Hà Nội

Phe vé trận bán kết AFF Cup 2018: Xử lý thế nào?

07-12-2018 11:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước thời điểm trận bán kết lượt về AFF Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và Philippines tại sân vận động Mỹ Đình, trong 2 ngày 5 và 6/12/2018, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã bắt quả tang hàng chục phe vé, tạm giữ nhiều đối tượng vì gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông.

Bảo vệ VFF cũng phe vé

Trước đó, ngày 5/12, Tổ Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm cũng vừa bắt quả tang hàng loạt phe vé, thu giữ hơn một trăm vé xem trận bán kết lượt về AFF cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và Philippines. Các phe vé này hoạt động trước khu vực quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình, gây mất an ninh trật tự. Đáng chú ý, trong số các phe vé bị cảnh sát hình sự bắt quả tang có một đối tượng được cho là bảo vệ của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam - thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).

Theo cơ quan chức năng, số vé thu được từ nhóm người này khoảng hơn 100 chiếc. Trong đó bảo vệ VFF bị tạm giữ là Trịnh Ngọc T. bị bắt quả tang khi đang chào mời người hâm mộ mua 4 cặp vé mời khán đài A với giá 4,5 triệu đồng/cặp. Tại cơ quan công an T. khai rằng: Theo tiêu chuẩn, được mua 3 cặp vé và được một đôi giấy mời, do thấy chênh lệch lớn nên T. đã bán lại kiếm lời.

Phe vé trận bán kết AFF Cup 2018: Xử lý thế nào?Số vé được thu giữ tại cơ quan công an.

Được biết giá ngoài thị trường từ khi đội tuyển Việt Nam đá vòng bảng giải bóng đá AFF Suzuki cup 2018, cơn sốt vé lên cao. Đến vòng bán kết, giá vé được đẩy lên nữa. Người hâm mộ muốn có tấm vé vào xem trận đấu lượt về bán kết với Philippines trên sân Mỹ Đình phải bỏ ra số tiền gấp nhiều lần giá vé thực. Tuy nhiên, tình trạng phe vé gây mất trật tự công cộng, trước sân vận động Mỹ Đình đã cản trở giao thông, buộc các cơ quan chức năng phải ra quân xử lý.

Tình trạng phe vé, gây rối trật tự công cộng ở trước các sân vận động ở các trận đấu lớn thường xuyên diễn ra, nhất là trận đấu nào có tuyển Việt Nam thi đấu. Việc xử lý và bắt giữ nhiều đối tượng phe vé vẫn được cơ quan chức năng thường xuyên ra quân thu giữ hàng trăm vé. Tuy nhiên việc chứng minh nguồn gốc của số vé này cũng khá khó khăn. Hầu hết, từ trước tới nay, các đối tượng phe vé đều khai do họ tự xếp hàng, gom vé sau đó bán lại kiếm lời.

Xử phạt ra sao?

Theo Luật sư Phạm Huy Tuyến - Văn phòng Luật sư Phạm Danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Thực tế, vấn nạn phe vé không chỉ có ở bóng đá mà còn có ở nhà ga, bến xe, rạp chiếu phim... Trên thực tế, cũng có nhiều trường hợp do có nhu cầu thực thụ về mua bán vé để xem nhưng vì một số lý do khách quan nên họ không có nhu cầu sử dụng, vì thế họ bán lại số vé đã mua. Đối với những hành vi mua bán lại như thế này thì pháp luật không cấm vì đó không mang tính thương mại. Tuy nhiên, một số người lợi dụng việc mua bán vé, sự quản lý lỏng lẻo của ban tổ chức các giải bóng đá, nhà xe, rạp chiếu phim.... và các quy định của pháp luật nên đã lấy việc mua đi, bán lại trở thành một hoạt động kinh doanh thu lợi bất chính.

Phe vé trận bán kết AFF Cup 2018: Xử lý thế nào?Hàng loạt phe vé tại cơ quan công an.

Cũng theo luật sư Phạm Huy Tuyến, đến nay chưa có một chế tài cụ thể để xử lý các đối tượng phe vé. Thậm chí, cụm từ “phe vé” là gì cũng không được nhắc đến trong bất kỳ quy định nào của pháp luật, nghị định hay thông tư nào. Theo đó, hành vi mua đi, bán lại dù mang yếu tố kinh doanh, tư lợi cá nhân bất chính, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng nhưng vẫn rất khó xử lý. Việc mua bán với giá bao nhiêu do các bên thỏa thuận, thuận mua vừa bán. Tuy nhiên, nếu người bán vé gây mất trật tự công cộng, gây cản trở giao thông thì bị xử phạt.

Cụ thể, Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi gây mất trật tự ở nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao; phạt tiền 500.000-1 triệu đồng đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.

Ngoài ra, người có các hành vi như: Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm thì bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng; hoặc bị truy cứu hình sự tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.

Hành vi cản trở giao thông đường bộ là nếu người bán dừng xe, đỗ xe (môtô, xe máy) ở lòng đường đô thị để bán vé mà gây cản trở giao thông sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng, theo Điều 6 Nghị định số 46/2016.


Trần Hòa - Mai Thạch
Ý kiến của bạn