Phẫu thuật tim bẩm sinh kết hợp tạo hình khí quản cho bệnh nhi 11 tháng tuổi

05-04-2019 14:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa phẫu thuật tim bẩm sinh kết hợp với tạo hình khí quản cho bệnh nhi 11 tháng tuổi nặng chỉ có 7kg.

Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, bé thường xuyên bị viêm phổi tái phát, khò khè nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám.

Tại đây, các bác sĩ khoa Tim mạch đã phát hiện bệnh nhi mang trong người cùng lúc 2 dị tật phức tạp là bệnh tim bẩm sinh và dị dạng khí quản.

Các bác sĩ cho biết, kết quả siêu âm tim cho thấy bé bị thông liên thất kích thước lớn gây tăng áp động mạch phổi nặng và dãn lớn buồng tim làm giảm chức năng co bóp của tim. Bên cạnh đó, kết quả nội soi đường thở cũng ghi nhận tình trạng hẹp khí quản (đường thở) trên 50% khiến bệnh nhi thường xuyên bị viêm phổi và khò khè.

Theo Ths.BS Hồ Văn Anh Dũng (Trưởng đơn vị phẫu thuật tim hở của Bệnh viện Nhi Đồng 2), bệnh nhi cần phải được phẫu thuật tim hở đóng thông liên thất sớm để làm giảm tình trạng tăng áp lực động mạch phổi và dãn các buồng tim gây giảm chức co bóp của tim.

Nhưng trong tình huống bệnh nhi có thêm tình trạng hẹp khí quản bẩm sinh, có thể trở nặng hơn nếu chỉ can thiệp mổ tim đơn thuần. Hoặc nếu bệnh nhi may mắn vượt qua được cuộc mổ tim thì sau này phẫu thuật tạo hình khí quản sẽ rất khó. Lý tưởng nhất là thực hiện 2 phẫu thuật trong 1 lần mổ. Tuy nhiên, bình thường phẫu thuật tạo khí quản đơn thuần đã tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho bệnh nhi giờ phải thực hiện 2 phẫu thuật cùng một lúc.

Bệnh viện Nhi đồng hai vừa thực hiện cùng lúc 2 thủ thuật mổ tim hở và tạo hình khí quản cho bệnh nhi 11 tháng tuổi.                       Ảnh:BSCC

Ths.BS Nguyễn Trần Việt Tánh, phụ trách lĩnh vực phẫu thuật khí quản của Bệnh viện Nhi đồng 2, chia sẻ thêm về trường hợp này: “Bệnh nhi tạm thời qua được đợt viêm phổi, tổng trạng khá lên rất nhiều. Do đó, nếu chỉ nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra sau mổ cũng khiến các bác sĩ và người nhà vô cùng phân vân. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm và những kết quả khả quan về các trường hợp tạo hình khí quản tại bệnh viện. Chúng tôi đã quyết định thực hiện phẫu thuật kết hợp sửa 2 dị tật khó cùng lúc để giúp bệnh nhi trở về cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác”.

Ngày 13/3/2019, êkip phẫu thuật tim hở và khí quản gồm bác sĩ Dũng và bác sĩ Tánh đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi.

Sau hơn 3 giờ phẫu thuật căng thẳng để không phạm phải sai lầm nào, bệnh nhi đã có được trái tim và đường thở hoàn chỉnh và chuyển qua hồi sức một cách an toàn. Tình trạng bệnh nhi sau đó khá ổn định và được cai máy thở sau 2 ngày theo dõi tại hồi sức. Hiện bệnh nhi đã bước sang ngày hậu phẫu thứ 7, hồi phục tốt và chuẩn bị xuất viện.

Nhận định thêm về ca mổ, Ths.Bs Vũ Trường Nhân, phó khoa ngọai tổng hợp, cho biết thêm “Thành công của cuộc mổ này tại bệnh viện Nhi đồng 2 giúp mở ra một hướng can thiệp mới tuy rất chông gai nhưng có thể mang lại một kết quả điều trị tốt nhất cho các bệnh nhi không may mắc các dị tật này.”


Thống kê cho thấy, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, tức là cứ 13 phút có một trẻ mắc dị tật bẩm sinh được sinh ra.
Các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ rất đa dạng và có diễn biến phức tạp. Có những dị tật có thể phát hiện trong những lần mẹ khám thai, tuy nhiên nhiều trường hợp do chủ quan hoặc vì một lý do nào đó không phát hiện ra được mà sau khi sinh mới nhận biết được. Việc phát hiện sớm dị tật bẩm sinh có ý nghĩa rất lớn trong công tác điều trị nhằm đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính các bé và bố mẹ.
Theo các chuyên gia đầu ngành, việc nghiên cứu đánh giá kết quả sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sẽ phát hiện sớm dị tật bẩm sinh ở thai nhi, từ đó can thiệp sớm. Việc điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh là rất quan trọng cho sự phát triển giống nòi. Nhờ đó có thể nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em, thu hẹp đáng kể sự khác biệt và các chỉ báo sức khỏe trẻ em giữa các vùng miền.



Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn