Phê phán và văn hóa phê phán

07-01-2009 16:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trên thế giới, bên cạnh những giải thưởng lớn như Nobel, Oscar, còn có các giải thưởng mang tính phê phán như giải Ig Nobel, giải Mâm xôi vàng tổ chức thường niên tại Hoa Kỳ.

Trên thế giới, bên cạnh những giải thưởng lớn như Nobel, Oscar, còn có các giải thưởng mang tính phê phán như giải Ig Nobel, giải Mâm xôi vàng tổ chức thường niên tại Hoa Kỳ. Tiếng cười hài hước của giải thưởng đã tạo nên một môi trường thân thiện, khiến những người được trao các giải này không có ai phản ứng theo lối kiện cáo, mà họ thể hiện thái độ phản đối bằng những hành vi và phát ngôn dí dỏm, thậm chí mượn luôn diễn đàn trao giải để quảng bá cho công chúng thấy tài năng thực sự của mình.

Phải chăng, cách trao giải mang tính phê phán ở ta còn thiếu tiếng cười bè bạn nên dẫn đến những phản ứng quyết liệt của các nghệ sĩ như trong vụ Tạp chí Mốt trao giải “Mặc phản cảm” vừa qua????

 Thu Minh - Mỹ Lệ trong đêm "Diva night". Ảnh: Anh Khoa.
Những giải thưởng giàu tính hài hước trên thế giới

Giải Ig Nobel tổ chức lần đầu vào năm 1991 là giải thưởng nhại lại giải Nobel được trao hằng năm cho 10 công trình nghiên cứu khoa học mà thoạt tiên làm người ta bật cười, sau đó làm người ta suy nghĩ về nó, chẳng hạn như công trình nghiên cứu khám phá ra “định luật 5 giây” chứng minh rằng thức ăn rơi xuống sàn nhà sẽ không bị nhiễm khuẩn nếu được nhặt lên trong vòng 5 giây. Bên cạnh giải Ig Nobel, giải Mâm xôi vàng được trao cho các tác phẩm điện ảnh, các nhà biên kịch, các đạo diễn, các diễn viên bị coi là dở nhất, diễn xuất tồi nhất trong năm.

Năm 2001, diễn viên hài Tom Green bị trao 5 giải Mâm xôi vàng cho bộ phim Freddy Got Fingered nhưng ông không từ chối cũng không phản ứng mà đồng ý nhận cả 5 giải bao gồm cả giải Phim tồi nhất. Tom Green đến nhận giải bằng một chiếc xe Cadillac trắng rất sang trọng và mang theo cả thảm đỏ để trải cho mình bước lên bục sân khấu vì lễ trao giải Mâm xôi vàng quy định không bố trí thảm đỏ. Anh đã đứng trên bục nhận giải để trình bày quan điểm của mình, thể hiện một sự phản đối rất lịch sự. Anh nói: “Tôi muốn nói rằng tôi không đáng bị như thế này một chút nào... Lạy chúa! Tôi thực sự muốn nói như vậy đấy. Mặc dù, tôi không nghĩ tôi đúng”. Bài phát biểu của Tom Green dài quá, lại có cả một đoạn nhạc harmonica dài lê thê nên kết cục anh đã bị lôi khỏi bục nhận giải trong tiếng cười vui vẻ của cử tọa.

Một trường hợp khác khá hy hữu là nhà biên kịch Brrian Helgeland trở thành người đầu tiên nhận giải Oscar và giải Mâm xôi vàng trong cùng một năm. Ông đoạt giải Oscar cho kịch bản chuyển thể hay nhất trong phim L.A. Confidential, và nhận giải kịch bản tồi nhất trong phim The Postman. Brian không tham dự lễ trao giải Mâm xôi vàng nhưng đã chính thức nhận giải thưởng này tại văn phòng của mình ở hãng Warner Bros vì muốn giải thưởng này nhắc nhở cho ông về sự trêu ngươi của tạo hóa tại Hollywood. Tương tự, Jack Nicholson trong năm 1992 dược đề cử Oscar ở hạng mục diễn viên nam phụ cho vai diễn trong phim A Few Good Men, nhưng lại bị đề cử giải Mâm xôi vàng diễn viên nam chính cho hai vai diễn trong Hoffa và Man Trouble. Hay năm 2002, Halle Berry được nhận giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, đến năm 2004 cô lại bị trao giải Mâm xôi vàng vai nữ chính trong phim Miêu nữ (Catwoman). Halle Berry là nữ diễn viên đầu tiên chấp nhận giải Mâm xôi vàng. Khi đến tham dự lễ trao giải cô đã cầm theo cả tượng vàng Oscar của mình.

