Sự việc đúng, sai đến đâu chắc chắn sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Trong phạm vi bài viết, báo Sức khoẻ&Đời sống xin trích đăng ý kiến của các bác sĩ xung quanh vấn đề này nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn khách quan về vụ việc đáng tiếc xảy ra.
BS. Thanh Huyền: “Xác suất xảy ra phản ứng phản vệ trong gây mê tại Pháp là: 1/13000 đến 1/3500 (tùy theo loại thuốc gây mê và lứa tuổi). Con số này tại Úc là 1/20000 đến 1/10000. Trong số các ca gây mê có thể dẫn đến sốc phản vệ, chỉ có 3-6% tử vong và 2% bệnh nhân có tổn thương não thực thể sau khi thoát sốc. Một nghiên cứu khác tại Pháp cho thấy, tỷ lệ này tương ứng là 1/3180 đến 1/13000, và tỷ lệ tử vong từ 3-9%.
Trong khi đó tại Mỹ, một nghiên cứu được thực hiện ở trung tâm dị ứng miễn dịch bệnh viện Mayo Clinic, người ta chỉ ghi nhận được 38 trường hợp phản vệ do thuốc gây mê trong vòng 18 năm (1992-2010).
Với các con số nêu trên, giả sử lấy tỷ lệ cao nhất là 1/3180, và tỷ lệ tử vong cao nhất là 9%, thì tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới trong sốc phản vệ do thuốc gây mê là 1/35.333, diễn giải đơn giản là: gây mê 35.333 (ba lăm ngàn ba trăm ba mươi ba) người thì có 1 người bị tử vong do phản ứng phản vệ với gây mê.
Quay lại với câu chuyện của chúng ta: gây mê 11 trẻ, có 3 trẻ tử vong. Không cần phải tính toán dựa trên các thuật toán thống kê, ai cũng có thể thấy, chắc chắn phải có vấn đề. Thật đáng tiếc, một sự việc bắt nguồn từ hoạt động từ thiện lại có hậu quả như vậy. Nhưng chắc chắn phải có một câu trả lời rõ ràng cho gia đình trẻ bị tử vong, cho đồng nghiệp và cho cộng đồng.

Thân nhân của một trẻ tử vong trong chương trình phẫu thuật từ thiện tại Khánh Hoà. Ảnh Internet.
ThS.BS. Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai bày tỏ: “Theo tôi, các công việc thiện nguyện rất cần được xã hội quan tâm khuyến khích. Tuy nhiên, trong trường hợp này có 3 trẻ tử vong một lúc tại chương trình phẫu thuật nhân đạo. Thông thường, xét về mặt chuyên môn, nếu thấy có một trẻ gặp sự cố bất thường thì nên dừng chương trình phẫu thuật lại. Tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm có kết luận cuối cùng để có thể xử đúng người và đúng tội, tránh việc cộng đồng ám thị rằng đã đi làm thiện nguyện rồi mà lại còn mang tội hay nói cách khác là "làm phúc phải tội"”.

Chị Nguyễn Thu Huệ trong đợt khám từ thiện tại Quảng Bình
Chị Nguyễn Thu Huệ, chủ nhiệm CLB thiện nguyện Blouse trắng – người từng tổ chức rất nhiều hoạt động tình nguyện y tế cho biết: “Tôi không muốn bàn luận nhiều về cái chết của 3 trẻ nhỏ, ai đúng ai sai sẽ có cơ quan chức năng kết luận, đúng người đúng tội. Nhưng tôi tin không ai muốn chuyện đó xảy ra, càng không có tổ chức từ thiện nào muốn gặp những trục trặc không thể kiểm soát đuợc như vậy. Đứng ở góc độ là những nhà từ thiện hoạt động nhiều về phần y tế, tôi thấy vụ 3 trẻ tử vong thật sự là 1 điều đáng tiếc, không chỉ với riêng đội ngũ làm từ thiện mà nó còn ảnh huởng không nhỏ đến hình ảnh ngành Y.”.
“Chúng tôi không ai muốn làm đau bệnh nhân, kể cả là 1 lần không chọc đuợc đúng ven, nữa là những nguời mang tâm đi làm từ thiện, không tiền, không quà, không danh, không hào quang hay khen thuởng. Chúng tôi đi từ thiện với mục đích hàng đầu là chia sẻ sự khó khăn, với riêng ngành Y là bệnh tật, giúp đuợc đến đâu là giúp hết sức. Tôi ủng hộ sự làm rõ của cơ quan chức năng. Ai đúng ai sai nên chỉ mặt điểm tên, đúng nguời đúng tội. Còn về hoạt động từ thiện, cá nhân tôi thiết nghĩ mọi nguời nên có cái nhìn khách quan đúng mực hơn. Từ thiện cũng giống như đi “mua” chữ Tín chữ Tin vậy, nếu làm không hiệu quả thì chẳng nổi 2 hoạt động. Dư luận cũng nên có cái nhìn công tâm, đỡ đần những tổ chức làm việc hiệu quả, giúp sức thực sự cho cộng đồng, giảm gánh nặng về tư tuởng của người dân làm từ thiện là để đánh bóng tên tuổi”- bác sĩ Huệ bày tỏ.

Phẫu thuật từ thiện cho trẻ dị tật hở môi, hàm ếch của Trung tâm OSCA. Ảnh Internet.
BS. Võ Xuân Sơn bày tỏ quan điểm, về nguyên tắc, việc kiểm tra, giám sát, bảo đảm các chuẩn mực y tế chung cho các chương trình phẫu thuật từ thiện là rất cần thiết. BS. Sơn cho hay: “Trường hợp nếu là shock thuốc, phản ứng sẽ xảy ra ngay sau khi cho thuốc vào một thời gian ngắn (tùy loại thuốc). Còn nếu xảy ra sau khi mổ xong thì có thể do liều lượng, do rút ống nội khí quản sớm quá khi bệnh nhân chưa tự thở lại. Ngoài ra còn nguyên nhân do máy móc. Cũng có thể máy bị nghẹt đường dẫn oxy hoặc bộ phận pha trộn thuốc. Tôi cho rằng cần có một hội đồng khoa học đánh giá chính xác vụ việc….”.
Ngày 23/8, Trung tâm OSCA phối hợp với Bệnh viện Quân Y 87 tổ chức phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị dị tật hở môi, hàm ếch trên địa bàn. Trong quá trình gây mê, phẫu thuật cho 11 cháu thì có 3 cháu có triệu chứng bất thường, sau đó được đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để cấp cứu nhưng cả 3 cháu đều không qua khỏi.
Liên quan đến vụ việc này, hiện Bộ Y tế đã có văn bản gửi Cục Quân Y (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện Quân y 87, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa và Trung tâm OSCA khẩn trương xử lý vụ việc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đình chỉ hoạt động của Trung tâm OSCA trước khi sự việc đáng tiếc nói trên được làm sáng tỏ.
Dương Hải