Phẫu thuật ung thư tuyến tụy, cơn “ác mộng” với bác sĩ đã được hóa giải

01-08-2021 15:09 | Y học 360

SKĐS - Ung thư tuyến tụy thường khó được chẩn đoán sớm vì các triệu chứng của bệnh rất mơ hồ. Phẫu thuật cắt khối tá tuỵ do ung thư là một "đại phẫu" được triển khai không rộng rãi, bệnh nhân có thể đối mặt với các rủi do trong đó có biến chứng rò hệ bạch huyết.

TS. Nguyễn Ngọc Cương, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và can thiệp điện quang - Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội chia sẻ về biến chứng rò hệ bạch huyết sau mổ

Theo TS. Nguyễn Ngọc Cương, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang - Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, biến chứng rò hệ bạch huyết sau phẫu thuật cắt khối tá tụy do ung thư tuyến tụy rất ít gặp nhưng nếu xảy ra thì là một "ác mộng" đối với các phẫu thuật viên.

Biến chứng rò hệ bạch huyết sau phẫu thuật ung thư tuyến tụy 

Trong vòng 2 năm các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp điều trị thành công cho 4 trường hợp bệnh nhân rò hệ bạch huyết sau mổ - BS Cương nói.

photo-1627797427108

TS. Nguyễn Ngọc Cương, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang - Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội.

Chia sẻ về vấn đề này, BS Cương cho biết cả bốn bệnh nhân đều có đặc điểm chung là sau ung thư vùng đầu tụy và trải qua ca mổ cắt khối tá tụy khá thành công về kỹ thuật.

Tuy nhiên sau khi mổ xong thì bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng không rõ nguyên nhân. Thông thường tràn dịch ổ bụng sau mổ có thể do viêm phúc mạc, do di căn ung thư hoặc do lao… Sau khi thăm khám kỹ và xét nghiệm đầy đủ thì các bác sĩ khẳng định không phải do các nguyên nhân trên.

Bệnh nhân ăn uống sinh hoạt bình thường nhưng cứ một thời gian lại phải vào viện hút dịch ổ bụng. Các bác sĩ cũng "bất lực" trong việc tìm ra nguyên nhân tràn dịch của bệnh nhân, tâm lý của người bệnh cũng bi quan và chán nản, chất lượng cuộc sống ảnh hưởng thấy rõ.

Còn một nguyên nhân cuối cùng mà các bác sĩ nghĩ đến đó là rò bạch huyết, một nguyên nhân rất hiếm gặp và rất ít ca được mô tả trong y văn thế giới.

photo-1627797429330

Hình ảnh hệ bạch huyết.


Nhớ lại ca bệnh đầu tiên, BS. Nguyễn Ngọc Cương cho biết, bệnh nhân Phạm Như M, 56 tuổi, sau mổ cắt khối tá tuỵ, bệnh nhân hồi phục rất tốt và nhanh chóng, bệnh nhân trở lại sinh hoạt hàng ngày thì thấy bụng to dần.

Đúng lịch hẹn, bệnh nhân tới khám các bác sĩ phát hiện ông bị tràn dịch ổ bụng và được hút ra 3 lít dịch. Bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng nhiều tháng sau đó, cứ khoảng một tuần lại vào viện hút dịch, cả bác sĩ và người bệnh mệt mỏi lo lắng…

Sau khi hội chẩn bệnh nhân với bác sĩ phẫu thuật, chúng tôi nghĩ đến bệnh nhân bị rò bạch huyết và quyết định nhập Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội để điều trị. Và may mắn là chúng tôi đã điều trị khỏi cho bệnh nhân này sau một thời gian khá dài - BS Cương chia sẻ thêm.

Những kinh nghiệm điều trị

Nói về biến chứng rò hệ bạch huyết, BS Cương cho biết, bởi vì rất ít thông tin về bệnh lý này về chẩn đoán cũng như điều trị nên các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa mầy mò chẩn đoán vừa trao đổi với các chuyên gia nước ngoài ở Nhật Bản, Hàn Quốc… Bệnh nhân đầu tiên được chụp thăm dò, chẩn đoán và điều trị thành công sau 2 tháng nằm viện. Những bệnh nhân tiếp theo với kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị tương tự, việc điều trị được tiến hành thuận lợi hơn.

Qua những ca bệnh thành công, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tiêu hóa và Can thiệp điện quang, BV Bạch Mai đã công bố thành công các kinh nghiệm điều trị của mình đối với một bệnh lý rất hiếm và phức tạp này…

Được biết, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là cơ sở đầu tiên triển khai các kỹ thuật về chẩn đoán và điều trị bệnh lý hệ bạch huyết và đã có nhiều bệnh lý phức tạp của hệ bạch huyết được điều trị thành công… mang lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân. Bên cạnh đó đã có những công bố quốc tế về những bệnh lý ít gặp trên thế giới được các đồng nghiêp quốc tế đánh giá cao…

Ung thư tuyến tụy là những tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy, bao gồm các tế bào của mô tụy ngoại tiết, tế bào tụy nội tiết và các tế bào thuộc mô liên kết của tụy.

Trên 95% ung thư tụy có nguồn gốc từ mô tụy ngoại tiết; còn lại ung thư xuất phát từ tế bào tụy nội tiết và của mô liên kết rất hiếm gặp. Nội dung tiếp theo của bài viết sẽ chủ yếu nói về ung thư tụy ngoại tiết.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư tụy chỉ đứng thứ 14 về tỉ lệ mắc (458.918 ca mắc/năm), tuy nhiên ung thư tụy lại đứng hàng thứ 7 về tỉ lệ tử vong do ung thư (432.242 ca tử vong/năm).

Điều này cho thấy tiên lượng của ung thư tụy rất xấu, trên thực tế tỉ lệ sống trung bình sau 5 năm của ung thư tụy chỉ khoảng 9.3%. Nguyên nhân chủ yếu khiến ung thư tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn ở giai đoạn muộn. Tại Mỹ, chỉ 10% bệnh nhân ung thư tụy được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, trong khi đó 53% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn IV khi đã có di căn xa.


Khánh Mai
Ý kiến của bạn