Những ứng xử vừa lịch sự, vừa hài hước như vậy của các nghệ sĩ Hollywood thể hiện sự tự tin của cá nhân họ trước đánh giá của các giải thưởng với các BGK khác nhau, mặt khác, thể hiện một tinh thần dân chủ, chấp nhận những cách nhìn khác, những quan điểm khác. Hầu như không có ai thể hiện sự tức giận hay phát đơn kiện cáo. Trái lại, dù chấp nhận hay phản đối các giải thưởng đánh giá thấp mình, họ cũng đều tìm cách tự tôn vinh bản thân, thanh minh một cách tế nhị và hài hước cho khả năng và trình độ của mình, đem thêm cho xã hội những tiếng cười nhẹ nhàng, vui vẻ. Khi chấp nhận đứng trên bục nhận giải Mâm xôi vàng, các nghệ sĩ đã tỏ ra đứng cao hơn giải đó, thể hiện một sự tự phê, phục thiện và sự bướng bỉnh đáng yêu.

 MC Thanh Bạch.
Ở ta cần có thêm tiếng cười bè bạn

Ở ta gần đây cũng xuất hiện những giải thưởng bình chọn mang tính phê phán, nhưng giải thưởng kiểu này chưa tìm được sự đồng thuận của giới nghệ sĩ. Một ví dụ nóng hổi là ngày 2/1/2008 vừa qua, ca sĩ Thu Minh, ca sĩ Mỹ Lệ và MC Thanh Bạch đã tổ chức họp báo với sự có mặt của 19 tờ báo để phản đối việc Tạp chí Mốt đề cử họ vào Giải ăn mặc phản cảm năm 2008. Đây là lần thứ ba ca sĩ Thu Minh bị đưa vào danh sách trao giải ăn mặc phản cảm. Các nghệ sĩ đã tỏ ra phẫn nộ vì hai chữ phản cảm gợi lên một cách ăn mặc thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ mà trong thực tế họ không tự thấy như vậy. Ngoài ra, các nghệ sĩ này cũng cho rằng Tạp chí Mốt đã không đưa ra một tiêu chí rõ ràng xác định thế nào là “phản cảm”, cũng không đưa ra được những bằng chứng về cách ăn mặc bị coi là phản cảm của họ. Ca sĩ Mỹ Lệ cho rằng: “Một cô gái mặc bộ đồ lộng lẫy để... đi dự đám tang, hay một sinh viên trẻ mặc bộ bikini lên giảng đường đại học - đó mới thực sự là hình ảnh phản cảm. Còn tôi, từ trước đến nay không ăn mặc hở hang, hay phát ngôn thiếu văn hóa, hoặc gây scandal...”. MC Thanh Bạch - người thường xuyên xuất hiện với những bộ veston diêm dúa thì cho rằng, chỉ khi nào ăn mặc vi phạm thuần phong mỹ tục mới gọi là phản cảm. Ca sĩ Thu Minh đang biểu diễn ở Mỹ thì viết thư về nhờ người đọc trước cuộc họp báo, thể hiện thái độ không “tâm phục khẩu phục” với cách bình chọn của giải vì các ca sĩ đã có một cửa gác nghiêm ngặt là Sở VHTTDL rồi.

Chắc chắn là các nghệ sĩ của ta thừa thông minh và tế nhị để ứng xử hài hước như các nghệ sĩ Hollywood khi bị trao các giải xấu nếu họ được tham gia một cuộc chơi vui vẻ như Mâm xôi vàng và Ig Nobel. Nhưng cách tổ chức bình chọn giải và trao giải của ta còn nghiêm túc và nặng nề quá, thiếu một môi trường văn hóa thân thiện cho các nghệ sĩ bị bình chọn vào những giải tiêu cực được giao lưu với công chúng, được thể hiện sự tự tin khi chấp nhận danh hiệu không làm họ hài lòng. Ngay cách đặt tên giải thưởng cũng thật thà, nghiêm túc quá! Dù đã dùng những danh hiệu có vẻ tế nhị như “phản cảm”, danh hiệu đó vẫn xẻ một hố sâu ngăn cách giữa nghệ sĩ và những người bình chọn. Nên hình tượng hóa giải thưởng theo lối Mâm xôi vàng. Danh hiệu kiểu “Ăn mặc phản cảm nhất trong năm” dù là nhẹ nhàng hơn những danh hiệu kiểu như “Ăn mặc xấu nhất trong năm”, nhưng được đặt vào một khung giải thưởng nghiêm chỉnh, được bình chọn bởi những bộ mặt khó đăm đăm và được xếp cạnh những danh hiệu sang trọng khác vẫn ít nhiều gây ra một hiệu quả tách biệt, loại trừ và hạ nhục, không tạo cơ hội cho nghệ sĩ vui vẻ thừa nhận như một sự tự phê hay một sự cầu thị.

Nghệ sĩ có thể tự giễu mình: “Tôi là một con ma xấu xí và phản cảm trong năm” nhưng thật khó vui vẻ chấp nhận những danh hiệu xấu người khác gán cho mình, nhất là khi cảm nhận được một động cơ không công bằng, một thái độ không thân thiện!

Hoàng Quế


Ý kiến của bạn