghẹn ngào, bà Ngần cảm thấy ấm lòng bởi 5 người đang mang trong họ một phần của con bà đều nhận bà là mẹ, họ coi bà như người một lần nữa sinh ra họ. Chị Hậu nói: “mẹ Ngần là mẹ Việt Nam anh hùng giữa thời bình. ”
Dẫu biết rằng “cho đi là còn mãi” nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để làm những việc như bà Ngần đã làm. Ở đâu đó còn không ít những bon chen đố kỵ giữa đời nhưng khi chứng kiến câu truyện của bà Cấn Thị Ngần sẽ thấy, cuộc sống vẫn còn có nhiều những tấm lòng tươi đẹp, ngát hương như những đóa hoa.
Anh Nguyễn Xuân Hưng và cô Nguyễn Thị Thụy, mỗi người đang mang một giác mạc của con trai bà Ngần
Giác mạc hiến tặng được lấy trong khoảng từ 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (khoảng 25-30 phút). Kỹ thuật viên chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước lòng đen nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khuôn mặt người hiến.
Hiện có 2 địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời của người dân gồm:
1. Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh Quận 5 TPHCM
Điện thoại: (84- 8) 3855 4137 xin số 1184 hoặc 1284
(84- 8) 3956 0139
Điện thoại 24/24: 0913 677 016
Email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com
https://www.choray.vn
2. Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người
Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hà Nội
Điện thoại: 84 4 39386692
Điện thoại 24/24: 0915 060 550
Email: gheptang@vncchot.vn
https://www.facebook.com/dieuphoigheptangvietnam