Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội

18-12-2024 17:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1575/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Kế hoạch, về dự án đầu tư công: Ưu tiên tập trung để thực hiện các dự án xây dựng mới; cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản, trang thiết bị đồng bộ cho các cơ sở trợ giúp xã hội công lập thuộc quy hoạch giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Danh mục các dự án đầu tư công là những dự án được xác định trên cơ sở Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực cơ sở trợ giúp xã hội tại Phụ lục ban hành kèm Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Về dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Đầu tư mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các cơ sở trợ giúp xã hội công lập thuộc Quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở trợ giúp xã hội theo Quy hoạch, tiêu chí, tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

Chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Thu hút đầu tư phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ; phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội; bảo vệ môi trường; đảm bảo nguồn lực tài chính.

Về thu hút đầu tư phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội: Phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công để thúc đẩy, huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập theo phương thức đối tác công tư.

Huy động nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực trợ giúp xã hội từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nguồn đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Về phát triển nguồn nhân lực: Đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý, xây dựng, vận hành các cơ sở trợ giúp xã hội; thúc đẩy hợp tác đào tạo quốc tế về lĩnh vực trợ giúp xã hội.

Phát triển đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; định kỳ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là người làm công tác cai nghiện ma túy và hoàn thiện chính sách thu hút cán bộ, nhân viên vào làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Quyết định nêu rõ phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công về trợ giúp xã hội của các nhóm đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Từng bước hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm cung cấp dịch vụ về trợ giúp xã hội theo tiêu chuẩn quốc gia và tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

Xây dựng đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời người gặp khó khăn trong cuộc sống, góp phần xây dựng cộng đồng phát triển bền vững...

Cục Trẻ em thông tin về giải pháp ngăn chặn bạo hành trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hộiCục Trẻ em thông tin về giải pháp ngăn chặn bạo hành trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội

Vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng tại TP Hồ Chí Minh đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có cuộc trao đổi với báo chí về các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn